Khi bé lên chức

09/09/2009 09:28 GMT+7

(TNTT>) Đang là tâm điểm thu hút mọi sự quan tâm, chăm sóc của cả nhà, từ khi có em, bé bỗng chốc bị “ra rìa”. Bé có thể rơi vào trạng thái bị “sốc” nếu không được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý.

Ra rìa

Từ khi mẹ mang thai em bé trai, Su đã hay nghe mọi người trêu chọc là Su sắp bị “ra rìa” nhưng Su không hiểu “ra rìa” là gì hết. Mấy ngày nay, mẹ Su vào bệnh viện sinh em bé, ba cũng vào chăm mẹ và em bé mới sinh, để mặc Su ở nhà thui thủi ra vào với chị giúp việc. Rồi em bé về nhà, mẹ suốt ngày chăm bẵm em bé mà quên mất Su. Tối đến Su mang gối đứng tần ngần ở cửa phòng định vào ngủ với mẹ nhưng mẹ nói Su ngủ với bà nội, Su quay đi và tự dưng thấy ghét em bé vô cùng… Còn với bé Tuấn 6 tuổi, một năm nay từ khi có em, Tuấn trở nên lì lợm, khó bảo và hay ghen tị với em. Cha mẹ bảo gì Tuấn cũng không nghe, cứ lầm lũi làm theo ý mình và tách biệt với những người xung quanh.

Biểu hiện của bé Su và bé Tuấn cho thấy hai bé bị tổn thương về mặt tinh thần vì đang ở thế “độc tôn” nay phải chia sẻ tình cảm, quyền lợi và sự quan tâm của cha mẹ, ông bà với thành viên mới của gia đình.

Để bé là anh hai tốt

Việc chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi có em là hết sức cần thiết, không phải từ khi em bé được sinh ra mà cần được tiến hành sớm từ khi mẹ bé còn mang thai.

Trong thời kỳ này, cha mẹ nên nói chuyện cho bé biết, giải thích cho bé hiểu là gia đình sắp có thêm một thành viên mới. Hãy cho bé được chia sẻ cùng mẹ niềm vui có em bé như cho bé áp tai vào bụng mẹ lắng nghe nhịp thở, cái quẫy đạp của em hay cho bé đặt tên ở nhà cho em. Ở nhà, mẹ có thể cùng bé chơi trò búp bê giả làm em bé, rồi chỉ cho bé cách thay tã cho búp bê, cho búp bê uống sữa, lau mặt búp bê…thông qua đó hướng cho bé có ý thức chăm sóc, nâng niu, yêu thương em bé. Nếu bạn có ý định cho bé ngủ riêng thì bạn cần phải tập cho bé ngay từ lúc này. Ngoài ra, bạn có thể tập cho bé làm một số việc vừa sức để chăm sóc em đồng thời giúp đỡ bố mẹ như gấp tã cho em, nói chuyện với em, hát cho em nghe, đưa nôi cho em bé…Mẹ hãy cùng bé đi siêu thị chuẩn bị đồ đạc cho em bé mới, cho phép bé giúp bạn trang hoàng lại nhà cửa, chuẩn bị phòng ốc, giường chiếu, nôi để chào đón em bé mới...

Khi em bé được sinh ra, chắc chắn cả nhà sẽ rất bận bịu nhưng cha mẹ và người thân của bé hãy cố gắng tranh thủ thời gian để quan tâm, chăm sóc bé lớn thậm chí còn nhiều hơn xưa để tránh cho bé cảm thấy tủi thân hay bị bỏ rơi từ đó dẫn đến việc bé ghét hay ghen tị với em của mình vì cho rằng em bé là nguyên nhân khiến cho bé không được mọi người thương yêu như trước. Nếu bé cảm thấy bị quên lãng, bé có thể trở nên lầm lì, ít nói và thu mình vào thế giới riêng hay thú vui riêng của bé. Dần dà, giữa bé và cha mẹ có khoảng cách không thể thu hẹp được. Do vậy, cha mẹ cần thường xuyên chuyện trò với bé, yêu thương bé, chú tâm đến những thay đổi về mặt xúc cảm, thói quen của bé để giúp bé thích nghi với vai trò anh hai, chị hai của mình một cách tốt nhất. Thêm vào đó, cha mẹ cần khuyến khích, ngợi khen bé khi bé làm điều gì đó tốt cho em nhỏ để khiến bé cảm thấy hãnh diện và vui thích khi được ra dáng một người chị, người anh mẫu mực của em bé.

Mặc dù có thể bé đã được chuẩn bị tâm lý kỹ càng trước khi đón chào thành viên mới nhưng khi thực tế diễn ra bé vẫn chưa thể thích ứng được ngay và có thái độ hay thói quen khác hơn bình thường như bực bội, chán nản, cáu gắt, bướng bỉnh hay có biểu hiện xấu như đái dầm, lười ăn, ngủ không yên giấc, nhõng nhẽo, ăn vạ, khóc nhè… để chèo kéo sự chú ý, quan tâm của cha mẹ đối với bé thì cha mẹ nên kiên nhẫn và thông cảm cho bé, cho bé có khoảng thời gian nhất định để thích ứng với những thay đổi khi bé “nhậm chức” mới.

Thy An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.