Gây ô nhiễm bị bỏ tù

24/09/2009 23:34 GMT+7

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ quan chức năng đề nghị xử lý hình sự nhưng khi đem luật ra “soi” thì... bó tay! Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) sắp có hiệu lực sẽ chấm dứt tình trạng này...

Những điển hình “đầu voi đuôi chuột”

Sau khi Công ty Vedan VN (Đồng Nai) bị Cục Cảnh sát môi trường (C36) Bộ Công an phát hiện lắp đặt hệ thống ngầm xả trộm nước thải chưa xử lý ra sông Thị Vải, ngày 17.9.2008 Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại cuộc họp báo: “Bước đầu có đủ cơ sở pháp lý để xử lý hình sự và Bộ chuyển hồ sơ cho công an điều tra, đề nghị truy tố theo quy định pháp luật”. Lãnh đạo C36 cũng khẳng định chắc nịch: “Đây là việc làm có tính chất hệ thống và đặc biệt nghiêm trọng, đủ dấu hiệu tội gây ô nhiễm nguồn nước (điều 183 BLHS). C36 sẽ chuyển hồ sơ cho CQĐT đề nghị khởi tố hình sự để điều tra”. Thế nhưng, đến ngày 7.10.2008, Thanh tra Bộ TN-MT chỉ ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Vedan 216,5 triệu đồng.

Ngày 10.10.2008, PC36 Công an TP.HCM bắt quả tang Công ty CP thuộc da Hào Dương xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng sông Đông Điền (H.Nhà Bè). Do đã nhiều lần bị xử phạt hành chính và kết quả xét nghiệm mẫu nước thải có hàm lượng Crôm VI (chất khả năng gây ra ung thư) vượt quá 30 lần cho phép nên PC36 chuyển hồ sơ cho CQĐT xem xét xử hình sự. UBND TP.HCM cũng có văn bản đề nghị Công an TP.HCM khẩn trương hoàn tất hồ sơ nhằm khởi tố vụ án. Đến ngày 15.4.2009, Công an TP.HCM ra văn bản trả lời: chưa đủ cơ sở để xử lý về tội gây ô nhiễm nguồn nước. Sau đó, Công ty Hào Dương chỉ bị UBND TP.HCM xử phạt hành chính với số tiền 58 triệu đồng.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM, một sửa đổi quan trọng là tổng hợp các tội danh gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất, thành tội gây ô nhiễm môi trường (điều 182 BLHS). Ngoài ra, còn bổ sung những tội mới mà BLHS năm 1999 chưa có như vi phạm quản lý về chất thải (điều 182a), về phòng ngừa sự cố môi trường (182b), tội nhập khẩu và phát tán các loại ngoại lai xâm nhập (191a). Chưa hết, mức phạt tiền trong BLHS sửa đổi cũng tăng nhiều lần, có hành vi bị phạt đến 1 tỉ đồng.

Mới đây, ngày 7.7.2009, PC36 Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang xe bồn mang biển số 57L-3431 của DNTN Tân Phát Tài (TP Biên Hòa) đổ trộm chất thải tại khu vực vườn tràm xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu). Kết quả phân tích mẫu nước thải là chất độc Cyanua, cộng với 2 lần công ty này bị xử phạt hành chính (ngày 30.10.2008 và ngày 3.7.2009) nên cơ quan chức năng cũng đề xuất xử lý hình sự. Thế nhưng, tại một cuộc họp sau đó với nhiều ban ngành tham dự, gồm cả Công an và Viện KSND tỉnh Đồng Nai, đi đến kết luận: không xử lý hình sự mà đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử phạt 30 triệu đồng, kiến nghị Bộ TN-MT rút giấy phép nếu kiểm tra không đủ năng lực...

Đã có “khung” để xử hình sự

Luật sư Trịnh Thanh, Đoàn luật sư Bà Rịa-Vũng Tàu, nhận định: “Muốn xử hình sự Vedan hay Hào Dương về tội gây ô nhiễm nguồn nước (điều 183 BLHS) thì điều kiện bắt buộc đầu tiên đơn vị vi phạm phải bị xử phạt hành chính về hành vi này trước. Trên thực tế, cả 2 đơn vị này nhiều lần bị xử hành chính. Nhưng việc xử phạt hành chính lâu nay chỉ áp dụng đối với pháp nhân; trong khi đó xử lý hình sự lại áp dụng đối với cá nhân (không xử lý phạt pháp nhân), nên khi xem xét xử hình sự các vụ việc trên thì không khả thi. Theo BLHS sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, thì đối với những loại hành vi nói trên, không cần xử phạt hành chính mà người nào có hành vi gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng là có thể vào tù. Tuy nhiên, muốn áp dụng vào thực tiễn, các cơ quan như Bộ TN-MT, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Công an... cần nhanh chóng hướng dẫn chi tiết hơn vì có những hành vi mà hậu quả phải mất vài năm sau mới xác định được như bệnh tật của người dân, thay đổi về sinh thái có nguyên nhân từ ô nhiễm môi trường...”.

Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai, giải thích thêm: “Theo quy định mới, chỉ cần người nào có hành vi xả trộm, đổ trộm... nước thải (chất thải) chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự. Kế đó, những người chỉ đạo (kể cả lãnh đạo doanh nghiệp) xả trộm, đổ trộm... cũng phạm tội. Chẳng hạn như vụ Tân Phát Tài đổ trộm thì người tài xế phải chịu trách nhiệm hình sự trước, sau đó xem xét đến trách nhiệm của chủ doanh nghiệp có chỉ đạo đổ trộm hay không?".

Tuy nhiên, ông Đức cũng băn khoăn: “Cái khó là xác định thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng hoặc làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chẳng hạn, vụ Vedan đã xảy ra hơn 1 năm, nhưng chúng ta vẫn loay hoay chưa tính toán được mức độ thiệt hại thì làm sao biết được hậu quả do doanh nghiệp này gây ra? Hay như vụ Tân Phát Tài, cơ quan chức năng giám định được việc đổ trộm chất Cyanua thì cũng cần chứng minh chất này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, môi trường...”.

Đại tá Phan Hữu Vinh, Phó cục trưởng C36: Cần nhanh chóng có hướng dẫn thi hành luật

Hậu quả về môi trường khó xác định được ngay mà tích lũy theo thời gian. Hiện tại chưa có quy định pháp luật nào hướng dẫn xác định tính chất, nội dung, mức độ tác hại vi phạm pháp luật về môi trường gây ra. Nói cách khác chưa có định tính, định lượng để xác định hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... nên các cơ quan tiến hành tố tụng thường không có căn cứ pháp lý để định tội, dẫn đến không xử lý hình sự được, điển hình là vụ Vedan. Quyết định sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS năm 1999, trong đó có các tội về môi trường là thể hiện quyết tâm cao của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện thì các bộ, ngành liên quan nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để việc điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm này dễ thực hiện.

Bảo Thiên (ghi)

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.