“Đây là chương trình ứng dụng từ công nghệ do các nhà khoa học Israel chuyển giao cách đây khoảng 4 năm. Phía Isarel cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật của VN về thao tác vi phẫu, công việc này đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế từ bàn tay con người”, thạc sĩ Thi Thanh Vinh, người phụ trách dự án “sản xuất thử nghiệm tôm càng xanh toàn đực” giới thiệu.
Gọi là “tôm cái giả” bởi vì bản chất nó là con tôm đực nhưng sau khi chuyển gien, tôm đực sẽ đẻ trứng và trứng của những con tôm cái giả này sẽ nở ra 100% tôm con toàn đực. Tuy nhiên, những con tôm toàn đực này không đẻ được mà chỉ nuôi thương phẩm thôi. Tại một số tỉnh ở ĐBSCL, sau khi thu hoạch vụ đông xuân người nông dân chuyển sang luân canh nuôi tôm càng xanh trên ruộng. Ngoài ra, do nghề nuôi tôm sú thời gian qua bị nhiều rủi ro nên diện tích nuôi tôm càng xanh ngày càng phát triển. Do vậy nhu cầu tôm giống rất lớn, nhất là tôm toàn đực.
Thị trường xuất khẩu hiện đang rất chuộng tôm đực, vì tôm đực có trọng lượng gấp 3-4 lần tôm cái nên giá trị xuất khẩu cao hơn. Ví dụ 1 kg tôm càng xanh toàn đực loại 1 chỉ khoảng 10 con, loại 2 thì dưới 20 con, trong khi 1 kg tôm cái phải từ 30 đến 40-50 con nên bị xếp vào loại “tôm xô” và được mua với giá thấp hơn. Hơn nữa, tôm toàn đực còn có lợi thế là thời gian nuôi ngắn hơn, tiêu tốn thức ăn ít hơn. Thạc sĩ Vinh cho biết, nếu nuôi tôm thường thì sau 3-4 tháng phải thu tỉa bớt vì mật độ nuôi rất dày nên tăng trưởng chậm. Còn tôm toàn đực thì không cần tỉa bớt gì cả mà chỉ cần đúng ngày tháng là thu hoạch.
Quy trình “chuyển đổi giới tính” cho tôm rất công phu. Bắt đầu từ con tôm mới nở phải nuôi từ 25-30 ngày thành con post trong môi trường nước lợ. Sau đó phải nuôi thêm 25 ngày nước ngọt trong điều kiện mật độ khác nhau, thức ăn khác nhau. Thời gian vi phẫu trong khoảng 10 ngày, nhưng hiệu quả cao nhất là vào thời điểm con tôm dưới 30 ngày tuổi. Nếu vi phẫu lúc con tôm còn quá nhỏ thì thao tác rất khó. “Lỡ cắt nhầm sợi dây nào đó thì con tôm không thành... đực mà cũng chẳng thành cái luôn”, thạc sĩ Vinh nói. Chưa hết, sau khi vi phẫu xong còn phải nuôi hồi sức tôm khoảng 24 giờ, sau đó nuôi tiếp từ 30-45 ngày. Khi kiểm tra chắc chắn đã thành con tôm cái giả rồi thì đánh dấu bằng phẩm màu. Toàn bộ giai đoạn này mất khoảng 100 ngày và khi “xuất xưởng”, con tôm cái giả có trọng lượng chừng 5g. Nhưng sau đó còn phải nuôi tiếp khoảng 100 ngày nữa thì tôm cái giả mới đẻ.
Nếu như lâu nay, sau khi bán ra con tôm được “chuyển giới tính”, các cán bộ của dự án còn phải tiếp tục theo dõi nhằm đề phòng bị lẫn lộn với con tôm cái thường, làm ảnh hưởng đến thương hiệu. Còn bây giờ, nhờ có công nghệ đánh dấu bằng phẩm màu, một hình thức giống như xăm, nên mỗi lô tôm xuất ra được đánh dấu bằng phẩm màu khác nhau, ở vị trí khác nhau và quản lý theo từng bộ. Vì vậy, cho dù con tôm cái giả có “lưu lạc” ở nơi đâu thì khi bắt được cũng biết nó thuộc bộ nào, sản xuất ngày nào, hoặc có bị trộn lẫn với con tôm bình thường thì cũng phát hiện ra được.
Sau 3 năm sản xuất thử nghiệm, dự án đã đưa ra thị trường khoảng 20.000 con tôm cái giả, thông qua hai trung tâm giống tại Đồng Tháp và An Giang. Từ con tôm cái giả, các trung tâm này cho sinh sản ra tôm post toàn đực và bán cho người nuôi với giá gấp 2,5 lần so với tôm post bình thường. Với trọng lượng từ 25-30g, mỗi con tôm cái giả có thể sinh sản tốt nhất là 3 lần, mỗi lần từ 12.000 -15.000 trứng nở. Nhưng từ giai đoạn trứng đến khi thành con tôm post bị hao hụt từ 50-70%.
Hoàng Phương
Bình luận (0)