Trong cuộc thi, họ phải vừa ăn ngấu nghiến những chiếc bánh lớn vừa phải càu nhàu hết mức về áp lực công việc mà họ đang gánh vác. “Vì những căng thẳng mà tôi đang đối mặt, tôi phải dậy sớm hơn gà và ngủ trễ hơn chó. Công việc khiến tôi còn không bằng loài heo, loài chó” - một thí sinh tuổi 30 liên tục than thở như thế khi cố ăn hết chiếc bánh ngọt.
Nghe hát ru cũng là loại hình giảm căng thẳng mà giới trẻ Trung Quốc đang chọn nhiều, một số người nghe đến mức nghiện. Một số khác thì xuống đường “đại chiến” với nhau bằng gối. Người dân một số thành phố lớn ở Trung Quốc đã không còn lạ lẫm khi chứng kiến các cô gái, chàng trai ăn mặc rất bảnh bao choảng nhau trên phố bằng gối. Một số trí thức trẻ khác thì xả căng thẳng bằng những trò chơi làm nông trên Internet, họ len lén thức giấc lúc nửa đêm để “chôm chỉa hoa màu” từ các khu vườn hàng xóm và lấy đó làm niềm vui.
Một trào lưu xả căng thẳng mang màu sắc quái dị hơn cũng đang thịnh hành ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải là “rủ nhau đi bóp nát đồ siêu thị”... Ban ngày, họ là những công chức trẻ năng động luôn làm việc cật lực để đáp ứng yêu cầu gắt gao của giới chủ. Ban đêm họ tổ chức thành từng nhóm đi lảng vảng trong các siêu thị, và nhân lúc nhân viên siêu thị không để ý họ nhanh tay đập nát những túi bánh ngọt, bật nắp lon nước ngọt hay bóp nát những gói mì rồi để tất cả trở lại trên kệ. “Mỗi lần đi siêu thị, tôi phải vò nát vài gói mì ăn liền trên kệ mới hả dạ vì âm thanh của bao nhựa cọ xát vào nhau khiến tôi thấy thích thú và hài lòng”, một công chức trẻ thành viên mạng QQ kể lại.
Những cách giảm căng thẳng về tâm lý như trên của giới cổ cồn trắng Trung Quốc đã làm giới chuyên gia nước này lo ngại bởi một trong số các hành vi trên thuộc về ý thức và làm tổn hại đến tài sản của người khác.
Theo Mỹ Loan, NDNB, Sina, Tuổi Trẻ
Bình luận (0)