Hiểm họa chết người từ điện

03/09/2009 00:00 GMT+7

Vụ một học sinh lớp 8 bị điện giật chết khi ngã vào trụ đèn chiếu sáng tối 31.8 ở TP.HCM và hàng loạt vụ tai nạn điện thời gian qua đã đặt ra nhiều mối lo ngại về tình hình an toàn điện cho người dân. Nghe đọc bài

Mỗi năm hàng trăm người chết

Người dân TP.HCM hẳn chưa quên sự cố đứt dây điện trên đường u Cơ (P.Tân Thành, Q.Tân Phú) làm giật chết một cô gái 22 tuổi vào sáng 13.4. Vụ tai nạn tưởng như hy hữu và đầy tính “tai bay vạ gió” này một lần nữa lặp lại vào tối 31.8, khi một em học sinh bị điện giật chết vì ngã vào trụ đèn chiếu sáng. Cả hai vụ này đều xảy ra trong tình trạng đường ngập nước lênh láng do trời mưa.

Trước đó, tại TP.HCM cũng xảy ra hàng loạt vụ tai nạn có nguyên nhân từ điện với những thiệt hại không nhỏ. Điển hình như ngày 8.8 vừa qua, hai trụ điện trước nhà 206 Hoàng Văn Thụ (P.4, Q.Tân Bình) bất ngờ chập điện, phát nổ kèm theo cháy lớn gây hoảng loạn cho hàng trăm người đi đường. Hậu quả của đám cháy là gây mất điện, đứt liên lạc hệ thống truyền hình cáp, cáp viễn thông, điện thoại khu vực này nhiều giờ liền.

Tình trạng lưới điện chằng chịt như mạng nhện đã làm hạn chế khả năng phát hiện các vị trí cũ, sắp hư hỏng trong lưới điện để nâng cấp, thay mới

Một chuyên gia điện lực

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), từ năm 2000 đến nay, hằng năm trên toàn quốc xảy ra từ 450 - 500 vụ tai nạn do điện, làm chết 350 - 400 người, hàng trăm người khác bị thương. Trong đó, tai nạn điện do sử dụng điện dân dụng chiếm 70%, do sử dụng điện sản xuất chiếm 15%...

Hiểm họa lơ lửng trên đầu

Trao đổi với PV Thanh Niên, một chuyên gia điện lực cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ chập điện, rò rỉ điện, tai nạn điện thời gian qua, trong đó nguyên nhân chủ yếu là từ chính thực trạng của mạng lưới điện. Tình trạng lưới điện chằng chịt như mạng nhện đã làm hạn chế khả năng phát hiện các vị trí cũ, sắp hư hỏng trong lưới điện để nâng cấp, thay mới. Trong khi đó, phần nhiều vụ chập điện, cháy nổ trụ điện xuất phát từ các hư hỏng này, như: sứ đỡ dây điện bị rò rỉ, dây dẫn bị tróc vỏ, dây dẫn cạ vào trụ điện... kết hợp với tình trạng ẩm ướt của mưa bão gây ra các hiện tượng chập điện, cháy nổ.

Trong vụ rò rỉ điện ở đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu (Q.5) gây chết một học sinh vào tối 31.8, theo chuyên gia này, phần nhiều khả năng do đơn vị quản lý không đảm bảo tiếp đất an toàn cho trụ chiếu sáng bằng kim loại. Do đó khi xảy ra sự cố, nguồn điện thay vì được truyền thẳng xuống đất và tác động đến đầu nguồn làm tắt nguồn điện, thì lại nhiễm vào trụ đèn chiếu sáng kim loại với cùng điện thế của nguồn, gây giật chết người. Như vậy, trong trường hợp này, đơn vị quản lý phải chịu trách nhiệm chính.

Hố trụ điện thành “bẫy”

Nhiều vụ tai nạn chết người liên tiếp xảy ra ở Phú Yên có liên quan đến điện mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị thi công, quản lý điện...

Vợ chồng anh Huỳnh Thanh Khánh ở thôn Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc (H.Phú Hòa) như người mất hồn sau cái chết của đứa con trai 4 tuổi. Sáng 8.6, cháu Huỳnh Quốc Bảo (con anh Khánh) chơi trước nhà không may trượt chân, rơi xuống hố nước và tử vong. Cái hố này do Công ty TNHH xây dựng Hồng Phong (Bình Định), đơn vị thi công công trình xây lắp lưới điện hạ áp xã Hòa Quang Bắc (thuộc dự án RE II) đào trước đó 4 ngày.

Theo bà Lê Thị Kim Liên - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Quang Bắc, chính quyền địa phương đã kiến nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công đào hố móng đến đâu trồng trụ điện đến đó, đồng thời che chắn miệng hố để tránh xảy ra tai nạn. Thế nhưng, sau 1 tháng kể từ khi vụ tai nạn chết người xảy ra, vẫn còn một số hố móng chưa được thi công và lấp lại.

