Đây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên Liên minh châu Phi (AU) có cùng tiếng nói, thể hiện cùng quan điểm và đưa ra cùng yêu sách trong khuôn khổ diễn đàn quốc tế này. Tuy nhiên, cả yêu cầu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho tới năm 2020 lẫn yêu cầu đòi các nước công nghiệp phát triển bồi thường 67 tỉ USD cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra trên châu lục đều có phần không thực tế.
Đúng là châu Phi bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu trái đất trong khi châu lục này vốn không phải là tác nhân gây ra sự biến đổi đó. Đúng là các nước công nghiệp phát triển thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất. Tâm lý không chấp nhận tình trạng "quýt làm cam chịu" ở các quốc gia châu Phi cũng không có gì là khó hiểu. Nhưng tính khả thi của việc xử lý và thực hiện yêu cầu đòi bồi thường nói trên lại là chuyện nằm ngoài khả năng kiểm soát và vận hành của AU và càng không có khả năng trở thành chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự của hội nghị nói trên.
Lý do không chỉ đơn thuần là châu Phi chẳng có bằng chứng cụ thể và yêu cầu đòi bồi thường được nêu ra chung cho các nước công nghiệp phát triển nên sẽ chẳng có nước nào trong diện này để tâm xử lý. Lý do còn ở chỗ công nhận hay không công nhận trách nhiệm sẽ quyết định biện pháp chính sách của các nước công nghiệp phát triển nói riêng và các nghị quyết của hội nghị này nói chung.
Cứ nhìn vào thực tế thời gian vừa qua cũng đủ thấy yêu cầu này của AU như thể được đưa ra ở chỗ không người và đòi hỏi bồi thường của họ chẳng khác gì hành trình con kiến kiện củ khoai. Chính các nước là thủ phạm chính gây ra biến đổi khí hậu trái đất đã và đang cản trở tiến trình bảo vệ khí hậu trái đất, không thực hiện những gì đã cam kết. Bởi vậy, những yêu cầu mới của AU chỉ có tác dụng như một cảnh báo và thông điệp chính trị.
La Phù
Bình luận (0)