Bạo lực gia đình vẫn nhức nhối

20/09/2009 00:10 GMT+7

Tuy chính thức có hiệu lực từ 1.7.2008, nhưng Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và nghị định liên quan chưa có chế tài cụ thể để xử lý nghiêm nên BLGĐ ngày càng trở nên nhức nhối…

“Văn hóa im lặng”

Một cuộc hội thảo về phòng chống BLGĐ vừa được Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm LHQ (UNODC) phối hợp tổ chức từ ngày 16-18.9, nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện thông tư hướng dẫn thực thi Luật Phòng chống BLGĐ. Rất nhiều vấn đề đã được đặt ra.

Đại tá Lê Việt Hùng, Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, năm 2008, TP Cần Thơ xảy ra trên 600 vụ BLGĐ, phổ biến là chửi bới, đánh đập, nhục mạ và cả án mạng... Cũng theo ông Hùng, đây chỉ là con số mà cơ quan công an và các đoàn thể xã hội can thiệp và hòa giải thành công. Hội LHPN TP Đà Nẵng đưa ra con số còn giật mình hơn thế: Theo kết quả điều tra xã hội học, trong 5 năm (2001 - 2005), TP Đà Nẵng có 1.980 vụ án ly hôn, 20% có nguyên nhân do BLGĐ. Nhưng trong 3 năm từ năm 2006 đến 2008, thành phố này có tới 4.026 vụ ly hôn, trong đó nguyên nhân dẫn đến BLGĐ chiếm áp đảo 70%. Thậm chí, nguyên nhân của 30% số vụ ly hôn còn lại như mâu thuẫn về kinh tế, tệ nạn xã hội, rượu chè, cờ bạc... cũng có thể dẫn đến những hành vi BLGĐ. Điều đó cho thấy, BLGĐ là nguyên nhân chính dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc của những “tế bào xã hội”.

“Số vụ BLGĐ bùng nổ như vậy là do công an, báo chí, các đoàn thể và những thông tin mang tính chất cộng đồng được phản ánh rộng rãi. Còn tâm lý của nạn nhân BLGĐ thì vẫn còn nhiều cam chịu” - bà Đỗ Thị Minh Châu - nhóm nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ của LHQ (UNFPA) chia sẻ.

Suy nghĩ phổ biến ở mọi vùng miền trên cả nước, BLGĐ được coi là vấn đề trong gia đình nên cần được giải quyết nội bộ mà không có sự can thiệp của người ngoài. Nhất là khi “văn hóa im lặng” xảy ra ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì tình hình càng nghiêm trọng. Người phụ nữ âm thầm chịu đựng một nỗi đau dai dẳng trong khi vai trò của các ngành đoàn thể tại đây hết sức mờ nhạt. Ông Nguyễn Kim Nghiêm, Phó giám đốc Sở Tư pháp Thái Nguyên khẳng định: “Đối với khu vực này, vai trò và trách nhiệm của cơ quan hành pháp và tư pháp phải được phát huy tối đa. Rất khó để phát hiện những vụ việc trong một điều kiện sống tương đối kép kín như thế”.
 
Phải coi là tội hình sự 

Theo Luật Phòng chống BLGĐ, việc lập hồ sơ đưa những người “thích nói chuyện bằng tay chân” đến cơ sở giáo dục cải tạo cần từ 6 đến 9 tháng. Nhiều đại biểu tỏ ra lo lắng, trong khoảng thời gian đó, nạn nhân bị bạo hành tiếp tục lãnh đủ; vì vậy, nên cần tìm cách rút ngắn thời gian của quy trình này. BLGĐ không nên chỉ ghép vào nguyên nhân xã hội mà cần coi là tội phạm áp dụng theo Bộ luật Hình sự. Ông Nguyễn Tuấn Anh, thuộc UNODC Việt Nam cho rằng: Chỉ xử phạt hành chính chẳng khác nào “tôi có tiền, tôi có quyền bạo hành”.

Đề xuất quy định bắt buộc đối tượng bạo hành phải đi lao động cưỡng bức được không chỉ các đại diện Sở Công an, Sở Tư pháp, Hội LHPN các tỉnh thống nhất mà các chuyên gia quốc tế cũng đồng tình.

Kinh nghiệm thế giới cho hay, trong các cách tố cáo hành vi BLGĐ, đường dây nóng của cảnh sát được sử dụng phổ biến nhất vì tính hữu hiệu và cảnh sát có thể can thiệp ngay lập tức. Dẫn chứng từ nước Anh, ông Bruce Campell, Trưởng đại diện UNFPA chia sẻ: “Băng ghi âm khi nạn nhân bị bạo hành gọi đến sở cảnh sát tố cáo hành vi bạo hành được sử dụng làm bằng chứng buộc tội tại tòa”. Nhưng thông tin quan trọng này lại chưa thể sử dụng làm bằng chứng trong luật pháp VN.

Lê Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.