Rạp chiếu phim: Cung không đủ cầu

08/09/2009 10:44 GMT+7

Với dân số VN hiện nay là hơn 80 triệu người, các loại hình văn hoá nghệ thuật giải trí là một nhu cầu rất lớn, trong đó có điện ảnh. Nhưng nếu nhìn vào số rạp chiếu phim hiện nay, những nhà kinh doanh điện ảnh ở VN không khỏi nản lòng.

Không quá 100 rạp!

Người dân Việt, cả thành thị lẫn nông thôn đều rất mê xem phim điện ảnh. Khi VN tiếp cận những phát triển của khoa học, công nghệ cao, bước vào "hội nhập"... việc đòi hỏi những phương tiện và không gian giải trí cao cấp là một nhu cầu tất yếu. Theo một thống kê của Bộ VHTTDL thì số rạp chiếu phim toàn quốc hiện không quá 100, chủ yếu tập trung ở HN (9 rạp- 26 phòng chiếu) và TPHCM (19 rạp- 65 phòng chiếu).

Nếu chiếu theo dân số của 2 thành phố lớn này, gần 15 triệu người, thấy rõ việc đáp ứng nhu cầu giải trí xem phim ở rạp của người dân quá thấp. Nhìn sang Thái Lan, dân số của họ ít hơn ta, nhưng có tới 500 rạp, riêng thủ đô Bangkok với số dân 8 triệu người  (tương đương với dân số TPHCM), có tới 300 phòng chiếu phim.

Kể từ khi thực thi Luật Điện ảnh, cho phép tư nhân được tham gia kinh doanh, một số công ty giải trí đã nhanh chóng, mạnh dạn đầu tư xây những cụm rạp chiếu phim theo tiêu chuẩn quốc tế ở một số thành phố lớn như TPHCM, HN, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, điển hình là Galaxy-Thiên Ngân và Mega Star. Gần đây nhất Hãng Lotte Cinema của Hàn Quốc vừa khai trương 2 cụm rạp ở TPHCM, ngoài một cụm khác ở Đà Nẵng.

Nhưng tính theo số ghế của tổng các phòng chiếu riêng ở 2 thành phố HN là 4.923 ghế, TPHCM là 15.084 ghế, thì số lượt người vào rạp không bao nhiêu so với nhu cầu giải trí của 2 thành phố đông dân nhất, nhì nước. Vì thế có thể nói việc kinh doanh rạp chiếu phim ở VN sẽ là một tiềm năng thu lợi nhuận cao.

Lợi nhuận và rủi ro

Theo như khảo sát thị trường doanh thu bán vé của các rạp chiếu phim trong cả nước 6 tháng đầu năm 2009 so với 6 tháng đầu năm 2008 tăng gần 40%. Điều đó chứng tỏ lợi nhuận có phần tăng, dù số rạp không tăng. Đó cũng là động lực thúc đẩy các hãng kinh doanh giải trí cả Nhà nước và tư nhân lên kế hoạch đầu tư vào xây dựng, mở rộng các rạp chiếu phim trong toàn quốc.

Ví dụ như Galaxy đã liên kết với Hãng Warner Bros - Mỹ - để xây thêm những phòng chiếu phim hiện đại bậc nhất và cả những phòng chiếu phim xem các loại phim 3D, 4D có hiệu ứng đặc biệt, hay Mega Star đang lên kế hoạch đạt 100 phòng chiếu trong cả nước vào năm 2010.

Nhưng có một nghịch lý, không phải có lợi nhuận cao là có thể phát triển rạp ở bất kỳ đâu nếu không tính toán, xét kỹ về thị trường và đối tượng phục vụ. Gần đây nhất cụm rạp Sai Gon Paragon Plaza (Mega Star), khai trương Tết Kỷ Sửu 2009 ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng-TPHCM quyết định ngừng bán vé xem phim từ 19. 8. 2009 và đóng cửa (theo thông tin nội bộ là thua lỗ). Ngoài ra, do thói quen "tiết kiệm" của những nhà đầu tư, việc gặp rủi ro kinh doanh rạp chiếu phim cũng là tất yếu.

Ví dụ, nhà đầu tư có thể bỏ tiền ra xây mới những rạp lớn, nhưng lại thiết kế phòng chiếu nhỏ, số ghế ít. Phần khác, do các rạp đều được xây dựng từ việc tận dụng cải tạo hoặc liên kết, thuê lại từ các cao ốc, siêu thị, nhà thi đấu... phụ thuộc vào kết cấu kiến trúc của những địa điểm này nên tiện ích ở mặt nào đó bị hạn chế.

Bên cạnh đó, việc hiện đại hoá từ khâu bán vé như hệ thống bán vé của rạp vẫn chưa hỗ trợ đặt vé từ trước, chưa có những ưu đãi đặc biệt từng đối tượng, trong khi giá vé quá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân... cũng là một trong những lý do làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của rạp...

Vì thế cần một chiến lược trước mắt và lâu dài trong công nghệ giải trí nghệ thuật bậc cao này, để người dân được thoả mãn nhu cầu và nhà kinh doanh thu lợi nhuận.

Theo Việt Văn / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.