Xe tuk tuk là phương tiện giao thông phổ biến ở Campuchia gồm 1 xe máy kéo theo 1 rơ-móc có mái che đủ chỗ cho 6 người ngồi, để đi tham quan. Người lái xe tuk tuk cho chúng tôi có khuôn mặt rất hiền hậu, đáng tin cậy. Chúng tôi đã biết trước rằng giá cho 1 cuốc xe trong 1 ngày chở 5 thầy trò chúng tôi đi tham quan Angkor Thom và Angkor Wat là 15 USD. Tuy nhiên trong bữa ăn tối được chị chủ quán dễ gần và đáng mến giới thiệu nên đi Banteay Srei, nơi cách Siêm Riệp chừng 40 km nên chúng tôi quyết định trả cho người lái xe thêm 5 USD nữa. Anh vui vẻ nhận lời và hẹn sáng hôm sau vào lúc 6 giờ 30 sẽ xuất phát.
Anh đến đúng hẹn, hay nói đúng hơn là đến trước giờ, ngồi đợi chúng tôi trước cửa khách sạn. Đôi mắt sáng, khuôn mặt phúc hậu, nước da ngăm đen, mái tóc tràn đầy nắng gió, anh ngồi thoải mái trên phía trước xe và luôn lắng nghe những yêu cầu của chúng tôi. Với vốn tiếng Anh hạn chế, anh cố gắng diễn tả những gì mình muốn và luôn cố gắng đáp ứng những yêu cầu đôi khi rất đòi hỏi của chúng tôi. Anh kể về Siêm Riệp và những cảnh đẹp nơi đây, về cuộc sống của những người lái xe tuk tuk vừa vất vả nhọc nhằn, nhưng không thiếu những niềm vui.
Chiếc tuk tuk chạy miết về Banteay Srei. Hai bên đường cảnh vật luôn thay đổi với những cánh đồng trải rộng, những đàn bò trắng toát, hàng cây thốt nốt cao vút, trời xanh ngăn ngắt, không khí thoáng dịu êm đềm của vùng quê. Người lái xe hướng dẫn chúng tôi thăm các tháp nơi Banteay Srei. Anh vui vẻ chờ đợi, phục vụ hết mình và dường như hạnh phúc khi được làm việc, được phục vụ khách. Hơn thế, anh còn tự nguyện chở chúng tôi đi tham quan thêm khu tháp Pre Up trên đường quay về khu di tích Angkor. Việc rẽ vào thăm Pre Rup không nằm trong lịch trình vì thế có thể cảm nhận niềm hạnh phúc tràn ngập trên khuôn mặt anh, trong từng câu nói, trên mỗi động tác của anh.
Theo chương trình định sẵn chúng tôi đi tham quan Angkor Thom và Angkor Wat. Tuy nhiên còn một nơi nữa mà tôi muốn các đồng nghiệp của mình cũng được đến – Ta Prohm. Tôi nói chuyện với người lái xe tuk tuk và anh đồng ý ngay. Đi đến đâu chúng tôi cũng khen: Đất nước của bạn đẹp tuyệt, anh cười rất sảng khoái như thể là anh được khen đẹp trai vậy.
Buổi tối chúng tôi lại thuê anh chở đi chợ đêm. Đột nhiên một đồng nghiệp của chúng tôi đi lạc. Dù rất nỗ lực nhưng chúng tôi cũng không thể tìm thấy bạn đó. May mắn là có anh chàng lái xe tuk tuk giúp đỡ. Thật hú vía. Khi chia tay Siêm Riệp, chúng tôi quên mất không hỏi tên anh là gì, chỉ biết anh có một đứa con gái nhỏ, khoảng 3 tuổi.
Thăm Phnom Penh xong, chúng tôi lại thuê xe đi Udong, cố đô của Vương quốc Campuchia từ những năm 1618 đến 1866. Đây là nơi mà các quốc vương Campuchia bao gồm cả quốc vương hiện tại Norodom đã lên ngôi (khi đến nơi và đọc chúng tôi mới biết đây là trung tâm Phật giáo của đất nước chùa tháp này). Lại một lần nữa chúng tôi được gặp một người lái xe tuk tuk dễ thương.
