Kiếp cầm ca

22/09/2009 00:23 GMT+7

LTS: Ở TP.HCM, ca nhạc trong các phòng trà đã trở thành nếp sinh hoạt và là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người yêu văn nghệ. Có những người gần 20 năm nay chỉ chuyên hát cho các phòng trà và họ mặc nhiên được khán giả gọi là “ca sĩ phòng trà”. Chúng tôi đã theo chân những người mang “kiếp cầm ca” để hiểu hơn về những nhọc nhằn cũng như sự vươn lên của họ...

Ca sĩ Đức Minh - chuyện cổ tích viết từ phòng trà

Với giới ưa thích không khí ca nhạc phòng trà ở TP.HCM thì tên tuổi của ca sĩ Đức Minh đã trở thành một “thương hiệu”. Đó là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu của một chàng trai mà số phận tưởng như không biết mỉm cười với anh...

Vượt lên số phận

Khi Đức Minh mới được 8 tháng tuổi thì một cơn sốt bại liệt ập đến và để lại di chứng, đeo đẳng theo anh đến suốt đời – chân trái của anh bị teo cơ khiến cho bước đi không được bình thường như bao người khác. Một chút may mắn cho tuổi thơ đầy mặc cảm của Đức Minh là anh còn có người anh trai rất mê chơi đàn guitar cổ điển. Được người anh khuyến khích chơi đàn để quên buồn, Đức Minh bắt đầu đến với âm nhạc bằng những buổi theo học lớp guitar cổ điển ở Trung tâm Văn hóa thiếu nhi TP.HCM (4 Tú Xương, Q.3). Cậu bé Minh khi ấy mê đàn đến nỗi lúc ngủ vẫn ôm cây đàn...

Đến tuổi thanh niên gặp lúc phong trào nhạc nhẹ đang nổi lên rầm rộ, Đức Minh cũng bị cuốn vào vòng xoáy này cùng bạn bè trang lứa, anh chuyển sang chơi nhạc nhẹ và tập tành hát những ca khúc ngoại quốc. Niềm đam mê cộng với năng khiếu bẩm sinh đã tạo cho anh nét ấn tượng đối với người đối diện khi anh chơi nhạc, rồi anh được giới thiệu vào đánh đàn ở đoàn xiếc Tuổi Trẻ, đoàn ca nhạc Hương Miền Nam trong 4 năm (từ 1982 - 1986).  Năm 1987, Đức Minh tách đoàn để đi đàn ở các vũ trường mà không hề nghĩ đây chính là bước đệm để mình trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Số là ở vũ trường, thỉnh thoảng Đức Minh lại có dịp “hát độn” để cho khách khiêu vũ. Những lúc ấy, Đức Minh chỉ nghĩ rằng “hát chơi chơi” thôi, nên cũng chẳng chú tâm lắm về kỹ thuật, được dịp hát là vui rồi!

Bước ngoặt của cuộc đời Đức Minh là vào một đêm của năm 1990 tại vũ trường Intershop (Q.1), không hiểu vì “trái gió, trở trời” gì đó mà 2 ca sĩ chính không đến được.  Vậy là Đức Minh trở thành “giải pháp chữa cháy”, mà hát thế 2 suất thì cũng phải đến gần chục bài. Thế nên sau khi hát hết những ca khúc “tủ” là nhạc ngoại, anh bèn liều “chơi luôn” dòng nhạc xưa với những Dư âm (Nguyễn Văn Tý), Nỗi lòng (Nguyễn Văn Khánh)... Không ngờ khán giả chịu cái giọng tenor trầm ấm của Đức Minh quá, “bis!” mãi không thôi. Bạn bè thấy Đức Minh hát được nên khuyến khích, ông bầu cũng hứa mỗi đêm sẽ trả thêm một khoản “bồi dưỡng” cho phần hát thêm của Đức Minh ngoài cát-sê nhạc công...

