Xâm nhập “tập đoàn” trại gấu ở Hạ Long - Kỳ 1: Phận gấu sau cánh cổng bí ẩn

09/09/2009 10:57 GMT+7

Mang danh nghĩa điểm tham quan du lịch nhưng những trại gấu ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) đều kín cổng cao tường; khách đều lọt vào ánh mắt dò xét, cái lắc đầu thẳng thừng và lạnh tanh của các nhân viên bảo vệ. Thật sự người ta đang làm gì trong đó? Câu trả lời không dễ dàng nếu không phải là đoàn khách du lịch nước ngoài đăng ký trước.

8g sáng 28-8, một xe du lịch 46 chỗ màu ớt chín, biển số 30S-3... theo quốc lộ 18 hướng từ Bãi Cháy về thị xã Uông Bí, rẽ vào con đường nhựa dẫn vào “Hạ Long nông trang” - một trại nuôi gấu có tiếng tại khu Đồn Điền (P.Hà Khẩu, TP Hạ Long). Nhân viên bảo vệ lập tức đẩy cánh cổng sắt nặng nề đón tiếp và nhanh chóng khép lại khi xe đã vào.

Nhận diện khách tham quan

Theo sau xe chở khách du lịch, chúng tôi lững thững vác balô tiến vào. Đưa tay chỉ tấm bảng “nhà nghỉ” cạnh cổng hỏi thuê phòng, chúng tôi nhận ngay cái khoát tay vô cảm và ánh mắt chẳng lấy gì thân thiện của anh bảo vệ: “Đang sửa chữa, không có phòng”.

Thật ra với những cảnh báo của tình nguyện viên các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, chúng tôi không bất ngờ trước việc này. Trước đó, tháng 5-2009, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đã có chuyến viếng thăm bất ngờ tới trại gấu này nhờ chiếc xe du lịch mới cáu.

Nhân viên môi giới người Hàn Quốc tại một trại gấu ở Hạ Long - Ảnh: M.Hà

Anh bảo vệ tưởng như những vị khách du lịch mình thường đón đã mở toang cửa. Khi biết bị hớ thì không còn kịp nữa, ông Xuân và đoàn tùy tùng đã xuống xe, xưng danh tánh rồi đi vào thẳng bên trong trước khi một xe du lịch 35 chỗ khác biển số 29LD-3... của Công ty liên doanh quốc tế ABC chở đầy khách Hàn Quốc trờ tới.

Thì ra theo lịch, khoảng thời gian ấy có một xe 35 chỗ chở khách Hàn Quốc đến nhưng do xe chở ông Xuân cũng cùng kích cỡ và đến trước vài phút nên bảo vệ tưởng nhầm.

Không may mắn được như thế, chúng tôi đành chọn một địa điểm gần đó để quan sát, ghi nhật ký khách thăm Hạ Long nông trang. Qua ống kính, hơn một giờ sau chiếc xe du lịch màu ớt chín vẫn nằm im trong sân. Cổng sắt được mở lại khoảng 9g30 cho một chiếc xe du lịch bốn chỗ màu trắng hiệu Daewoo biển số 30F-6... lướt tọt vào.

Chiếc xe này không lạ với chúng tôi vì có lần đã thấy nó đưa đón một người đàn ông Hàn Quốc chuyên làm đầu mối đưa khách du lịch thăm các trại gấu ở Hạ Long.

9g45, một xe du lịch 46 chỗ khác màu hoa cà biển số 29LD-2... của Công ty liên doanh quốc tế ABC chở một số khách Hàn Quốc cũng lăn bánh tiến vào.

Cũng trong ngày 28-8, tại một trại gấu khác nằm cặp quốc lộ 18, bên chân cầu Đại Yên thuộc ấp Cầu Trắng, xã Đại Yên (TP Hạ Long), chúng tôi ghi nhận hai đoàn khách du lịch Hàn Quốc ghé qua, thời gian mỗi đoàn lưu lại nơi đây gần hai giờ.

Gian nhà gỗ ở trại gấu Hạ Long Bears, nơi du khách xem hút mật gấu - Ảnh: M.Hà

Trại gấu này thuộc Công ty TNHH du lịch Đất Việt và trước đây trương biển hiệu có hình năm con gấu mà người dân địa phương thường gọi là trại “năm con gấu” để phân biệt với trại “một con gấu” gần đó tên Hạ Long bears do có hình một con gấu trên biển hiệu. Sau đợt tham quan bất ngờ của ông Nguyễn Đình Xuân, các biển hiệu này được hạ xuống nhưng cần gì biển hiệu khi khách du lịch vẫn thăm viếng đều đặn mỗi ngày, có hôm mỗi trại đón 4-5 xe.

Sau chuyến thăm của ông Xuân, quy trình đón khách của các trại gấu ở Hạ Long được siết chặt hơn. Những cuộc thăm viếng phải do đích thân chủ trại đón tiếp hoặc được dẫn dắt bởi một số người môi giới Hàn Quốc. Nhân viên bảo vệ nét mặt lạnh tanh quan sát từ xa và chỉ khi thấy đúng chiếc xe như đã được thông báo trước mới mở cửa.

Xem hút mật gấu trực tiếp

“Thay hình đổi dạng” và qua những biện pháp nghiệp vụ khá căng thẳng, cuối cùng chúng tôi đã vào được một số trại gấu. Ở một trại gấu, khi chúng tôi đã vào bên trong, hướng dẫn viên du lịch người Việt của đoàn tạm nghỉ, chuyển vai trò hướng dẫn khách tham quan, thuyết minh cho người môi giới. Ngay các nhân viên, quản lý của trại cũng chỉ đi bên cạnh và quan sát khách.

