Còn Lập thì suốt ngày đi uống rượu và nói trạng ngất ngư. Lập thông minh, hóm hỉnh, nói năng tếu táo, có khi bốc đồng, nhưng rất thật bụng. Hắn đặc biệt giỏi kể chuyện tiếu lâm. Sau Đại hội Nhà văn trẻ lần 3 (1987) ở Hà Nội, các nhà văn được tham quan Nhà máy thủy điện Hòa Bình đang xây dựng. Trên xe, Lập kể chuyện tếu làm mọi người cười nghiêng ngả.
Đại loại những chuyện như nhà văn Huế ngu ngơ lặn lội vô Sài Gòn mua thuốc bổ cho vợ uống để vợ “múp” rờ cho mát tay, lại mua phải thuốc tăng trọng lợn, nên cô cũng mập thù lù như thùng phi, chuyện xây nhà lầu cho văn nghệ sĩ không cần xây hố xí... Tay tài xế cười ngất ngư, đít cứ nhấp nhổm. Không nhịn được cười, nó kêu lên: “Đừng tếu nữa các bác ơi, đường đèo núi, em mà lạng tay lái là xe xuống vực đấy!”.
Lập hút thuốc đen bóng cả năm đầu ngón tay. Chưa vợ mà sáng nào cũng dậy lúc 5 giờ, đun nước, súc ấm, pha chè Thái thật đặc, rồi ngồi hút thuốc phả khói xanh um, mắt nhìn ra đường lim dim như một triết gia. Lúc ấy tôi cũng không mấy khi tỉnh rượu để xem xem tại sao văn chương Lập lại hấp dẫn và xúc động đến vậy. Cho đến khi cuốn tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng (1989) của Lập ra đời với bao lời khen, cùng với búa rìu dư luận, rằng nhà văn đang “phủ nhận, bôi đen, cười cợt đối với lịch sử”, thì tôi giật mình, mới chú tâm đọc lại văn Lập.
Và tôi nhận ra cái hay ấy, cái mà có nhà phê bình gọi là phủ nhận, cười cợt ấy chính là cái chất người thật - con - người - nhân - loại trong từng nhân vật mà Lập đã phát hiện ra. Chẳng hạn, trong kịch Mùa hạ cay đắng, có nhân vật là chủ tịch thị trấn, nhưng lại nhát, sợ máy bay Mỹ đến đái ra quần. Mỗi khi máy bay đến, hắn lại run rẩy chui xuống gầm giường rên: “Trời ơi, sao họ lại bắt mình làm chủ tịch làm gì…”.
Những cái thật, cách nhìn mới trái chiều ấy làm cho văn chương viết về chiến tranh của Lập đáng tin cậy hơn, và cuộc chiến đấu ấy có giá cao hơn. Và Lập vẫn trung thành với cái thật ấy trong suốt mấy chục năm cầm bút ở nhiều thể loại khác như sân khấu, phim. Nhờ vậy mà ở các vở kịch hay phim như Trên mảnh đất người đời, Đời cát, Thung lũng hoang vắng… của Lập đều làm cho người xem rơi nước mắt vì số phận bi thương, vì tấm lòng bao dung nhân hậu của các nhân vật. Phim, kịch của Lập ăn khách vì cái chất người rất thật ấy.
Lập trực tính, bộc tuệch, khi công tác tại Sở Văn hóa thông tin tỉnh, có người hỏi: “Làm ở đó thế nào?”. Lập ứng tác, hát nhại theo điệu các bài hát cổ động lúc bấy giờ: “Ngành văn hóa thông tin vinh quang. A… điều ấy đã rõ ràng. Nói năng thì cao sang. Công việc thì làng nhàng. A… em đã hiểu rồi... cái ngành trời ơi đất hỡi!”. Lập hát thế mà ở Sở ấy ai cũng cười tán thưởng.
Hoạt ngôn, bỗ bã là thế, nhưng Lập lại nhát gái. Tôi thấy thế. Có lần tôi chủ động tạo ra một cuộc vui rượu - thơ ở làng cổ La Chữ. Tôi làm ông mối rủ một cô gái đẹp long lanh, lại hát hay, mới 20 tuổi đi để cho Lập làm quen. Nhưng suốt buổi tối ngồi bên người đẹp, tôi thấy Lập mặt như ngỗng ỉa. Đêm đó đi về xe đạp của tôi bị hỏng xăm, Lập phải chở tôi giàng xe phía trước, chở người đẹp phía sau, rồi một tay vác xe đạp hỏng của tôi, tay kia lái xe đi 9 cây số từ La Chữ về Huế. Những năm 1986 - 1988, Lập sống trong một gian phòng bốn mét vuông vừa kê đủ cái giường ngủ ở 22 Lê Lợi, Huế.
Chủ, khách vào nhà nghĩa là phải lên giường. Gay go hơn là phòng bên có một cô gái trẻ xinh đẹp tên Thu, trắng trẻo, múp máp, răng khểnh. Hai phòng cách nhau bằng tấm cót nứa, có thể ghé mắt nhìn. May sao, giữa lúc đó, xuất hiện cô gái Ba Đồn Nguyễn Thị Hồng vừa đi lao động ở Liên Xô về. Hồng cũng trắng trẻo, có gương mặt lúm đồng tiền phúc hậu, lại cùng quê. Lập bị hớp hồn ngay. Lập nghèo trên răng dưới ca-tút, Hồng “đi Tây” có được ít hàng Liên Xô mang về, hai đứa mang ra chợ Đông Ba bán sạch mới đủ tiền để sắm sửa, tổ chức đám cưới. Bởi thế mà ba đứa con đều có tên tục là bi - líp - mayo, những thứ phụ tùng xe đạp. Vì có bi, líp, may-ơ mới có đám cưới, mới sinh ra chúng nó.
