Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội đồng Bảo an

16/09/2009 23:16 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Srgjan Kerim đã đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam trong thời gian làm thành viên không thường trực của HĐBA.

* Thưa tiến sĩ Srgjan Kerim, được biết là ông đã có những sự ủng hộ quan trọng cho việc Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ vào đầu năm 2008. Điều gì khiến ông quyết định ủng hộ Việt Nam?

- Việt Nam là một cái tên nằm trong tim nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi ở châu u. Cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của các bạn đã nhận được những sự ủng hộ và đồng cảm sâu sắc từ châu u, điều này cũng xuất phát một phần từ lịch sử chia cắt Đông - Tây của chính châu lục chúng tôi. Thời chiến tranh Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình phản chiến đã nổ ra tại Belgrade, Berlin, Stockholm... Khi chiến tranh đi qua, Việt Nam dần khắc phục được hậu quả và hội nhập vào cộng đồng quốc tế, dần tạo được một vị thế quan trọng. Đối đầu dần nhường chỗ cho hợp tác và phát triển. Việt Nam đã trở thành thành viên quan trọng và tích cực của khối ASEAN. Đối với Mỹ, Việt Nam cũng chứng tỏ sự cởi mở và hợp tác. Việt Nam là quốc gia có dân số đông, cần có sự hiện diện đậm nét hơn trên trường quốc tế. Từ trước, tôi đã tin rằng, một khi được bầu vào HĐBA, Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng. Xuất phát từ tình cảm và niềm tin đó mà tôi đã quyết định ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực HĐBA.

 

 
Ảnh: Đỗ Hùng

Việt Nam là một cái tên nằm trong tim nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi ở châu u

* Và ông đã thực hiện sự ủng hộ đó như thế nào?

- Về cơ bản, tôi có mối quan hệ tốt và rất có cảm tình với Việt Nam. Nhưng điều đó chưa đủ cho việc Việt Nam được bầu vào HĐBA, bởi cơ cấu của LHQ rất phức tạp. Để thực hiện điều này, phải có chiến lược cụ thể. Trước hết, đó là việc vận động sự ủng hộ của nhóm châu Á để Việt Nam trở thành ứng cử viên của nhóm này. Thứ hai, để Việt Nam được bầu vào HĐBA, cần phải có đủ 2/3 số phiếu ủng hộ của tất cả các thành viên Đại hội đồng. Vậy nên tôi phải vận động thành viên của các nhóm khác, như nhóm châu Phi, nhóm châu Mỹ La-tinh... Điều này là không dễ, do những khác biệt vẫn còn tồn tại giữa các nước và khu vực. Nhưng rồi mọi việc đã diễn ra đúng mong đợi, khi Việt Nam trở thành ứng viên duy nhất của khu vực châu Á và nhận được tới 176/192 phiếu bầu. Về cơ bản là như vậy, còn chi tiết của việc vận động thì tôi không thể tiết lộ.

* Sau khi trở thành thành viên không thường trực của HĐBA, theo ông, đến nay Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào?

- Tôi muốn nói rằng, cho tới nay, Việt Nam là một thành viên tích cực của HĐBA. Giai đoạn sau khi Việt Nam được bầu, và trong thời gian làm chủ tịch HĐBA, là một giai đoạn phức tạp, với nhiều diễn biến về chính trị, xã hội nhạy cảm trên thế giới. Thông qua lá phiếu và với các sáng kiến của mình, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, cho thấy mình là một thành viên có trách nhiệm. Niềm tin và sự ủng hộ của tôi đối với việc gia nhập HĐBA của Việt Nam theo đó được củng cố thêm. Việc thể hiện vai trò tích cực tại HĐBA cũng giúp Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế. Vào năm tới, khi giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam càng có cơ hội để đóng góp vào tiến trình hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới, qua đó vị thế của các bạn cũng càng được củng cố.

* Trên cương vị Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, ông đã có nhiều hoạt động hỗ trợ Việt Nam. Còn hiện nay, là một lãnh đạo của tập đoàn báo chí WAZ, ông đang tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới tại đây?

- Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận ra những tiềm năng và cơ hội tại Việt Nam. Đất nước này, với vị thế và sự năng động của mình, là một điểm đến quan trọng tại châu Á. Mới đây, chúng tôi đã hợp tác đào tạo 100 phát ngôn viên cấp cao cho Chính phủ Việt Nam. Những thông tin về đất nước các bạn cũng được chuyển tải tới đông đảo bạn đọc ở châu u, thông qua hệ thống 500 tờ báo và tạp chí tại 9 quốc gia của chúng tôi. Tôi nghĩ tiềm năng và triển vọng hợp tác là vô cùng to lớn, không chỉ giữa WAZ và Việt Nam mà còn giữa Việt Nam và châu u nói chung.

Tiến sĩ Srgjan Kerim sinh năm 1948 tại Skopje, Macedonia. Từ năm 1994 đến 2000, ông làm đại sứ tại Đức, Thụy Sĩ và Liechtenstein. Giai đoạn 2000-2001, ông là Ngoại trưởng và từ năm 2001-2003, là Đại sứ Macedonia tại LHQ. Từ ngày 18.9.2007 đến 16.9.2008, ông là Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, khóa 62. Mới đây, ông từng tuyên bố ra tranh cử tổng thống Macedonia trong cuộc bầu cử hồi tháng 3.2009 nhưng cuối cùng đã không tham gia. Hiện ông là Tổng giám đốc khu vực Nam - Đông u của Tập đoàn báo chí WAZ của Đức và Áo. Tập đoàn này có khoảng 18.000 nhân viên, với 500 ấn phẩm tại 9 nước châu u.

Đỗ Hùng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.