Một vụ tai nạn khác xảy ra tại xã Hòa Thắng (H.Phú Hòa) cũng từ việc đào hố móng trụ của lưới điện nông thôn do Công ty cổ phần xây lắp An Nhơn (Bình Định) thi công. Ông Nguyễn Đức Nhựt ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng đi xe đạp bị ngã xuống hố. Theo kết luận của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), ông Nhựt bị dập tủy cột sống cổ, hơn một tháng sau thì tử vong. Bà Nguyễn Thị Nương (vợ ông Nhựt) cho biết, từ ngày xảy ra tai nạn đến nay, Công ty cổ phần xây lắp An Nhơn chỉ hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng. Bà Nương phải vay mượn hơn 40 triệu đồng để chạy chữa cho chồng, thế nhưng đến nay đã hơn 5 tháng, vụ tai nạn vẫn chưa giải quyết xong. Gia đình đang lâm vào cảnh khó khăn.

Đơn vị quản lý vô can?

Còn nhớ cuối năm ngoái, khi sợi cáp điện loại A95 trên đường dây 0,4 KV thuộc lưới điện trung hạ áp ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà, H.Sơn Hòa bị đứt, rơi xuống trước sân nhà của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sang và bà Đặng Thị Chi vào trưa 31.12.2008 đã làm cháu Nguyễn Lê Shan (3 tuổi, cháu nội của ông Sang) bị giật chết. Và trong lúc hoảng loạn, bà Chi nắm tay đứa trẻ kéo ra, cũng bị điện giật dẫn đến tử vong. Công an H.Sơn Hòa xác định, đường dây điện trung hạ áp và trạm biến áp được Nhà nước đầu tư thi công xây dựng từ giữa tháng 8.1999. Sau đó, HTX quản lý và kinh doanh điện Sơn Hà quản lý, vận hành hệ thống đường dây tải điện này. Nguyên nhân dẫn đến sự cố đứt cáp điện là tại vị trí dây bị đứt có lắp kẹp quai bằng đồng để mắc nối dây xuống công tơ điện của khách hàng, do sử dụng lâu ngày, kẹp siết dây cáp không chặt nên xảy ra hiện tượng phóng điện gây phát nóng cục bộ dây nhôm ở vị trí kẹp quai đồng, đốt nóng chảy và làm đứt dây nhôm.

Thế nhưng ngày 21.7.2009, Công an H.Sơn Hòa kết luận rằng “đây là sự cố tai nạn xảy ra ngoài ý muốn, không có lỗi trực tiếp của người nào, kể cả nhân viên trực tiếp quản lý và vận hành lưới điện”. Và từ kết luận này, ngày 31.7.2009, UBND xã Sơn Hà lập biên bản giải quyết khiếu nại của ông Sang theo hướng từ chối thanh toán các khoản chi phí mai táng 2 nạn nhân Đặng Thị Chi và Nguyễn Lê Shan.

Lẽ nào đơn vị quản lý điện để xảy ra sự cố gây chết người, nhưng lại đứng ngoài cuộc trước nỗi đau của gia đình ông Sang?

 Ông Nguyễn Đức Nhựt tử vong do rơi xuống hố trụ điện lộ thiên - Ảnh: Đức Huy

Đức Huy

 Quá nguy hiểm!

Ảnh: Phan Hậu

Khảo sát của PV Thanh Niên tại các chung cư cũ ở Hà Nội cho thấy: tình trạng người dân phải đối mặt với nguy cơ từ các đường dây điện khá phổ biến. Tại nhà A2, A3 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, đường dây điện đang xuống cấp nghiêm trọng, dòng điện sinh hoạt khá chập chờn mà nguyên nhân chủ yếu là chập điện. Ngay phía đầu hồi nhà A2, tủ đựng công-tơ của 4 hộ gia đình được bố trí ngay phía dưới đường thoát nước (ảnh). Do đó, khả năng chập cháy do nước sinh hoạt rò rỉ chảy vào công-tơ rất dễ xảy ra.

Còn tại khu nhà B1, tập thể Công ty xây dựng số 1, P.Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân) dây điện chạy xuyên qua lan can nhà dân cũng chẳng còn là chuyện lạ. “Tuy được bọc kín, nhưng mớ dây điện này vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn nếu chẳng may bị hở do chuột cắn. Ở các nhà có phòng cho sinh viên thuê trọ, thi thoảng tôi còn thấy họ ngồi vắt vẻo lên dây tán chuyện”, bà Bùi Thị May, ở nhà A3, phản ánh.

Trước cổng Nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội (Mai Dịch,Từ Liêm), nhiều tháng nay, người đi đường vẫn phải chứng kiến cảnh hai chiếc thang dựng lên đỡ... dây cáp điện. Cách đó không xa, đoạn cáp võng xuống, giăng sát mặt đường, rất nguy hiểm cho người đi đường nhưng không thấy đơn vị chức năng nào đến xử lý.

Phan Hậu - Trần Đan

Phương Thanh - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.