Từ khi chấm dứt bù giá (tháng 9.2008) đến nay, (doanh nghiệp (DN) vẫn không có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản quy định. Nhà nước không có biện pháp kiểm soát các DN kết cấu giá bán xăng để hình thành nguồn trả nợ ngân sách, tạo ra sự mấp mô về giá bán. Các văn bản mới tiếp tục ra đời song cũng không đi vào thực tế, cơ chế đăng ký giá kéo dài mang nặng tính xin cho (phê duyệt). Ông Bảo nhấn mạnh: “Kể cả ở một số nước có trình độ phát triển kinh tế không bằng ta như Lào, Campuchia, tính chất thị trường trong kinh doanh xăng dầu rõ nét hơn Việt Nam nhiều”.
Về những bất cập trong quản lý, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính khẳng định, với Nghị định mới đang được sửa đổi để thay thế cho Nghị định 55/2007/NĐ-CP, nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ. Theo đó, mọi DN thuộc các thành phần kinh tế đều được tham gia nhập khẩu, phân phối xăng dầu nếu có đủ điều kiện (tài chính, kho bãi...). DN sẽ được quyết định mức giá bán phù hợp, Nhà nước chỉ can thiệp khi có sự biến động mạnh về giá (khi giá vốn biến động trên 12% so với giá hiện hành).
Ông Vương Đình Dung, TGĐ Công ty xăng dầu Quân đội, thẳng thắn: Bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu giờ phân tán quá, ai cũng to, mỗi lãnh đạo, mỗi cơ quan một mục tiêu. Bộ Tài chính muốn có nguồn thu, muốn có quỹ bình ổn giá, muốn DN làm ăn có lãi. Bộ Công thương muốn phải ổn định, nguồn cung không được gián đoạn. Người tiêu dùng muốn giá thấp. DN kinh doanh không thể đáp ứng cả ba mục tiêu này. "Nhà nước cần chọn một mục tiêu chủ đạo để thực hiện", ông Dung nói.
Về dự thảo Nghị định mới, ông Dung nêu ý kiến: "Lần sửa đổi này, tôi e cũng khó mà phát huy tác dụng vì Nhà nước vẫn can thiệp sâu vào việc kinh doanh của DN". Ông Dung đề xuất: "Cái mà Nhà nước nên làm là xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành xăng dầu".
Káp Thành Long
Bình luận (0)