“Đỏ mắt” tìm nhà vệ sinh công cộng ở Đà Lạt

29/08/2009 23:45 GMT+7

* Làm tour phải tính đến NVS * Có những điểm sáng Không kể người dân địa phương, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mỗi năm đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Thế nhưng trên hầu hết các tuyến đường chính, nơi thường có đông du khách qua lại thì vắng bóng các nhà vệ sinh (NVS) công cộng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội Môi trường đô thị, Công ty quản lý công trình đô thị Đà Lạt, hiện trên địa bàn TP Đà Lạt có tới... 3 NVS di động. Ngoài ra, tại trụ sở của Đội Vệ sinh môi trường còn có 2 NVS di động khác... nằm chờ, trong thế sẵn sàng phục vụ trong những ngày lễ, hội tập trung đông người cần thiết. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có các NVS (nhà xây) khác tại bến xe Tùng Nghĩa, chợ Đà Lạt, bến xe ngầm để phục vụ những ai “có nhu cầu”. Thế nhưng, để tìm được những NVS này đối với du khách quả là khó. Ngay như người dân địa phương cũng khó biết. Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm, trong Công viên Yersin có NVS công cộng phục vụ miễn phí, và rất sạch sẽ và bảo chúng tôi cứ đến xem. Vậy mà, chiều 26.8, khi chúng tôi đến công viên này thì nơi là NVS đã khóa cửa im lìm, hỏi ra mới biết nó đã bị “khai tử” và đang được tận dụng để làm nhà kho (!)

Đáng nói hơn, vòng quanh bờ hồ Xuân Hương (dài khoảng 7 km), là nơi lý tưởng để du khách và người dân tản bộ thư giãn, nhưng chỉ duy nhất có một NVS di động ở phía bến Du thuyền. Bởi vậy, nếu những ai đi vòng bờ hồ này thì dù có vô tình hay cố ý cũng rất dễ dàng bắt gặp cảnh đàn ông “ôm gốc thông” hoặc “dí” vào bờ rào; thậm chí thỉnh thoảng còn bắt gặp những phụ nữ vì “quá bí” nên cũng “liều”. Ngay như có “cố” đến được NVS công cộng, phải thu phí thì vẫn phải chịu mùi hôi thối, còn vòi nước để rửa tay thì ở tình trạng... tê liệt! Giải thích nguyên nhân, một cô phục vụ nói ngắn gọn: “Do tiền nước lên” (!?).   

Làm tour phải tính đến NVS

Tôi là hướng dẫn viên cho du khách Đức. Tôi rất hoan nghênh các bài viết của Thanh Niên về NVS cho các điểm du lịch. Qua Thanh Niên, tôi đề nghị các công ty du lịch khi lên các tour lữ hành cho khách trong nước và ngoài nước nên đi để kiểm tra và hợp tác đầu tư trạm dừng chân cho du khách. Xin nêu ví dụ: Tour Quy Nhơn - Pleiku - Buôn Ma Thuột - Đà Lạt - TP.HCM. Từ Quy Nhơn đi Pleiku, rồi từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột và từ Buôn Ma Thuột đi Đà Lạt không hề có trạm dừng chân cho du khách đi vệ sinh, giải lao, hút thuốc... Có du khách chịu vào rừng, có du khách không chịu và tìm NVS tại cây xăng nhưng lại thường quá bẩn. Nhất là khi ăn trưa xong ở Pleiku rồi đi Buôn Ma Thuột, quãng đường này không có cây xăng nào có NVS (cây xăng nhỏ). Tôi đành cho khách vào quán cà phê bắt du khách nước ngoài uống cà phê để có “lý do” vào NVS của quán nhưng NVS của các quán cũng quá tệ.

Rồi từ Buôn Ma Thuột đến Đà Lạt cũng vậy, ngồi trên xe ô tô 4-5 giờ liên tục mà không có trạm dừng chân. Riêng từ Đà Lạt đi TP.HCM, thật là đáng khen mấy nhà hàng tiếp thị trà, cà phê của các doanh nghiệp; khách vừa được uống trà, cà phê miễn phí vừa dừng chân thực hiện nhu cầu riêng. Khách có thể mua sản phẩm hoặc không, nhưng nói chung ít nhiều khách đều mua, vừa vì có nhu cầu vừa vì cảm kích tinh thần phục vụ. Không hề có việc níu kéo, ép buộc mua bán. Mô hình này rất hay, các tỉnh khác nên học tập.

Tổng cục Du lịch cũng nên đi khảo sát để khi duyệt các tour theo các chương trình “con đường di sản” hay tương tự cần nêu yêu cầu bắt buộc phải có nơi dừng chân vệ sinh. Dân Việt ta có thể thích nghi điều kiện vệ sinh tồi tệ, du khách các nước không chịu như vậy. Đề nghị Tổng cục Du lịch, Bộ VH - TT - DL đừng chỉ hô hào và giao chỉ tiêu.

Mong Thanh Niên tiếp tục lên tiếng!

(Lê Anh Kim - Hoàng Diệu, Nha Trang, Khánh Hòa)

Bài và ảnh: Gia Bình

 

Có những điểm sáng

Đà Nẵng: thuê NVS để phục vụ khách

Trong khi nhiều nơi, vấn đề NVS vẫn còn bị bỏ bê thì ở một vài điểm du lịch, chuyện giải quyết “đầu ra” cho khách khá tốt.

