Kinh hoàng công nghệ chế biến mỡ động vật

16/09/2009 00:17 GMT+7

Tại thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng, hoạt động chế biến mỡ động vật đã và đang diễn ra với công nghệ hết sức mất vệ sinh.

"Công nghệ"... ruồi bu

Đi trên con đường bê tông liên thôn, vừa qua cổng chào thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong đã ngửi thấy mùi hôi nồng nặc từ việc chế biến mỡ động vật. Tại cơ sở ở gia đình bà Kháng, anh Dũng, quản lý lò mỡ cho biết mỗi ngày anh đến lò mổ ở Đà Sơn (Q.Liên Chiểu) và lò giết mổ gia súc của ông Tr. (Q.Ngũ Hành Sơn) để lấy khoảng 100 kg mỡ bò với giá 3.500 đồng/kg về chế biến. Vào những lúc cao điểm, có khi anh Dũng phải lấy khoảng 150 kg để nấu cho kịp giao hàng. Tuy nhiên, anh Dũng chỉ biết đó là mỡ bò, còn mỡ có đảm bảo vệ sinh hay không, có bị dịch bệnh gì không thì anh... mù tịt. Với số mỡ đó, anh Dũng cùng một công nhân khác cho vào chảo lớn và rán, sau đó cho mỡ vào cối và ép lấy thành phẩm. Trung bình khoảng 10 kg nguyên liệu sẽ cho ra 6 kg mỡ thành phẩm, các đầu nậu thu mua với giá thỏa thuận theo từng thời điểm.

Điều đáng nói là quá trình chế biến mỡ động vật ở các cơ sở này mất vệ sinh trầm trọng. Mỗi cơ sở có một lò đun nấu, khói và mùi hôi hám từ đây bốc lên mỗi khi lò đỏ lửa. Khi chúng tôi đến lò mỡ của anh Nguyễn Phi Dũng gần đó, một công nhân vừa cho mỡ vào chảo rán, số còn lại nằm vương vãi trên tấm bạt trải dưới đất đầy ruồi nhặng bu bám. Một công nhân khác đang dùng chày nện vào cối để ép số mỡ đã rán lấy mỡ thành phẩm. Khi thấy vài miếng mỡ rơi vương vãi dưới mặt đất, người này cúi xuống vơ đầy hai tay rồi lại cho ngay vào cối ép.

Bí mật công dụng của mỡ bò

Tại 3 cơ sở chế biến mỡ động vật thôn Khương Mỹ, cơ sở nào cũng đã đóng gói sẵn 100 bao mỡ động vật xếp đầy trong sân, mỗi bao nặng khoảng 40 kg mỡ thành phẩm và chờ xe hàng đến để xuất đi các tỉnh thành khác. Khi được hỏi số mỡ thành phẩm này được các đầu nậu thu mua để làm gì, thì ai cũng nói là chỉ làm công ăn lương chứ không biết người ta dùng mỡ này làm việc gì. Hỏi ông Trần Văn Hóa, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, ông này cũng lắc đầu "không xác định được các cơ sở chế biến mỡ động vật này nhằm mục đích gì và xuất hàng đi đâu".

Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 11.9, Công an TP Hà Nội phát hiện 37 tấn mỡ động vật thành phẩm và chưa thành phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại kho chứa hàng Cổ Dương của bà Nguyễn Thị Xoa (SN 1973, trú xóm Thượng, xã Uy Nỗ, H.Đông Anh). Tài xế xe tải Trần Hiếu Khang (sinh 1964, trú Tiên Lãng, Tiên Phước, Quảng Nam) khai đã chở lô hàng 27 tấn trong số mỡ động vật nói trên từ huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng ra Hà Nội nhập vào kho bà Xoa.

Về nguồn gốc số hàng này, bà Nguyễn Thị Xoa khai nhận thu mua từ nhiều địa phương, chủ yếu là các loại sản phẩm thừa của động vật gồm trâu, bò, heo rồi chế biến thành mỡ nước, mỡ đặc, tóp mỡ... đưa đi tiêu thụ. Riêng lô hàng từ Đà Nẵng chuyển ra, bà Xoa cho biết mua để tiếp tục chuyển sang ô tô khác đưa lên các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng cũng không cho biết sử dụng số mỡ động vật này với mục đích gì.

Như vậy sau chân, đuôi bò, lục phủ ngũ tạng động vật, nay đến mỡ động vật đang được thu mua và tiêu thụ một cách tùy tiện. Cần biết thêm, tại nhiều tỉnh miền Trung đang xảy ra dịch lở mồm long móng, hàng loạt trâu, bò, lợn chết được vứt bỏ, chôn cất rất dễ biến thành… mỡ. Trong lúc đó các cơ quan chức năng lại chưa biết người ta dùng mỡ này để làm gì (?!).

Nguyễn Tú - Khôi Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.