Xông lá giải cảm

12/09/2009 20:58 GMT+7

Nồi xông giải cảm là một trong những phương thức trị bệnh bằng thuốc nam hết sức độc đáo của y học cổ truyền.

Đối với cảm nóng (cảm mạo phong nhiệt) thì dùng bạc hà, lá dâu, cúc tần, lá tre, hương nhu...; với cảm lạnh (cảm mạo phong hàn) thì dùng lá kinh giới, tía tô, lá gừng, lá sả... Nhưng thông thường đối với tất cả các loại cảm mạo mà bệnh nhân không có mồ hôi thì có thể dùng nồi xông giải cảm chung với công thức gồm các thứ lá như: lá chanh, lá bưởi, lá cúc tần, lá sả, lá tre, lá duối, lá hương nhu, lá tía tô, lá kinh giới, gừng tươi...

 

Nồi xông không nhất thiết phải có đủ loại lá

Theo y học cổ truyền, cơ chế của việc xông lá là để cho cơ thể vã mồ hôi, qua đó mà thải trừ tà khí (mầm bệnh) khi còn ở phần ngoài ra khỏi cơ thể, được gọi là phép hãn (giải biểu). Theo y học hiện đại, nồi xông giải cảm kết hợp tác dụng vật lý của hơi nước nóng và tác dụng dược lý của các chất bay hơi chứa trong thảo dược kéo theo hơi nước, hơi nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, tăng cường lượng máu, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, nhờ đó mà đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Tinh dầu và các chất bay hơi chứa trong các lá được kéo theo hơi nước, tác động trực tiếp vào niêm mạc đường hô hấp cho đến tận các phế nang có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, giảm đau, chống phù nề, thông mũi, giải trừ căng thẳng thần kinh, nhờ đó mà bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.

Tùy từng vùng và từng điều kiện khác nhau, không nhất thiết “cấu trúc” nồi xông phải có đủ tất cả các loại lá như trên. Với ba loại lá là lá tre, lá bưởi và lá kinh giới cũng có thể xông được. Tuy nhiên, liều lượng từng loại phải nhiều hơn (vài ba nắm), và nếu như có thêm một củ gừng tươi đập dập cho vào để nấu cùng xông thì càng tốt.

Ths Hoàng Khánh Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.