Người lái xe tuk tuk này tên là Rohth. Vốn tiếng Anh của anh khá hơn nhiều người đồng nghiệp của mình ở Siêm Riệp. Hình như ở Campuchia ai cũng biết nói vài câu tiếng Anh, tiếng Pháp, thậm chí là cả tiếng Quan Thoại. Trên suốt quãng đường hơn 40 km anh luôn tìm cách giới thiệu về Phnom Penh và các vùng ngoại ô. Giọng kể chuyện của anh tan trong gió làm tôi nghe câu được câu chăng. Tuy nhiên có thể cảm nhận rất rõ sự nhiệt tình của người hướng dẫn viên du lịch tình nguyện này. Thỉnh thoảng anh lại “sorry” vì vốn tiếng Anh còn chưa tốt lắm của mình.
Cố đô Udong rất đẹp và thanh bình. Chúng tôi như tan mình vào không trung, như lẫn mình vào chùa, tháp, như lơ lửng trên đồi cao. Chúng tôi thấy mình gần gũi với phong cảnh huyền diệu nơi đây, hòa cùng niềm vui trên đôi môi của Rohth khi say sưa nói về Udong, về Phật giáo Campuchia, về những ngôi chùa, ngọn tháp xung quanh. Anh thậm chí còn bỏ tiền ra mua hương, đốt hương và chia cho chúng tôi để cùng thắp. Anh khấn lễ rất chân thành với lòng thành kính như là tuyệt đối.
Chiếc bánh mì cặp ruốc tôi mua cho anh, anh chỉ ăn phân nửa. Phần còn lại anh bẻ và ném cho cá trong hồ cá. Tôi biết anh vẫn đói bụng vì xuất phát lúc sáng sớm nên anh không kịp ăn sáng. Anh cũng dùng những đồng tiền hiếm hoi, quý giá của mình để cho những người ăn xin trên đường lên chùa. Sau này tôi mới biết số tiền anh mang theo người chỉ có mấy ngàn riel. Đồng nghiệp của tôi nói rằng anh còn nghèo hơn xe ôm Việt Nam vì những xe ôm mà bạn tôi biết trong túi luôn có sẵn vài chục, thậm chí vài trăm phòng khi bất trắc.
Rohth dẫn chúng tôi đi thăm từng nơi, giới thiệu các làng mạc quanh vùng. Và lại vẫn những nụ cười hiền hậu và chân thành giống như những nụ cười mà chúng tôi nhận được từ người lái xe tuk tuk tại Siêm Riệp.
Trong câu chuyện với chúng tôi anh đọc một bài thơ (con cóc) bằng vốn tiếng Việt ít ỏi: Anh nhớ em, em nhớ người ta, (vì) người ta có đô la bự bự (ha ha). Rohth vừa đọc vừa cười nhưng chúng tôi thấy được cả tâm sự của một chàng trai nghèo. Quả đúng như vậy, khi Rohth kể: anh mất mẹ từ khi còn nhỏ, còn bố đi lấy vợ khác. Hiện Rohth sống một mình và chẳng được học hành đến nơi đến chốn. Anh vừa nói: no mother, no money, no study vừa nhìn xa xăm.
Anh dặn rất kỹ chúng tôi chuyện đề phòng kẻ trộm khi chuẩn bị vào chợ Nga (tên một chợ ở thủ đô Phnom Penh ) và nói chúng tôi nên mặc cả khi mua hàng. Hình như chưa yên tâm khi xe dừng hẳn, anh đích thân đi cùng chúng tôi vì sợ bất trắc.
Về đến Việt Nam, việc đầu tiên chúng tôi muốn làm là tìm mua một cuốn từ điển hoặc một cuốn sách ngữ pháp Anh văn đơn giản để giúp anh chàng nâng cao vốn tiếng Anh của mình.
Hai người lái xe tuk tuk, hai hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có chung tấm lòng đôn hậu và thân thiện với chúng tôi. Rời đất nước chùa tháp, hình ảnh hai người đàn ông đó chắc vẫn còn đọng lại trong chúng tôi nhiều nghĩ suy. Con người trên quả địa cầu này dù có làm gì, ở đâu, sinh ra trong nền văn hóa nào, nếu họ vẫn mang trong mình sự thánh thiện và chất người thì đều đẹp, đều đáng trân trọng. Dù đã đi nhiều, chứng kiến nhiều những trắc ẩn trong cuộc đời, tôi vẫn không ngăn nổi lòng mình trước những tâm sự của chàng trai trẻ sớm mất mẹ và không được học hành. Hẳn nhiều người như anh đã không thể còn giữ được nét hồn hậu mà anh đã dành cho chúng tôi. Xin cảm ơn.
Bài & ảnh: Nguyễn Văn Hùng
Bình luận (0)