Hỗ trợ nhà trường thực hiện "Đổi mới phương pháp dạy học"

09/09/2009 10:49 GMT+7

(TNO) Chúng tôi, những cha mẹ học sinh khi tìm trường cho con được nhiều người giới thiệu trường Tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM và tôi đã chọn vì trường đã đáp ứng những quan tâm hàng đầu của phụ huynh (PH) là:

Trường có môi trường học tập an toàn sạch sẽ, thoáng mát, giáo viên (GV) dạy tốt, yêu thương học sinh (HS), có bán trú, chi phí học tập, sinh hoạt vừa phải… Thực tế sau khi đứa con thứ nhất của tôi vào học, rồi đến đứa thứ hai, tôi còn nhận ra một điều là: ngoài những quan tâm trên, nhà trường còn luôn đổi mới không ngừng các hoạt động để dạy học tốt hơn, để học sinh vui tươi hơn. Đó là: Trường xây dựng môi trường thân thiện, HS được góp ý kiến, được trưng bày sản phẩm, tự thiết lập quy ước, đề nghị khen thưởng - kỷ luật, hứng thú nhất là những hoạt động vui chơi có sự tham gia của PH-HS-GV, tạo mối quan hệ thật thân thiết, gần gũi và tự nhiên…

Năm nay, một sự thay đổi nữa mà chúng tôi muốn đề cập đến là “Thay đổi cách sắp xếp bàn ghế HS” để HS được học và làm việc theo nhóm dưới sự hướng dẫn, tổ chức của thầy cô, thay vì cách ngồi của HS trước đây là tất cả HS đều hướng về bảng và bàn giáo viên (kiểu ngồi truyền thống).

Một cách làm mới tưởng chừng thuộc về chuyên môn của GV, nhà trường, vậy mà trong PH chúng tôi cũng có những vị tham gia những ý kiến khá chi tiết xoay quanh vấn đề sắp xếp bàn ghế của nhà trường như: sợ HS sẽ “mỏi cổ” khi nhìn bảng, nhìn cô, người thì lo HS sẽ nói chuyện… Chúng tôi đã trực tiếp trao đổi với nhà trường và đã được giải thích:

“Hiện nay đổi mới phương pháp dạy học là chuẩn để đánh giá xếp loại GV. Phương pháp dạy học tích cực là HS phải được học tập và làm việc theo nhóm,  dưới sự hướng dẫn và tổ chức của GV, các em sẽ tự trao đổi, tìm những kiến thức mới… Cách học này giúp HS năng động, tự tin và tham gia được nhiều nhất. GV sẽ chia HS thành nhiều nhóm tùy theo trình độ để giao việc phù hợp, giúp các em thân thiện, gần gũi nhau hơn. Thay vì ngồi như trước đây, GV và HS sẽ thụ động: GV ngồi một chỗ (ít di chuyển) chép bảng, đọc và HS sẽ nghe, chép theo một cách máy móc, chỉ một số ít HS được trả lời khi cô hỏi (đa số là HS giỏi). GV ít đến gần và giúp đỡ HS (nếu có chỉ là những HS ngồi bàn trên).

Sở dĩ trước đây, nhà trường chưa thực hiện thay đổi đồng loạt vì GV chưa được chuẩn bị tâm lý, kỹ năng giảng dạy phương pháp mới một cách đầy đủ và việc học nhóm chỉ từng bước áp dụng ở một vài môn học nên GV nào tích cực giảng dạy theo phương pháp mới thì phải tốn nhiều công sức, bất tiện trong chuyển đổi bàn ghế, có GV ngán ngại chỉ thay đổi khi được dự giờ…

Hiện nay, sau 5 năm triển khai, GV đã có những thay đổi đáng kể về nhận thức, được tập huấn để có kỹ năng tổ chức hoạt động HS theo phương pháp mới và có thể áp dụng trong các môn học. Cách học hiện nay là không chú trọng đọc, chép từ bảng nên HS không phải nhìn bảng nhiều mà chủ yếu là học nhóm nên nhà trường đã mạnh dạn thay đổi toàn bộ cách sắp xếp để HS có cơ hội tham gia nhiều hơn, GV thể hiện tốt kỹ năng sư phạm trong giảng dạy, có điều kiện đến gần các em giúp đỡ học tập… Đa số PH đều đồng tình với cách giải thích của nhà trường.

Dù vậy, vẫn còn có vị PH phản ứng khá gay gắt, cho rằng “ngồi học theo kiểu cũ cũng có hiệu quả thậm chí còn khẳng định ngồi theo kiểu mới sẽ vẹo cột sống”, có vị còn "chỉ đạo” nhà trường phải sắp xếp lại chỗ ngồi HS như kiểu cũ và dạy như cũ, mỗi tuần chỉ nên dạy phương pháp mới một lần thôi (?).

Thiết nghĩ, việc giảng dạy và chịu trách nhiệm về chất lượng học tập HS là của GV. Nhà trường đã giải thích khá rõ và cho biết với cách sắp xếp HS ngồi theo nhóm sẽ có phương pháp dạy phù hợp; các em có quyền được tạo cơ hội học tập năng động nhất, hứng thú nhất. GV có quyền lựa chọn phương pháp dạy học tốt nhất cho HS vì họ là những người được bồi dưỡng, học tập để làm nhiệm vụ dạy học.

Ai cũng biết rằng với thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, kiến thức tràn ngập, do vậy HS cần phải năng động, biết chủ động trong học tập mới. Đã qua rồi cái thời học trò ngồi ngay, ngồi đẹp để chỉ thụ động nghe giảng, chép bài, thuộc bài một cách máy móc.

Là PH, chúng ta quan tâm đến nhà trường là điều cần thiết, chúng ta có thể thắc mắc nếu chưa rõ nhưng khi đã được giải thích, cần tin tưởng và tôn trọng lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp (vì thực tế chúng ta không có điều kiện đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn này). Tôi nghĩ, việc PH cần làm trước mắt là tạo điều kiện về trang thiết bị - bàn ghế phù hợp, thuận tiện, những ý kiến tích cực sẽ là động lực giúp GV an tâm, thoải mái, chủ động thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy và đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất chính là con em chúng ta. Đó cũng chính là điều mong đợi của mỗi PH chúng ta ở nhà trường.

PHHS Cao Hoàng Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.