"Chúng ta đang thất bại!"
Bản báo cáo hồi tháng 1.2009 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nói rằng những tên tình báo công nghiệp, gián điệp nước ngoài, tội phạm internet, và các loại khác "đã xâm nhập vào mạng máy tính được bảo vệ một cách lỏng lẻo của nước Mỹ và lấy đi nhiều thông tin quý giá". Những "thông tin" CSIS nêu ra và được tuần báo DefenseNews xuất bản tại Mỹ thuật lại, bao gồm các công nghệ quân sự quan trọng, những tài sản trí tuệ quý giá, những bản thiết kế, kế hoạch, quy trình kinh doanh... mà người ta phải mất hàng tỉ USD để tạo ra.
Hồi tháng 4 năm nay, báo The Wall Street Journal dẫn lời các quan chức của chính phủ hiện thời và chính phủ trước nói rằng tin tặc đã xâm nhập hệ thống máy tính của Lầu Năm Góc và sao chép hàng ngàn megabytes dữ liệu về dự án chế tạo máy bay tàng hình đa năng F-35 Joint Strike Fighter (còn gọi là F-35 Lightning II) trị giá 300 tỉ USD. Những quan chức này cũng nói rằng người ta ghi nhận được các cuộc xâm nhập vào hệ thống điều khiển không lưu của Không lực Mỹ trong nhiều tháng trước đó.
Trước đó vào tháng 3, tờ báo trên cũng dẫn lời một cựu quan chức giấu tên nói rằng gián điệp đã xâm nhập vào hệ thống máy tính từng được sử dụng trong việc điều khiển lưới điện quốc gia và các cơ sở hạ tầng khác. Người này cho biết thêm là các cơ quan quân sự và những công ty tư nhân chuyên thực hiện các hợp đồng lớn của Chính phủ Mỹ cũng bị xâm nhập.
Lầu Năm Góc cũng như Lockheed Martin, tập đoàn nghiên cứu phát triển sản phẩm F-35 Lightning II, đã bác bỏ tin của The Wall Street Journal về chuyện bí mật dự án này bị đánh cắp. Cũng có tin nói những thông tin nhạy cảm nhất của dự án được cất giữ cẩn mật trong một máy tính không nối với internet. Không ai tính được hết mức độ nghiêm trọng và thiệt hại của các vụ xâm nhập, nhưng dấu vết hacker để lại là không thể phủ nhận. Chính Joe Stout, Giám đốc truyền thông của Lockheed Martin Aeronautics, thừa nhận: "Cũng như Chính phủ (Mỹ), các hệ thống mạng của chúng tôi luôn bị tấn công".
Báo cáo của CSIS vì thế nói: "Sự lỏng lẻo của nước Mỹ trong việc bảo vệ không gian mạng là một trong những vấn đề an ninh quốc gia cấp bách nhất hiện nay". Báo cáo cũng nhắc thêm: "Chúng ta mong đợi sờ nắm được những thiệt hại từ các cuộc tấn công này. Trên thực tế, thiệt hại về mặt thông tin thì khó lường hết được". "Nước Mỹ đang đứng giữa một cuộc chiến trên mạng. Và đó là một cuộc chiến mà chúng ta đang thất bại", báo cáo nhận định.
Đối phó nguy cơ
DefenseNews ngày 6.7 cho rằng Tổng thống Barack Obama, hoặc chí ít nhất là các cộng sự của ông, đã xem xét bản báo cáo của CSIS một cách nghiêm túc. Bởi thế mà trong bài diễn văn ngày 29.5 về an ninh mạng quốc gia, ông Obama đã thừa nhận: "Rõ ràng nguy cơ từ không gian mạng là một trong những thách thức an ninh và kinh tế nghiêm trọng nhất mà quốc gia chúng ta đang đối mặt. Rõ ràng chúng ta đã không được chuẩn bị như chúng ta cần phải chuẩn bị". Và ông hứa sẽ cải thiện điều này: "Chính phủ của tôi sẽ theo đuổi một cách tiếp cận mới và toàn diện trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của nước Mỹ", cái mà ông gọi là tài sản quốc gia chiến lược và bảo vệ nó là một ưu tiên về an ninh.
Chưa đầy một tháng sau bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng, ngày 24.6, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates công bố thành lập Cục Chỉ huy an ninh mạng (USCC) do tướng Keith Alexander, Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia, phụ trách. Trong bài phát biểu sau đó 1 ngày, tướng Alexander nhấn mạnh USCC, dự kiến bắt đầu hoạt động từ ngày 1.10 tới, sẽ phát triển năng lực phòng vệ và phản công trước tin tặc của quân đội. USCC cũng sẽ hỗ trợ Bộ An ninh nội địa bảo vệ mạng thông tin phi quân sự của chính phủ và cả mạng lưới thông tin thương mại của cả nước. Hải quân Mỹ trong cùng thời gian cũng thiết lập Cục Chỉ huy mạng hạm đội (FLTCYBERCOM).
Bên kia đại dương, Anh quốc cuối tháng 6.2009 cũng đưa ra chiến lược phòng vệ trên mạng với kế hoạch thiết lập Văn phòng an ninh mạng (OCS) bảo vệ hệ thống mạng của chính phủ, và Trung tâm điều hành an ninh mạng bảo vệ toàn bộ hệ thống mạng internet quốc gia.
Ngày 26.6, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng trình lên Tổng thống Lee Myung-bak kế hoạch thành lập Trung tâm chỉ huy chiến tranh mạng dự kiến hoàn thiện vào năm 2012.
Còn Ấn Độ, quốc gia cũng có tiếng về trình độ công nghệ thông tin, thì giật mình nhìn nhận họ có nhiều đơn vị bảo vệ an ninh mạng riêng lẻ, nhưng một "tổng chỉ huy" thì chưa, dù điều này đã được bàn bạc nhiều năm qua. Một quan chức Bộ Nội vụ nói hồi tháng 7 rằng nguy cơ Ấn Độ bị tấn công là có thật và ngày càng gia tăng khi Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung được tổ chức ở thủ đô New Dehli vào tháng 10.2010 sắp đến gần.
Trong khi đó, DefenseNews đưa tin Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang thúc đẩy việc thành lập các nhóm phản ứng nhanh, sẵn sàng có mặt khi một quốc gia thành viên cần hỗ trợ. Hiện tại, NATO đã có 3 cơ quan phòng vệ chính yếu giúp "cách ly" hệ thống mạng nội bộ của NATO với tin tặc trong thời gian qua. Đại sứ Mỹ tại NATO phát biểu hồi tháng 7: "Cha đẻ của NATO vào năm 1949 hẳn không bao giờ nghĩ tới nguy cơ này, nhưng ngày nay nó đã quá rõ ràng".
Thật ra, theo đánh giá của DefenseNews, từ nhiều năm qua, nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác đã nghĩ tới nguy cơ nói trên, nhưng người ta chưa chú trọng nó đúng mức. "Tại sao chúng ta chi vài trăm triệu USD cho một chiếc máy bay chiến đấu hiện đại, hoặc hàng tỉ USD cho các vệ tinh viễn thông và do thám, trong khi đất nước chúng ta có thể bị hạ gục dễ dàng chỉ bởi một nhóm vài tin tặc ngồi cách chúng ta một châu lục", một nhân viên tình báo châu u nói.
(Còn tiếp)
Thục Minh
Bình luận (0)