Khi Xuân Bắc chiêu sinh nhóc tì

18/09/2009 14:23 GMT+7

Ba năm làm giám khảo Đồ Rê Mí, tự tin về độ hồn nhiên và nhiệt tình, việc Xuân Bắc mở CLB năng khiếu có tên “XB” xem ra dễ hiểu. Tới đây, XB sẽ cho ra lò hai khóa học viên đầu tiên, gồm những bé trai, bé gái 8 - 10 tuổi.

Bảy giờ tối, chiếc Matiz của Bắc chạy vào sân Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Áo phông, quần soóc, anh nhảy lên sân khấu rạp Khăn Quàng Đỏ, giữa vòng vây của gần hai chục nhóc tì.

Trợn mắt, “toe” một tiếng còi miệng, ông giám khảo của Đồ Rê Mí nháy mắt trong tiếng reo hò của học viên: “Nghe! Bài học hôm nay là một trò chơi. Ai chơi tốt, sẽ có kem Tràng Tiền”.

Bên dưới, cũng soóc và may ô, Tự Long với túi kem trong tay, len qua những phụ huynh đang túm tụm.

Mỗi tuần, XB có bốn buổi học như vậy. Mỗi buổi hai tiếng đồng hồ.

Anh có vẻ khá kín tiếng về việc thành lập “XB”?

Trước mắt, XB chỉ là lớp hướng dẫn kỹ năng sân khấu, chúng tôi phối hợp với Cung thiếu nhi mở ra. Nếu gọi những gì đang diễn ra tại XB là đào tạo thì e to chuyện quá.

Tất nhiên, khi đã bắt tay thực hiện, tôi vẫn muốn hướng XB tới cái đích xa hơn, chứ không bó trong khuôn khổ một lớp học năng khiếu vào mùa hè.

Một mình không đủ sức

Có thể, một lớp năng khiếu dạng nâng cao sẽ được xây dựng tiếp. Các em được bồi dưỡng kỹ năng và diễn xuất trong các chương trình tại Cung thiếu nhi.

Ngoài ra, trong tương lai, thay vì phải tới các trường phổ thông để tìm người, tôi hi vọng những học viên đã tìm hiểu về kỹ năng sân khấu sẽ lọt mắt xanh một số đạo diễn.

Tất nhiên, để thực hiện những điều ấy, mình tôi không đủ sức.

Trước mắt, cái tên “XB” là lí do để nhiều cô bé, cậu bé kết anh tới đây, chứ chưa hẳn các em nghĩ xa hơn?

Thật ra, kỹ năng diễn xuất là điều luôn cần trong cuộc sống sau này cho các em nhỏ. Cho dù làm MC cần biểu cảm, thuyết phục người khác hay chỉ đơn giản là biết cách quan sát, tưởng tượng và tập trung. Trẻ em thường học những điều ấy một cách bản năng.

Nhiều lúc tôi tự hỏi: Cách đây vài chục năm, bằng tuổi những học viên tí hon bây giờ, tôi sẽ làm thế nào, tìm hiểu ở đâu nếu quan tâm tới những điều ấy một cách thật sự. Còn bây giờ, cuộc sống đang đi lên, là thời điểm để nghĩ tới một cách nghiêm túc.

Một Xuân Bắc trên sân khấu vui nhộn và một ông thầy đạo mạo, hai điều ấy liệu có dễ kết hợp?

Tái xuất trong đêm chung kết Đồ Rê Mí 2009

Tham gia giám khảo của các vòng thi Đồ Rê Mí 2009 cho tới giờ, vậy nhưng Xuân Bắc lại lỡ hẹn tại vòng ba của cuộc thi này (phát sóng từ 13/9 đến 4/10 trên VTV). Lý do, anh bận một số suất diễn đã đăng ký, trong khi kế hoạch ghi hình lại thay đổi vào giờ chót.

Bù lại, theo lời Bắc, chắn chắn anh có mặt trong đêm chung kết Đồ Rê Mí 2009 tối 14/10 (truyền hình trực tiếp).

Không có ông thầy nào tại XB cả. Đơn giản là anh Xuân Bắc chơi cùng các em. Các em cần được hiểu về kỹ năng sân khấu, còn tôi là người có điều ấy và muốn chia sẻ. Chia sẻ cả niềm đam mê sân khấu, lẫn sự sung sướng khi được vui đùa.

Còn, nếu muốn nói với các em về những thứ “nghiêm chỉnh”, tôi sẽ phải tìm chìa khóa. Chẳng hạn thế này: “Trên sân khấu, anh lẫn Tự Long đều muốn thành người giỏi nhất. Nhưng điều ấy không có nghĩa là anh phải đánh rơi cái ghế vào chân Tự Long trước khi biểu diễn. Muốn vượt lên, ngoài năng khiếu thì rất cần sự cố gắng và tập trung”.

Vậy, bài học rút ra từ việc chia sẻ của anh?

Bài học thì nhiều, nhưng có một điều cơ bản: Khi vui đùa với trẻ nhỏ, mình không được phép mệt. Vì trẻ em nhanh chán, cho dù hiếu động và thích tìm tòi.

Bốn buổi dạy /tuần có ảnh hưởng tới quỹ thời gian và chuyện làm kinh tế của anh?

Về kinh tế, tất nhiên là có. Nhưng khi đã hứng thú thì bạn không thể tính toán theo kiểu “năm trăm bé hơn một ngàn” được. Và quả thật, khi mở XB tôi gần như không còn mấy quỹ thời gian, ít ra là cho việc thư giãn. Nhưng, cùng học cùng chơi với những cô nhóc, cậu nhóc thế này thì cũng là một cách thư giãn giá trị rồi.

Theo Chiêu Minh / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.