Hiện tại, bãi biển Đà Nẵng có 3 NVS thông minh phục vụ khách du lịch và người dân. Với NVS thông minh này, du khách chỉ cần bỏ đồng xu 2.000 đồng thì sẽ được mở cửa phục vụ tự động. Tuy nhiên, vào những mùa cao điểm, thì các NVS này đều quá tải. Vị trí phân bổ 3 NVS này cũng chỉ tập trung ở đoạn công viên biển Phạm Văn Đồng, trong khi đó, tại khu vực bờ biển Mỹ Khê, nơi có gần 15 hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống thì vẫn chưa có NVS công cộng. Vậy là mỗi khi khách có nhu cầu, chủ quán giải quyết bằng cách cơ động lấy mấy tấm bạt ra che.

“Chiều ngày 28.8, chúng tôi đã đứng ra làm trung gian thuê giúp những hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đây ký hợp đồng thuê 2 NVS lưu động để giải quyết nhu cầu của khách du lịch trong khi chờ thành phố phê duyệt xây dựng thêm NVS công cộng tại khu vực này”, ông Hồ Văn Ánh, Trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển TP Đà Nẵng thông báo. “Nếu các hộ dân tự đứng ra thuê thì giá của 2 NVS trên sẽ không dưới 12 triệu đồng/tháng. Vì vậy, chúng tôi đã tình nguyện đứng ra làm đơn vị trung gian, thương lượng với Công ty môi trường và đô thị Đà Nẵng để những hộ kinh doanh này được thuê với giá ưu đãi (5 triệu đồng/tháng). Các hộ dân sẽ tự thu phí cũng như đảm bảo vệ sinh. Đây là cách hữu hiệu để góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, phục vụ du khách đến Đà Nẵng. Bắt đầu từ 31.8, 2 NVS lưu động này sẽ được đưa vào sử dụng”, ông Ánh nói thêm. Ngoài ra, BQL đang có văn bản trình UBND TP Đà Nẵng lắp đặt thêm NVS thông minh dọc tuyến biển Sơn Trà - Điện Ngọc, cung đường du lịch nối Đà Nẵng với Hội An (Quảng Nam).

Vấn đề NVS cho tuyến du lịch khám phá bán đảo Sơn Trà cũng đang là bài toán đau đầu của người làm du lịch Đà Nẵng. Trong thời gian qua, tour du lịch khám phá bán đảo này khá được chú ý và hấp dẫn. Tuy nhiên, tại những điểm dừng chân kể trên, nếu du khách muốn giải quyết nhu cầu thì hướng dẫn viên du lịch cũng... bó tay!

Điểm tham quan du lịch cáp treo Bà Nà (do Công ty CP du lịch và cáp treo Bà Nà đầu tư) vấn đề NVS cũng được giải quyết khá tốt. Tại phòng chờ của các tuyến cáp, NVS đều được xây dựng mới nên khá sạch sẽ khang trang khiến du khách hài lòng...

Vũ Phương Thảo

Nhiều khu du lịch ở Đà Lạt có nhà vệ sinh tốt

Không như các NVS công cộng, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn TP Đà Lạt vấn đề tế nhị này được quan tâm rất tốt như tại khu du lịch (KDL) Đồi Mộng mơ, Thung lũng Tình Yêu, Thung lũng vàng, Thiền viện Trúc Lâm, Thác Prenn...

Nhìn nhận vấn đề này, ông Phạm Nguyễn Hoàng Vinh Quang - Giám đốc KDL Thung lũng Tình Yêu cho biết: “Vệ sinh là một nhu cầu hết sức cấp thiết của mỗi người, và khi đi du lịch du khách không chỉ quan tâm đến mỗi phong cảnh đẹp hay vấn đề gì khác mà còn “để ý” đến NVS. Dù KDL có đầu tư tốt đến mấy mà NVS không được đầu tư tương xứng thì không thể gọi là tốt được”.

 
NVS ở KDL Thung lũng Tình Yêu luôn có nhân viên dọn dẹp sạch sẽ

Có lẽ nhờ vậy mà khu NVS này, ngoài vị trí hợp lý để không làm ảnh hưởng vẻ mỹ quan và thuận tiện cho du khách, còn luôn luôn có ít nhất một nhân viên túc trực dọn dẹp để đảm bảo sạch và không có mùi. Văn phòng KDL sẽ kiểm tra đột xuất tối thiểu 2 lần trong ngày. Nhờ thế, hằng năm, KDL Thung lũng Tình Yêu luôn được xếp vào hạng “top ten” của Đà Lạt đón khoảng 430 ngàn lượt khách tham quan nhưng không thấy có ai phàn nàn gì về vấn đề này.

G.B

Có gì lạ ở trạm dừng chân Hưng Lộc (Đồng Nai)?

Trước đây nó là trạm xăng bình thường nhưng nay đã là trạm dừng chân ấn tượng đối với nhiều du khách trong và ngoài nước nhờ có NVS công cộng luôn sạch sẽ và mô hình phục vụ... hơi bị lạ! NVS này phục vụ miễn phí, khi khách bước vào phòng vệ sinh, sẽ có nhân viên tại đây hướng dẫn và phục vụ với những đôi dép sạch để sẵn ngoài cửa. Đặc biệt phòng vệ sinh được thường xuyên lau chùi. Ông Phạm Văn Sự - chủ trạm dừng chân Hưng Lộc - cho biết: mô hình này do người con trai Phạm Bảo Nguyên, đang học thạc sĩ tại Úc, thấy hay và văn minh nên bàn bạc với cha thực hiện.

 
Thay đổi dép vào phòng vệ sinh

Trung Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.