Hơn năm nay, một lần nữa Nguyễn Quang Lập lại danh nổi như cồn trên Quê choa blog. Với tài kể chuyện tếu, tài dựng truyện của tay nghề kịch phim lão luyện, đặc biệt là giọng văn khẩu ngữ gần gũi, Lập đã làm sôi văn chương mạng. Rồi in thành sách Ký ức vụn bán chạy như tôm tươi. Đã có nhiều người bàn luận. Riêng tôi cứ nghĩ sức hút cũng vẫn là cái thật ấy của Lập.
Cái thật ẩn đằng sau gương mặt “nhà văn công chức” ấy đều rất người, rất đời. Những “bạn văn” như Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Xuân Sách, Trần Vàng Sao… đều là những chuyện bên lề cuộc đời, có khi họ đã quên mất, nhưng Lập thì nhớ vì Lập quá yêu. Cũng vì yêu mà có “bạn văn” anh đã chạm đến những cái thật “khó nói”, “không tiện nói”, nên bị phản ứng quyết liệt. Ngay những cái đó cũng là vì tình yêu bạn bè mà viết. Sau khi Bạn văn 3 xuất hiện trên blog Quê choa, anh Vỹ bức xúc lắm.
Anh hỏi tôi: “Ông đọc cái đó, nghĩ răng? Thằng Lập là đứa em thân thiết, mình rất thương nó, răng nó lại viết về mình rứa hè?” Tôi an ủi: “Bác ơi, thằng ấy nó tếu táo cà rửng thế, nhưng nó yêu bác lắm mới nhớ những chuyện như thế”. Hôm vào Huế, Lập gọi tôi đến uống, tôi đã mời anh Vỹ cùng đến để hai người giảng hòa. Lập định thanh minh về cái Bạn văn 3 ấy, thì anh Vỹ xua tay. Thế là chạm cốc vui vẻ… Mới hay có những sự thật đằng sau mỗi con người cũng là vùng “cấm kỵ” cho đến khi xuống mồ. Con người quá quắt lắm, con người ơi!
Lập là đứa mau nước mắt. Có lần tôi, Lập, Nguyễn Quang Vinh, Mai Văn Hoan, Huy Tập, Lê Thị Mây… uống ở phòng của Vinh ở Huế. Mai Văn Hoan say và khóc: “Tao thương mạ tau lắm, tau thương nàng lắm…”. Hồi đó Hoan và Mây đang yêu nhau. Lập cũng khóc theo. Vừa khuân Hoan say như xác chết lên xích lô vừa khóc hu hu như trẻ con. Ra Tết Sửu rồi, Lập vào Huế thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường. Hôm đó Lập đã vào toilet khóc vì ngồi hàng giờ, lắng tai chăm chú mà không nghe được anh Tường đang nói với mình cái gì. Anh em lâu ngày về ngồi bên nhau, lại nói với nhau bằng tiếng Việt, giọng “bọ” cả, thế mà lại không nghe nhau được vì anh Tường bị tai biến nên nói ngọng, thật oan nghiệt, đau đớn. Không khóc răng được.
Sau vụ Lập bị ngã xe, tôi ra thăm khi Lập đã đi lại được. Lập đi lại tập tễnh cho tôi xem rồi bảo: “Anh Ngô Minh xem bây giờ đi kiểu em hề Xuân Hinh cũng không học được !”. Tôi ứa nước mắt, nhưng cố ghìm. Sau đó tôi mời mọi người về quán của Hồng (vợ Lập) ở tầng trệt khu Linh Đàm, cụng ly. Xong, cô bạn đi cùng tôi giành trả tiền. Lập đã mắng tôi rồi khóc. Tôi hiểu rằng, Lập buồn vì nghĩ rằng bạn bè đang “thương hại”… Những tính cách ấy đã làm nên một Nguyễn Quang Lập trong Ký ức vụn chân thành mà xa xót. Chắc chắn Lập sẽ được ghi danh là người đầu tiên khởi xướng dòng văn học khẩu văn, tạo ra một loại ngôn ngữ văn xuôi mới, thời hiện đại.
Khẩu văn, phương ngữ, nói tục cũng là một cái thật làm nên phong cách văn Lập trong Ký ức vụn. Thứ “văn chương vô trùng” (chữ của PGS.TS Trần Ngọc Vương) sạch sẽ làm mất đi sự thân mật, thù tạc dân dã, đời thường nơi chiếu rượu. Những chữ tục như ẻ vô, cứt đái… tạo ra ngôn ngữ nhân vật rất khu biệt, gây bất ngờ.
Cái hay là Lập biết sử dụng nói tục, phương ngữ ở mức độ nào để câu chuyện cuốn hút, mà không gây phản cảm. Bây giờ ngôn ngữ Nguyễn Quang Lập trong Ký ức vụn đã bắt đầu xâm nhập vào đời sống. Ra Đồng Hới cuối tháng 7 rồi, khi công bố danh sách Ban chấp hành Hội văn nghệ mới, có người thốt lên: “Ua chầu chầu, chấp hành bữa ni trẻ hè”. Ua chầu chầu là chữ của Lập. Những chữ như hay hè, hay hè, thất kinh, thế a, thế a… trong Ký ức vụn hay Blog Quê choa cũng đã được nhiều người sử dụng. Nghĩa là Lập đã tạo thêm chút vốn từ vựng cho cuộc sống dân gian thêm phong phú. Đó là lập ngôn đó, Lập nờ…
Huế, 8.2009
Ngô Minh
Bình luận (0)