YanTV tin vào VJ trẻ

09/09/2009 10:39 GMT+7

(TNTT>) Mới ra đời từ tháng 6-2009, kênh truyền hình chuyên về âm nhạc YanTV đã có bước đi mạo hiểm khi quyết định chọn những VJ còn rất trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề như VJ Nhân, VJ Quân, VJ Thiên Trang, VJ Hoài Nam…

Từ trái qua VJ Thiên Trang, VJ Bùi Việt Hà và VJ Quân

Những VJ thế hệ thứ nhất đại diện cho kênh âm nhạc YanTV hầu hết là các gương mặt mới toanh. Ngay cả những người lãnh đạo của kênh âm nhạc được giới thiệu là “đẳng cấp quốc tế” này cũng thừa nhận rằng việc sử dụng những VJ không tên tuổi thay vì tuyển những MC/ VJ đã thành danh là một mạo hiểm lớn. Nhưng YanTV chấp nhận mạo hiểm vì tin rằng họ có thể tự tay đào tạo những người trẻ này trở thành những VJ tên tuổi trong tương lai.

VJ tay ngang

VJ (video jockey- người dẫn chương trình âm nhạc trên truyền hình) là khái niệm còn khá mới trong làng giải trí Việt. Một VJ có thể hiểu nôm na là sự kết hợp giữa một biên tập viên và một người dẫn chương trình cho các chương trình ca nhạc trên truyền hình. Nghĩa là họ phải có cả những phẩm chất của một MC như ngoại hình đẹp, biết ăn nói…đồng thời phải có kiến thức về thể loại âm nhạc mình đang giới thiệu để có thể tự lên kịch bản cho chương trình. Một VJ thực thụ cần phải có phẩm chất tương đối toàn diện và luôn được trau dồi trong quá trình làm việc thực tế để định hình phong cách riêng. Trong khi đó, các VJ đang làm việc cho kênh truyền hình âm nhạc non trẻ YanTV đều là…tay ngang, chỉ có điểm mạnh duy nhất là niềm đam mê âm nhạc. 

“Tôi chỉ tình cờ đến với nghề VJ”. Đó là lời “thú nhận” của VJ Đỗ Trọng Nhân. Chàng trai 23 tuổi này hiện đang phụ trách chương trình Rock on Yan, chuyên phát nhạc rock. Trước khi tình cờ được một người bạn giới thiệu đến YanTV dự tuyển làm VJ, Nhân chưa bao giờ xuất hiện trên bất cứ một chương trình truyền hình nào. Anh cũng không có nhiều hiểu biết về nghề VJ trước khi vào làm nghề này. Nghề chính của Trọng Nhân trước khi làm VJ cho YanTV là…tạo mẫu hình xăm. Hành trang để Nhân được chọn làm VJ cho Rock on Yan là những kiến thức về rock mà anh đã tự tích lũy trong thời gian làm rocker nghiệp dư.

Tình cờ đến với nghề VJ cũng là trường hợp của VJ Quân (Minh Quân, nghệ danh Rapsoul), người đang phụ trách chương trình Hey Yo! chuyên về nhạc hip-hop. Chàng VJ có khuôn mặt “ngầu và lạnh” theo kiểu rất…hip-hop này trước đây đã tốt nghiệp khoa sư phạm và đã đi dạy học một thời gian trước khi rẽ sang con đường nghệ thuật để thỏa niềm đam mê nhạc rap.

Các VJ Thiên Trang (Yan Yêu), Hoài Nam (Yan Me) và Việt Hà (<<Rew) có lợi thế hơn trong nghề VJ khi trước đó đã có một ít kinh nghiệm về nghề MC. Thiên Trang đã dẫn vài chương trình cho VTV9, Hoài Nam sinh hoạt tại CLB MC Nhà văn hóa Thanh Niên và Việt Hà cũng đã có lúc làm MC. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên những gương mặt này “bén duyên” với nghề VJ.

Loay hoay tìm phong cách riêng

Kênh truyền hình non trẻ, VJ lại là tay ngang nên việc còn có những hạn chế chuyên môn là điều không thể tránh khỏi. Hạn chế chung dễ nhận thấy nhất là việc các VJ chưa thật sự xác định được phong cách riêng. Chỉ có VJ Nhân và VJ Quân tương đối  tạo được không khí riêng cho chương trình của mình. Một phần cũng nhờ dòng nhạc mà họ giới thiệu (rock và hip-hop) đã có sẵn “chất lửa” và cá tính. Còn các VJ khác vẫn đang loay hoay đi tìm phong cách. “Yan TV vẫn là “đàn em” so với các kênh truyền hình khác. Các bạn VJ vẫn được xem là “lính mới” trong nghề dẫn chương trình. Vì thế khó có thể nói rằng các VJ của Yan TV đã thật sự tạo được phong cách cá nhân” – những người quản lý của Yan TV thừa nhận.

Ngoài những hạn chế chung, các VJ còn có những hạn chế mang tính cá nhân. Ví dụ như VJ Nhân. Dù vẻ ngoài khá “hầm hố” nhưng Nhân lại thiếu tự tin mỗi khi xuất hiện trước ống kính. Bản thân anh cũng biết rằng điều này sẽ làm giảm khá nhiều chất lửa của chương trình Rock on Yan. Bên cạnh đó, chàng trai người Nam bộ gốc này còn mắc nhiều lỗi phát âm tiếng địa phương. Đó là điều mà nhiều khán giả khó tính không chấp nhận với một VJ “đẳng cấp quốc tế”. Trong khi đó, chính VJ Quân cũng đưa ra tiêu chí: “Để làm VJ thì yếu tố đầu tiên là phải phát âm đúng, rõ ràng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh”.

Niềm tin tương lai

Theo YanTV, không phải họ không nhận thấy những hạn chế về chuyên môn của các VJ đang làm việc cho mình. Nhưng Yan TV cho rằng chính những điểm yếu này đồng thời cũng là điểm mạnh của các VJ trẻ. Theo YanTV, tuy các VJ này không có nhiều kinh nghiệm như các MC/VJ đã thành danh, nhưng bù lại ở họ có nhiều nhiệt huyết và tình yêu nghề. Ngoài ra, những yếu tố trẻ và chưa có tên tuổi cũng đồng nghĩa với việc có nhiều khả năng học hỏi và nhiều khát vọng thành công hơn. Chính vì thế, YanTV đã không chọn con đường an toàn là tuyển các VJ có sẵn tên tuổi mà lao vào con đường mạo hiểm: tuyển chọn và tự tay đào tạo các VJ trẻ. Đây là cách làm mang tính chuyên nghiệp và là mô hình thường thấy trong các nền showbiz ở các nước phát triển. Song cái khó hiện nay của YanTV là ở Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức nào đứng ra đào tạo nghề VJ một cách bài bản. Chính vì thế, để có thể có một lứa VJ mang thương hiệu YanTV, kênh âm nhạc này vẫn còn nhiều việc cần phải làm trong tương lai.

Nguyên Chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.