Phòng trà se duyên lành

Đức Minh thành thật kể rằng ngày mới được “phong” là ca sĩ, thích thì thích thật nhưng vẫn không được tự tin cho lắm vì trước đây khi “hát độn” anh vẫn ngồi một chỗ vừa đánh đàn vừa hát, còn bây giờ là “ca sĩ” phải bước ra sân khấu đứng hát, mà cái chân của anh thì... Nỗi mặc cảm ấy luôn dằn vặt, ám ảnh anh. May mà lúc đó từ chỗ ngồi bước ra sân khấu chỉ cách vài bước chân nên cũng đành liều “nhắm mắt đưa chân”, và phải đến hơn một năm sau, Đức Minh mới “trấn áp” được mặc cảm để có được phong độ khi đứng hát trên sân khấu...

"Nói chung, thu nhập của ca sĩ phòng trà tuy không dư dả nhưng cũng đủ sống. Riêng Đức Minh ngoài đi hát ban đêm thì ban ngày cũng tranh thủ làm thêm vài công việc như phối nhạc, thu âm cho mình và cho các ca sĩ khác, rồi đi hát thu âm cho các studio..." - Ca sĩ Đức Minh

Khởi đi từ đó và qua tập luyện, học hỏi kinh nghiệm (anh rất ái mộ các giọng ca vang bóng một thời: Sĩ Phú, Duy Trác, Jo Marcel...), dần dần Đức Minh đã trở thành ca sĩ chính của các phòng trà Đồng Dao, Đêm Màu Hồng, Đông Kinh, bar Thanh Niên... Tuy nhiên khi có một vài sân khấu lớn (ngoài trời) mời Đức Minh đến hát, thậm chí có đài truyền hình mời thu hình thì nỗi mặc cảm vẫn gợn lên khiến anh phải băn khoăn: là ca sĩ ai cũng mong có cơ hội để đến với đông đảo công chúng, nhưng có một thực tế là ngoài giọng hát thì ca sĩ cũng cần có ngoại hình.

Điều anh ngại nhất là ở những chỗ đông người, khán giả không chọn lọc, sẽ có những em nhỏ, thậm chí những khán giả không ý thức khi thấy ngoại hình của mình sẽ buông ra những lời không hay khiến anh bị “sượng” không thể hát được. Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng qua ý kiến nhận xét của nhiều người “đây là một giọng hát hay, lạ, rất thích hợp với không khí phòng trà”, Đức Minh đã chấp nhận làm một “ca sĩ thầm lặng”. Tuy nhiên, mất điều này lại được điều khác: số khán giả yêu mến giọng hát Đức Minh ngày càng tăng và hiện nay anh cũng đã có một lượng khán giả đáng kể cho riêng mình...

Và, cái “được” nhất mà chính Đức Minh cũng không bao giờ nghĩ tới là một người yêu-người vợ, một tổ ấm được bắt đầu bằng một chuyện tình “đẹp như cổ tích” mà nghiệp ca sĩ phòng trà của anh chính là “ông tơ, bà nguyệt”: Trong suốt 6 tháng liền của năm 2001, đêm nào Đức Minh cũng nhận được một bó hoa do một nữ khán giả đặc biệt gửi tặng.

Qua tìm hiểu, Đức Minh rất xúc động khi biết rằng chủ nhân của những bó hoa là một giáo viên mầm non còn rất trẻ và... đẹp đến bất ngờ. Sau này, khi đã yêu nhau,  Anh Thư  - tên cô gái, thổ lộ với Đức Minh rằng lần đầu tiên được chứng kiến một chàng trai khập khiễng bước lên sân khấu rồi được nghe giọng hát của anh, cô đã rất ngạc nhiên và khâm phục. Thế rồi vượt qua muôn vàn khó khăn từ gia đình, người thân - kể cả đấu tranh với chính mình, đám cưới của họ được tổ chức vào năm 2006 và kết tinh của chuyện tình đẹp như cổ tích này là chú nhóc Lương Minh Anh - vừa tròn 8 tháng tuổi, hết sức dễ thương.

Nói về nghề nghiệp và ước mơ của mình, Đức Minh cho biết: “Ước mơ ư? Tôi hiện rất mãn nguyện và hạnh phúc bên vợ con, chỉ mong dành dụm để có một “tổ ấm” riêng (chúng tôi vẫn còn phải ở nhà thuê) và thực hiện được một studio ngay trong nhà. Ngày nào còn khán giả yêu thích dòng nhạc trữ tình và giọng hát Đức Minh thì Đức Minh vẫn còn hát, cho dù đến cả lúc tàn hơi...”.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.