Lễ trao tặng máy tính xách tay cho 10 tân thủ khoa ĐH năm 2009 diễn ra khá ấm cúng. Những người tham dự đã không khỏi xúc động khi biết được hoàn cảnh của từng thủ khoa. Tất cả họ đều có một “mẫu số” chung: nghèo và học giỏi.
Lê Trọng Hậu - thủ khoa trường ĐH Thủy lợi Hà Nội lớn lên ở một làng quê nghèo nhưng có truyền thống hiếu học của vùng đất xứ Thanh. Bố Hậu là thương binh, sức khỏe ngày càng suy yếu do vết thương cũ liên tục hành hạ, anh trai cả bị bệnh từ nhỏ, nên Hậu và mẹ là hai lao động chính trong gia đình. Cả nhà sống nhờ vào 3 sào ruộng khoán. Mỗi khi mùa màng thất bát, mẹ Hậu lại phải một buổi ra đồng, một buổi đi làm thuê để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình. Sau mỗi buổi đi học, Hậu lại tranh thủ ra đồng phụ giúp mẹ nhổ mạ, cấy lúa, tát nước... Nhìn những giọt mồ hôi của mẹ, Hậu lại trỗi dậy ước mơ làm thế nào để có một công trình hiện đại để mẹ và bà con nông dân quê mình không phải thức khuya dậy sớm tát nước chống hạn cho lúa. Suy nghĩ ấy, ước mơ ấy đã thôi thúc Hậu quyết tâm thi vào Đại học Thủy lợi và danh hiệu thủ khoa với 28,5 điểm là thành tích lớn lao cho những nỗ lực miệt mài 12 năm đèn sách của Hậu.
Mồ côi mẹ từ khi học lớp 10, không hề biết đến các “lò” luyện thi, các lớp học thêm, thế mà Đào Ngọc Cường vẫn đạt danh hiệu thủ khoa trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội với 3 điểm 10 tròn trịa. Mỗi ngày, sau giờ học là Cường tranh thủ về nhà phụ giúp cha ở xưởng mộc. Đến nay Cường có thể sử dụng thành thục các dụng cụ như: cưa, bào, đục... Cuộc sống biết bao nhọc nhằn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, thế nhưng nghị lực và hoài bão lớn đã giúp Cường đạt được nhiều thành tích đáng khen ngợi: đoạt giải nhất, nhì trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh và thành phố năm lớp 9 và 10. Đoạt giải khuyến khích môn Vật lý năm lớp 11...
Cả làng mía nghèo khó thuộc xã Phúc Tân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận bỗng trở nên xôn xao, rộn rã hẳn lên khi nghe tin cậu bé chân chất Triệu Thạch Vũ suốt ngày chân lấm tay bùn với công việc đồng áng, gắn bó với ruộng mía, ruộng điều, ruộng bắp từ nhỏ nay đã giành ngôi vị đầu bảng của một trường đại học lớn: ĐH Bách khoa TP.HCM với số điểm 30. Cả gia đình sống bằng nghề trồng mía. Lớn lên từ những khó khăn và nhọc nhằn của bố mẹ nên trong Vũ luôn ý thức được việc mình phải cố gắng học tập thật giỏi đề bù đắp lại công lao đó, Vũ ít nói, ít bạn bè, chỉ chú tâm vào học hành. Và thành tích vẻ vang hôm nay cũng được nuôi dưỡng từ ý chí vươn lên đó.
Dù sinh ra tại TP.HCM nhưng gia đình Huỳnh Tiểu Bình lại thuộc vào diện nghèo của con hẻm nhỏ trên đường 3 Tháng 2. Nhà Bình rộng chưa đầy 9m2, mẹ Bình giúp việc cho một gia đình gần nhà. Ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm bà quày quả ra khỏi nhà đến tối mịt, sau khi xong hết việc ở nhà chủ bà mới được về, còn bố thì chạy xe ôm từ hàng chục năm nay. Ý thức được hoàn cảnh gia đình nên Vũ càng thấy thương ba mẹ nhiều hơn và quyết tâm học tập thật giỏi. Và món quà ý nghĩa nhất mà Bình tặng cho ba mẹ là danh hiệu đỗ thủ khoa vào trường ĐH Sài Gòn.
Tại buổi lễ, ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Digiworld chia sẻ:
“Digiworld không chỉ là chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất CNTT với người tiêu dùng, mà chúng tôi mong muốn được góp phần vào việc phát triển thế hệ trẻ Việt Nam bằng con đường tri thức. Digiworld sẽ nỗ lực để duy trì chương trình trao tặng máy tính cho thủ khoa thành một hoạt động thường niên của công ty”. Dịp này, Công ty Digiworld đã công bố sẽ thành lập Quỹ Digismart với mục đích hỗ trợ học bổng, tặng máy tính cho các sinh viên giai đoạn ban đầu. Đồng thời, Quỹ Digismart sẽ tạo cầu nối cho các bạn thủ khoa chia sẻ kinh nghiệm để mọi người có thể giúp nhau trong học tập.
Thiên Long
Bình luận (0)