- Nguyên nhân xảy ra vụ điện giật chết người tại trụ đèn chiếu sáng số 86 được xác định là do tối 31.8 mưa rất lớn, nước ngập sâu và ngập cả hộp điện của trụ đèn. Do hộp điện bị ngâm lâu trong nước nên các mối nối của dây điện bị nước xâm nhập, dẫn đến các mối nối này bị rò rỉ điện, điện nhiễm ra trụ đèn chiếu sáng kim loại gây giật chết người. Đây chỉ là sự việc xảy ra ngoài ý muốn, do nguyên nhân khách quan là mưa bão, ngập nước!
* Nếu hệ thống điện của đèn chiếu sáng được bảo quản trong điều kiện tốt thì đã không xảy ra giật chết người. Đó là chưa kể có nghi vấn rằng bộ phận tiếp đất của trụ đèn này hoạt động không tốt. Như vậy, trong vụ tai nạn này có nguyên nhân chủ quan là do thiếu các điều kiện đảm bảo an toàn cho hộp điện của trụ đèn?
Theo một chuyên gia ngành điện, hiện nay hệ thống đèn chiếu sáng và lưới điện trên địa bàn TP.HCM sử dụng loại CB và rờ-le có định mức và đặc tính hoạt động khá lỗi thời, chỉ có thể ngắt các dòng điện lớn vài chục ampe và thời gian ngắt cũng rất chậm. Chẳng hạn, với CB định mức 50 ampe thì với dòng điện khoảng 49 - 50 ampe, CB vẫn chưa nhảy, dòng điện trên 55 ampe thì một thời gian sau mới ngắt, cứ vậy dòng điện càng lớn thì thời gian ngắt càng nhanh. Trong khi chỉ một dòng điện khoảng 20 - 25 miliampe trong thời gian ngắn cũng đủ giật chết người. Đây chính là tồn tại của mạng lưới điện và đèn chiếu sáng, bởi việc lắp đặt CB chủ yếu là để bảo vệ, phòng cháy nổ cho hệ thống hơn là hướng đến bảo vệ an toàn cho người dân. Cần hướng đến sử dụng loại CB hiện đại có bộ phận ngắt tính bằng phần trăm của giây và có bộ phận khuếch đại dòng điện để có thể tác động nhanh ngay cả với dòng điện rất nhỏ. |
- Chúng tôi đã kiểm tra và xác định bộ phận tiếp địa của trụ đèn vẫn hoạt động tốt, tuy nhiên, do trụ đèn không xảy ra chạm chập mà chỉ bị nhiễm điện, trong khi dòng điện bị nhiễm quá nhỏ, không đáng kể nên không tác động được lên bộ phận tiếp đất.
* Tại sao dòng điện quá nhỏ mà có thể gây chết người được, thưa ông?
- Thực tế dòng điện vài chục miliampe đã có thể gây chết người, trong khi CB (cầu dao ngắt tự động - PV) tại các trụ chiếu sáng chỉ tác động với dòng điện vài chục ampe. Chính vì dòng điện nhỏ nên chỉ gây giật xung quanh cột đèn chiếu sáng chứ không lan rộng ra khu vực xung quanh qua môi trường nước ngập.
* Như vậy, hầu hết các trụ đèn chiếu sáng hiện nay đều trang bị CB chống cháy nổ chứ không phải phục vụ cho việc đảm bảo an toàn, tránh điện giật cho người dân?
- Đúng vậy, tôi cho rằng người dân phải tự “cứu” mình bằng việc tránh đến gần, hạn chế tiếp xúc các cột điện, trụ đèn chiếu sáng, nhất là trong điều kiện trời mưa, ngập nước.
* Hiện nay tình trạng ngập nước rất phổ biến tại TP.HCM. Vậy thì với hơn 29.000 trụ đèn chiếu sáng trên khắp TP như hiện nay, hiểm họa điện giật rình rập người đi đường là rất lớn?
- Tôi cho rằng ngập nặng như tối 31.8 là không phổ biến, trước giờ có ngập nhưng chủ yếu ngập dưới lòng đường chứ không có chuyện ngập cao lên vỉa hè và nước chảy vào cả hộp điện của trụ đèn (?!). Sau khi xảy ra tai nạn, chúng tôi đã triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn tại các trụ chiếu sáng như: tăng thêm thiết bị bảo vệ CB, đổ keo vào các mối nối điện tránh nước xâm nhập, hàn hóa nhiệt tại các điểm nối giữa dây điện với cọc tiếp địa tránh bị oxy hóa...
* Tại sao để xảy ra tai nạn rồi mới triển khai các biện pháp an toàn, thậm chí người dân còn phản ánh trước đây đã xảy ra nhiều vụ rò rỉ, chập điện tại trụ 86 này nhưng công ty vẫn không khắc phục?
- 16 xí nghiệp chiếu sáng trực thuộc công ty vẫn thường xuyên đi kiểm tra, thực hiện các công tác đảm bảo an toàn, nhất là trước mùa mưa bão. Do đó, tôi cho rằng không có chuyện trụ đèn 86 bị rò rỉ trước đó mà xí nghiệp quản lý không phát hiện ra.
Phương Thanh
Bình luận (0)