Thông thường, người khiếm thị hay nhờ người khác cung cấp những gợi ý hay chỉ dẫn để di chuyển trong môi trường của mình. Theo tiến sĩ Orgy Lahav, chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv (Israel), hạn chế của phương pháp này là nó không cho người khiếm thị công cụ để tự mình đi lại.
Phần mềm do chuyên gia Lahav thiết kế được nối với một cần điều khiển, là một thiết bị xúc giác 3D, vốn tương tác với người sử dụng thông qua cảm giác sờ. Công cụ nói trên, có tên gọi là BlindAid, mới đây đã được trình diễn tại một hội nghị quốc tế về người khiếm thị ở thành phố Newton (Mỹ).
Tại đây, một người phụ nữ hầu như mù lòa lần đầu tiên khám phá môi trường ảo của Trung tâm Người mù Carroll, cùng với khu sân bãi và 10 địa điểm khác, bao gồm một tòa nhà 4 tầng. Sau 3 buổi tập huấn, bà đã có thể di chuyển và khám phá các địa điểm khi bị bịt mắt hoàn toàn. Phần mềm trên còn có thể được lập trình để phát ra âm thanh, tiếng máy pha cà phê sữa ở một quán cà phê ảo, hay tiếng chuông điện thoại réo vang khi người sử dụng BlindAid đi ngang qua bàn tiếp tân.
Thông qua việc khám phá những thế giới 3D ảo dựa trên các bản đồ về môi trường trong thực tế, người khiếm thị có thể nhận ra đường phố, vỉa hè và hành lang bằng cần điều khiển khi di chuyển con trỏ như một chiếc gậy dò đường trên màn hình máy tính mà họ không có cơ hội nhìn thấy. Trước khi ra ngoài một mình, công cụ BlindAid cho họ cảm giác tự làm chủ lấy mình, sự tự tin cũng như khả năng khám phá những con đường mới, biến chỗ xa lạ thành chốn quen thuộc. Nó giúp cho người khiếm thị “vẽ” bản đồ ảo trong đầu mình.
“Công cụ này giúp người mù “sờ” và “nghe” các vật thể ảo và tăng cường khả năng cảm nhận của họ về không gian, khoảng cách và phối cảnh. Họ có thể “có cảm giác” với các giao lộ, tòa nhà, đường đi và các chướng ngại vật thông qua cần điều khiển, thậm chí có thể di chuyển trong một môi trường siêu thị hay viện bảo tàng ảo trước khi đi ra thực tế”, tiến sĩ Lahav nói.
Khang Huy (Theo IANS, Science Daily)
Bình luận (0)