G-20 thúc đẩy hồi phục kinh tế

25/09/2009 00:35 GMT+7

Hôm qua, lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển hàng đầu bắt đầu họp bàn cách thúc đẩy sự hồi phục từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Đây là cuộc họp thứ ba của Nhóm G-20 kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu cách đây 1 năm. Khi các lãnh đạo G-20 gặp nhau vào tháng 4, các nền kinh tế Mỹ và nhiều nước khác vẫn đang trong tình trạng căng thẳng, và các lãnh đạo thế giới đã nhất trí các liệu pháp chung như tăng mạnh chi tiêu chính phủ nhằm mục đích kích thích kinh tế.

Nay, với việc khủng hoảng có vẻ như đã được ngăn chặn, các nhà lãnh đạo gặp nhau trong bầu không khí bình tĩnh hơn nhằm thảo luận cách thức tiếp tục khôi phục sinh lực cho các nền kinh tế mà không lặp lại những sai lầm trước đó.

Theo hãng tin Reuters, trọng tâm của cuộc họp cấp cao tại thành phố Pittsburgh là kế hoạch của Mỹ nhằm giải quyết một trong những vấn đề gai góc nhất mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt: làm thế nào để san bằng những mất cân đối nghiêm trọng giữa các cường quốc xuất khẩu như Trung Quốc và các quốc gia mắc nợ nhiều bao gồm cả Mỹ.

Khối lượng lớn vấn đề mà hội nghị kéo dài 2 ngày phải giải quyết, từ mô hình tăng trưởng toàn cầu không cân xứng đến vấn đề thay đổi khí hậu, cùng với các quy định tài chính và những khống chế về lương của lãnh đạo ngân hàng, đồng nghĩa với việc những hy vọng về bất kỳ hành động nào trong thời gian ngắn sắp tới là không nhiều. Ông Axel Weber, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu u, hôm qua cho biết ông hy vọng hội nghị đạt thỏa thuận về những thay đổi dài hạn đối với các cơ cấu tài chính toàn cầu, để chứng tỏ cuộc họp này hiệu quả hơn các cuộc họp trước.

Hôm 23.9, trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Đại hội đồng LHQ ở New York, Tổng thống Obama có nói các nước khác không thể “đứng nhìn và chờ đợi nước Mỹ một mình giải quyết các vấn đề của thế giới”, mà đây là lúc “tất cả chúng ta chia sẻ trách nhiệm của mình trong sự ứng phó toàn cầu đối với các thách thức của thế giới”, theo AP. Tại hội nghị Pittsburg, thông điệp này được thể hiện qua lời kêu gọi có những chính sách phối hợp nhằm giảm phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ bằng cách thúc đẩy tiêu dùng ở các nước xuất khẩu, trong khi những nước bị mắc nợ có thể dành dụm nhiều hơn.

Việc tái cân đối như trên đòi hỏi nỗ lực không nhỏ, do tiêu dùng cá nhân của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế, trong khi tỷ lệ tương ứng ở Anh và Mỹ là hơn 70%. Trái lại, các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm khoảng 40% thu nhập sau thuế vào năm ngoái, trong khi mức tiết kiệm của Mỹ chỉ khoảng 3%.

Những dấu hiệu ủng hộ ngày càng tăng cho các nguyên tắc của một nền kinh tế thế giới cân đối hơn và những hạn chế đối với việc chấp nhận rủi ro quá mức của các ngân hàng chưa thể biến thành những thỏa thuận về việc làm thế nào để đạt các mục tiêu đó.

Trung Quốc, với gói kích thích trị giá 585 tỉ USD tập trung vào việc thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng nội địa, đồng tình với ý tưởng về sự phát triển kinh tế toàn cầu cân đối hơn và hợp tác quốc tế nhiều hơn trong vấn đề chính sách. Nhưng Bắc Kinh không ủng hộ đề nghị của Mỹ giao Quỹ Tiền tệ quốc tế trách nhiệm giám sát thường xuyên và đề xuất chính sách cho các thành viên G-20. Đức, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới hồi năm ngoái, lại muốn hội nghị chú ý đến vấn đề quản lý thị trường tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề lương bổng của giới lãnh đạo ngân hàng.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.