Ông Rossiter chỉ mới 49 tuổi, từng là một nhà thám hiểm năng động, đã đệ đơn ra tòa đòi quyền được chết bằng cách nhịn đói và nhịn khát. Ông đã yêu cầu để cho nhà dưỡng lão chăm sóc ông là Brightwater Care Group được quyền hợp pháp ngưng đổ thức ăn, nước uống vào đường ống nối với bao tử của ông (Rossiter lúc đó đang được nuôi bằng đường ống).
Ở Úc, “cái chết êm ái” (giúp kết liễu cuộc sống của những người bệnh nặng và đau đớn không thể chịu đựng được) hoặc bất kỳ hình thức hỗ trợ tự tử nào đều là bất hợp pháp.
Trước đó, ông Rossiter từng ít nhất 40 lần yêu cầu Brightwater Care Group ngừng đổ thức ăn và nước uống cho ông nhưng không được đáp ứng. Ông đã gọi cuộc sống mà ông phải chịu đựng là “địa ngục sống”.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời ông từng phát biểu với báo chí: “Tôi là Christian Rossiter và tôi muốn được chết. Tôi là tù nhân trong chính cơ thể mình. Tôi không thể cử động. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ đau đớn”.
Cuối cùng, cách đây 5 tuần, một thẩm phán Úc đã ra phán quyết cho rằng, Rossiter có quyền hợp pháp chỉ thị cách chữa trị cho mình và Brightwater Care Group sẽ không phạm tội nếu làm theo yêu cầu của ông.
Sau khi Rossiter qua đời, luật sư của ông là John Hammond tuyên bố cái chết của ông là một sự giải thoát, rằng Rossiter có quyền được chết vì ông ao ước như thế.
Cuộc đấu tranh pháp lý của Rossiter đã gây rất nhiều tranh cãi về mặt đạo đức ở nước Úc.
Vào năm 1996, vùng lãnh thổ Northern Territory của Úc từng là nơi đầu tiên trên thế giới áp dụng điều luật cho phép “cái chết êm ái”. Đã có 4 người sử dụng điều luật này để chết cho đến năm 1997, khi Chính phủ Úc quyết định chấm dứt sự tồn tại của điều luật này.
Đoan Nhật
Bình luận (0)