Tìm hiểu chất lượng chương trình liên kết quốc tế

18/09/2009 22:51 GMT+7

Ông Nguyễn Trọng Do - Trưởng khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội (QGHN) đã có cuộc trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh các chương trình đào tạo liên kết quốc tế đang triển khai tại VN.

* Thưa ông, có thể tin tưởng vào lời quảng cáo “chất lượng quốc tế” của các chương trình liên kết quốc tế hiện nay?

- Các chương trình này tuyển sinh theo mô hình của trường nước ngoài nên đầu vào hoàn toàn mở. Vì thế có sự ngược lại với tiêu chí tuyển sinh của các trường ở VN. Tuy nhiên, đầu vào thấp không phải là một căn cứ để đánh giá chất lượng đào tạo. Việc đánh giá chất lượng phải căn cứ vào đầu ra.

Ở khoa Quốc tế của ĐH QGHN thì dù đầu vào như thế nào nhưng đầu ra vẫn phải đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của các trường nước ngoài. Như vậy việc đào tạo phải rất chất lượng mới có thể đạt được mục tiêu đó. Điều quan trọng để đảm bảo chất lượng chính là phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên và sự nỗ lực của người học. Trong quá trình đào tạo chúng tôi có một quy trình sàng lọc rất khắt khe. Không phải người học cứ vào học là có thể được ra trường.

* Ông có thể cho biết, sự sàng lọc đó như thế nào? Có phải do SV có năng lực đầu vào thấp nên đã không theo được?

- Mỗi khóa đào tạo của chúng tôi, số SV bị đào thải chiếm từ 30-50%. Sự sàng lọc tùy thuộc vào các quy định của các trường đối tác. Ví dụ, một số chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp, đào tạo 3 năm và SV không được học quá 7 năm. Với một số trường ở Malaysia thì không chấp nhận SV thi trượt. Nếu thi trượt SV phải đóng học phí và học lại từ đầu.

Số SV bị sàng lọc do có năng lực thấp không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10%. Bởi chương trình học được thiết kế cho người có học lực trung bình là có thể theo học, chỉ cần chịu khó và có sự quyết tâm. Đó cũng là lý do vì sao đầu vào của các chương trình này không yêu cầu cao. Các lý do bị đào thải là do trình độ ngoại ngữ của SV thấp, phương pháp học tập không phù hợp với các chương trình của nước ngoài và SV thiếu sự năng động, sáng tạo.

* Nhưng với việc tuyển sinh dễ dãi như hiện nay (không cần thi), SV sẽ phải tốn khá nhiều tiền để theo học rồi lại bị đào thải, thì có phải là sự lãng phí?

- Việc sàng lọc diễn ra chủ yếu là năm thứ nhất để cảnh báo SV ngay từ khi vào học để tránh việc các em phải “tiền mất tật mang”. Hơn nữa, quy trình đào tạo luôn tạo điều kiện tối đa cho các em được học lại, thi lại cho đạt với yêu cầu của các trường nước ngoài. Vì vậy, nếu các em có quyết tâm theo học thì mới thành công.

* Thực tế những năm vừa qua, có nhiều chương trình liên kết của nước ngoài đào tạo ở VN nhưng không đảm bảo chất lượng do các đối tác liên kết là những trường không có uy tín. Vậy TS phải làm sao để phân biệt được các chương trình này?

- Theo tôi, có nhiều cách để TS kiểm tra thông tin trước khi lựa chọn đăng ký học. Trong đó, một mẹo rất hay là chỉ cần hỏi nếu muốn học lên cao hơn hoặc chuyển đổi sang các trường khác thì có được không? Nếu các chương trình đào tạo đó đã được kiểm định ở nước ngoài thì chắc chắn là được vì bằng cấp của họ đã được quốc tế công nhận, nếu câu trả lời còn mập mờ, vòng vo thì TS cần xem xét lại vì có thể chương trình đào tạo đó chưa được nước ngoài công nhận.

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.