Mọi giao tiếp giữa người môi giới và khách từ đầu đến cuối đều sử dụng tiếng Hàn hoặc tiếng Hoa. Những tấm biển giới thiệu đặc tính sinh học (tuổi thọ, trọng lượng, chiều cao...) của gấu dựng trong trại toàn bằng tiếng Hàn.

Chúng tôi được người môi giới hướng dẫn đi tham quan một lượt quanh trại gấu. Gọi là tham quan nhưng thực chất chỉ được ngắm các chú gấu ngựa to lớn bị nhốt trong những chiếc cũi sắt chật chội đặt san sát từng dãy.

Tại Hạ Long nông trang, Hạ Long bears, Đất Việt, Plus... với quy mô 50-70 con/trại, thời gian cho khách ngắm gấu chỉ mất 15-20 phút vì người môi giới hướng dẫn rất nhanh và chúng tôi cũng nhận ra hầu hết du khách hình như cũng không mấy kiên nhẫn chứng kiến những chú gấu thở hồng hộc hoặc gầm gừ man dại sau song sắt.

Khi hướng dẫn xem gấu, người môi giới tranh thủ giới thiệu về tác dụng chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe của mật gấu, cuối cùng đưa khách và chúng tôi đến công đoạn không thể bỏ qua: xem hút mật trực tiếp từ những chú gấu.

Sau khi bị một số du khách tỏ thái độ phản ứng vì chứng kiến cảnh các chú gấu giãy giụa, bất tỉnh do bị tiêm thuốc mê, một số trại gấu đã hạn chế gây mê trước mặt khách nếu đoàn không yêu cầu chứng kiến. Thay vào đó khi có khách đến, nhân viên của trại sẽ chuẩn bị sẵn một chú gấu. Khi chúng tôi đi tham quan các dãy cũi nhốt, chú gấu bắt đầu bị xử lý thuốc mê.

Thời điểm hút mật cũng là thời điểm cổng trại được khóa chặt nhất, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tại các trại gấu Đất Việt, Plus và Hạ Long bears, công đoạn hút mật gấu được thực hiện kín đáo trong một gian nhà gỗ. Trong gian nhà bố trí sẵn máy siêu âm (loại dùng cho người), máy hút chạy điện, dụng cụ sang chiết mật (ống tiêm, lọ thủy tinh, máy đóng gói giấy bạc...) và máy thanh toán thẻ Visa.

Chúng tôi được bố trí ngồi một phía gian nhà. Máy móc đặt trên những chiếc bàn ở phía đối diện và ở ngay cửa ra vào là nơi “thi hành án”: trình diễn màn hút mật. Trước mắt chúng tôi, một chú gấu tội nghiệp đã bị gây mê, đưa vào bằng xe đẩy trong tư thế ngửa bụng với tứ chi đã trói chặt, căng ra bốn góc dạng “tứ mã phanh thây”.

Gấu ngựa (tên khoa học Ursus thibetanus), còn được biết dưới tên gấu đen châu Á, là loài động vật rừng hoang dã có tên trong sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới và sách đỏ Việt Nam.

Một người đàn ông khoác bên ngoài chiếc áo blouse chậm rãi thực hiện từng động tác bôi gel, rê đầu dò máy siêu âm khắp bụng chú gấu và quan sát màn hình để xác định vị trí túi mật. Kim tiêm được xiên từ ngoài vào thẳng túi mật và nối với chiếc máy hút qua ống cao su.

Xem hút mật, tai chúng tôi còn nghe người môi giới ra rả thuyết minh bằng tiếng Hàn từng động tác của người đàn ông hút mật. Trong chốc lát, khi lượng mật lấy ra khoảng 120-150cc, việc hút mật kết thúc, chú gấu vẫn còn nằm bất động được đẩy về cũi giam như cũ.

Ngay sau đó các nhân viên của trại, hầu hết là nữ, với giám sát của quản lý trại, chiết mật ra những lọ thủy tinh dung tích 1cc, 5cc, 10cc hoặc đóng gói giấy bạc với dung tích tương ứng.

Mật đã chiết xong. Tất cả ai không có nhiệm vụ bị xua ra ngoài. Trong gian nhà gỗ lúc ấy chỉ còn khách, một nhân viên “tay hòm chìa khóa” của trại và người môi giới. Dù không thấy nhưng ai cũng hiểu những người còn lại đang hoàn tất công đoạn cuối cùng buổi “tham quan du lịch trại gấu”: mua bán mật gấu.

* Theo nghị định số 32/2006/NĐ-CP, gấu ngựa (cũng như gấu chó Ursus malayanus) là động vật hoang dã, quý hiếm thuộc nhóm 1B (nhóm 1A gồm các loài thực vật hoang dã, quý hiếm) nghiêm cấm khai thác vì mục đích thương mại.

Điều 6 nghị định này quy định: động vật rừng nhóm I chỉ được khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học (kể cả để tạo nguồn giống ban đầu phục vụ cho nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo), quan hệ hợp tác quốc tế. Việc khai thác thực vật rừng, động vật rừng nhóm I không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo tồn các loài đó trong tự nhiên và phải có phương án được bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt.

* Theo công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật nguy cấp (công ước Cites), tất cả mẫu vật liên quan đến động, thực vật hoang dã khi xuất khẩu phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đó. Riêng tại Việt Nam, theo quy định hiện hành, mẫu vật và sản phẩm của các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm nhóm I thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh thương mại.

N.Triều ( tổng hợp)

Theo Nguyễn Triều/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.