Học bổng du học Mỹ thời suy thoái

28/08/2009 15:04 GMT+7

Kinh tế khó khăn, rất nhiều trường ĐH Mỹ cắt giảm hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế khiến cuộc đua giành học bổng vất vả hơn rất nhiều. Hãy nghe những bạn trẻ đã “săn” học bổng thành công chia sẻ kinh nghiệm.

Các trường thắt hầu bao

Trong số các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương, VN là nước có số du học sinh đến Mỹ tăng cao nhất. Theo số liệu từ lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, nếu năm học 2006 – 2007 có hơn 6.000 visa du học được cấp, thì năm học 2007-2008 con số đó là hơn 9.000 (tăng 50%). Tuy nhiên năm nay, tình hình suy thoái kinh tế ở Mỹ và thế giới đã gây ảnh hưởng bất lợi với những bạn có ý định du học, đặc biệt là bằng con đường học bổng.

Phạm Anh Khoa, thạc sĩ về Kinh tế và quan hệ quốc tế (ĐH Bates, Mỹ) - anh cũng đã thực hiện dự án nghiên cứu về các du học sinh VN với học bổng Watson Fellowship - cho biết: “Tình hình tài chính của những trường ĐH Mỹ phụ thuộc phần lớn vào các quỹ của trường. Trường lấy quỹ này đi đầu tư, lợi nhuận thu về đầu tư lại cho trường. Ví dụ như quỹ của trường ĐH Harvard năm 2008 là 34 tỉ USD, thì đến tháng 6.2009 chỉ còn 24 tỉ (mất 10 tỉ USD trong vòng 1 năm). Quỹ của trường ĐH Yale năm 2008 là 23 tỉ USD, đến năm nay chỉ còn 17 tỉ (mất khoảng 26%). Khi các quỹ này bị giảm, các trường có thể cắt giảm nhiều chi phí, nhưng họ vẫn dành ưu tiên hàng đầu cho chi phí trả cho giáo viên (để có người dạy tốt nhất) và học bổng (để có SV tốt nhất). Vì vậy, với những trường giàu nhất, thì khoản chi cho học bổng của họ trong thời gian trước mắt chưa có ảnh hưởng nhiều lắm, nhưng với các trường cỡ trung trở xuống thì số lượng học bổng và hỗ trợ tài chính với SV quốc tế sẽ bị ảnh hưởng phần nào”.

ĐH Wesleyan là một ví dụ cho việc cắt giảm số lượng học bổng. ĐH Wesleyan có 1 nguồn tài trợ học bổng đến từ Công ty AIG. Công ty  này đã bị mất rất nhiều tiền trong vụ khủng hoảng tài chính vừa rồi. ĐH Wesleyan mọi năm đều dành 22 suất học bổng toàn phần cho 11 nước châu Á, mỗi nước 2 người. Năm nay, trường chỉ cấp 11 suất học bổng, mỗi nước chỉ có 1 người. Bạn Lê Lan Chi, người VN duy nhất nhận học bổng Wesleyan Freeman Asian năm nay cho biết: “Học bổng của mình không được toàn phần, mà 1 phần trong đó mình sẽ phải vay từ trường. Sau khi tốt nghiệp, đi làm mình sẽ phải trả lại cho trường. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn này, xin được học bổng đó đối với mình đã là một thành công”.

Kinh nghiệm của “thợ săn”

“Làm sáng” hồ sơ của mình là bí quyết chung của chủ nhân các suất học bổng. Để nổi bật giữa hàng nghìn hồ sơ khác có điểm số tương đương, một bộ hồ sơ hấp dẫn cần có tính liên kết, mỗi góc cạnh của bộ hồ sơ đều chứng tỏ được rằng bạn sẽ là một sinh viên hoàn hảo cho trường. Lê Lan Chi chia sẻ: “Bài luận vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định trong bộ hồ sơ, tạo cơ hội cho bạn chứng tỏ cá tính. Bạn đừng đi vào những đề tài “đao to búa lớn” nhưng nhàm chán. Mở đầu thật hấp dẫn, nếu không sẽ không có nhân viên tuyển sinh nào có đủ kiên nhẫn để đọc hết nó đâu. Bài luận cần chân thực, thẳng thắn và gây cảm xúc”.

Hoạt động ngoại khóa lại là một phần làm nổi bật hồ sơ xin học bổng của Trương Ngọc Anh Thư, cựu học sinh trường Phổ thông năng khiếu TP.HCM. Vừa qua, Anh Thư đã giành được học bổng trị giá 200.000 USD từ trường ĐH Mount Holyoke. Anh Thư được hội đồng tuyển sinh của trường đánh giá cao về những dự án cộng đồng mà bạn đã tham gia trước đó. Ngay cả khi chờ ngày sang Mỹ nhập học, Anh Thư cũng tham gia tích cực trong mảng tổ chức chương trình cho hội thảo du học Mỹ có tên “Chuyền đuốc” do VietAbroader (một tổ chức phi lợi nhuận của du học sinh VN tại Mỹ) thực hiện.

“Rải thảm” hồ sơ cũng là một việc cần làm để tăng khả năng tìm được học bổng trong giai đoạn khó khăn này. “Không phải trường nào cũng bị ảnh hưởng xấu từ khủng hoảng, bởi các quỹ của mỗi trường có cách đầu tư khác nhau. Một trường ĐH ở miền nam nước Mỹ, mọi năm mình gọi điện cho trường thì trường trả lời là không cấp học bổng cho SV quốc tế. Nhưng năm nay trường lại cấp học bổng toàn phần cho SV quốc tế trị giá tới hơn 200.000 USD/suất. Vì vậy bạn cần theo dõi trên website từng trường, và đừng ngại gọi điện thẳng tới trường để hỏi về tình hình học bổng vì chính sách của trường mỗi năm mỗi khác” - Lê Lan Chi chia sẻ thêm.

Phương Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.