Vì một thế giới không vũ khí hạt nhân: Liên Hiệp Quốc hối thúc giải trừ

25/09/2009 23:21 GMT+7

Sự ra đời của bom nguyên tử vào nửa đầu thế kỷ trước đã mang tới cho thế giới nhiều thảm họa. Chính vì lẽ đó, một thế giới không vũ khí hạt nhân là ước nguyện của toàn nhân loại.

Hội đồng Bảo an LHQ hôm 24.9 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi toàn thế giới đẩy mạnh các nỗ lực chống phổ biến và tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân. Văn kiện gồm 2.300 từ này không đề ra các hành động cụ thể mang tính bắt buộc mà chỉ hối thúc việc triển khai các nỗ lực theo những đề xuất vì một thế giới an toàn hơn. Sự ra đời của nghị quyết này một lần nữa cho thấy mối đe dọa to lớn từ vũ khí hạt nhân đối với sự an toàn của hành tinh và quyết tâm của nhân loại trong việc loại bỏ thứ vũ khí hủy diệt này. Hãng tin BBC dẫn lời Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng nghị quyết vừa được thông qua là “sự khởi đầu mới cho một tương lai mới”.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng Bảo an LHQ, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã nêu rõ: Thế kỷ 20 đã phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ráo riết về mọi mặt, gây ra căng thẳng trong đời sống quốc tế, tiêu phí những nguồn lực lẽ ra có thể dành cho phát triển và đặt thế giới trước mối hiểm họa hủy diệt chưa từng có.

Theo TTXVN, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh giải trừ quân bị hạt nhân và ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, tiến tới loại bỏ vũ khí hạt nhân là yêu cầu cấp thiết, là nguyện vọng chính đáng của nhân loại. Các nước có vũ khí hạt nhân, các liên minh quân sự và các nước có tiềm lực quân sự lớn có trách nhiệm hàng đầu trong vấn đề này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề nghị phải nhanh chóng nâng cao hiệu quả của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, trong đó có việc phát huy thẩm quyền của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama trên cương vị chủ tịch đã chỉ rõ: “Chỉ một quả bom hạt nhân nổ giữa một thành phố, dù đó là New York hay Moscow, là Tokyo hay Bắc Kinh, là London hay Paris, thì đều có thể giết chết hàng trăm ngàn người... Dù chúng ta đã vượt qua bi kịch hạt nhân của thời Chiến tranh lạnh, nhưng giờ đây chúng ta đối mặt với sự phổ biến những loại vũ khí hạt nhân với tầm bắn và sự tinh vi mới đòi hỏi phải có những chiến lược và cách tiếp cận mới”. Và ông Obama nhấn mạnh nghị quyết vừa đạt được là một sự kiện lịch sử, “thể hiện sự cam kết chung của tất cả chúng ta vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, theo AP.

Việc thông qua nghị quyết mới đã thể hiện quyết tâm của Hội đồng Bảo an và toàn thế giới về chống phổ biến vũ khí hạt nhân và cao hơn nữa là giải trừ loại vũ khí hủy diệt này. Nghị quyết mới đã nhận được sự ủng hộ cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tranh cãi khó bề giải tỏa. Theo AP, trong phát biểu tại Đại hội đồng LHQ hôm thứ năm, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân là nhiệm vụ cấp bách nhất của thế giới hiện nay. Phát biểu này gợi lại một câu chuyện tranh cãi kinh niên. Lâu nay, Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm sản xuất năng lượng chứ không phục vụ mục đích chế tạo vũ khí, nhưng Israel và phương Tây lại khăng khăng rằng Iran muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Như một thông điệp đáp lại ý kiến của ông Netanyahu, Đại sứ Libya tại LHQ, ông Abdurrahman Mohamed Shalgam, thay mặt nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi đã đề nghị LHQ xem xét trường hợp của Israel, nước từ chối ký vào Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân. AP dẫn lời ông Shalgam: “Tất cả các nước ở Trung Đông đều muốn nói: Chúng tôi có quyền phát triển vũ khí hạt nhân. Tại sao chỉ Israel có quyền đó?”.

Tại sao nước này có quyền phát triển vũ khí hạt nhân trong khi nước khác lại không có quyền đó? Đặt câu hỏi này ra không phải để khuyến khích các nước không có vũ khí hạt nhân lao vào cuộc đua vũ trang chết chóc, mà để các nước đang sở hữu hoặc đang muốn sở hữu nhìn nhận lại vấn đề, từ đó có những hành động quyết liệt hơn trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân.

Quyết tâm của ông Obama

Cùng với Nga, Mỹ là một trong hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay. Vì thế, các nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân thành công hay thất bại đều phụ thuộc lớn vào động thái của Mỹ.

Trong nhiều năm qua, Mỹ và Nga đã có hiệp ước về cắt giảm vũ khí chiến lược, nhưng việc thực thi cho đến nay chưa đáp ứng được mong đợi của thế giới. Ngay sau khi lên làm tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, tiến tới một thế giới không vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Trong chuyến thăm Czech hồi đầu tháng 4.2009, ông Obama bày tỏ quyết tâm: “Là cường quốc hạt nhân duy nhất từng sử dụng loại vũ khí này, Mỹ có trách nhiệm hành động. Một mình chúng tôi không thể thành công, nhưng chúng tôi có thể lĩnh ấn tiên phong. Vì thế, hôm nay tôi muốn phát biểu rõ ràng với toàn bộ nguyện vọng và sự cam kết của Mỹ rằng chúng ta có thể đạt được hòa bình và an ninh trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân”. Trước đám đông khoảng 20.000 người ở Prague, ông Obama nhấn mạnh: “Mỹ sẽ thực hiện những bước vững chắc để hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Một số người cho rằng sự lan tràn của loại vũ khí này là không thể ngăn chặn được - thuyết định mệnh đó là kẻ hủy diệt đối với nỗ lực giải trừ hạt nhân”.

Thông điệp của ông Obama đã được đón nhận ở nhiều nơi. “Nhật Bản, nước duy nhất từng bị tấn công hạt nhân, đã nhiều lần yêu cầu các quốc gia hạt nhân giải trừ vũ khí. Chúng tôi hy vọng lời kêu gọi của ông Obama sẽ giúp thúc đẩy các nỗ lực vì một thế giới phi hạt nhân”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản (lúc đó) Takeo Kawamura phát biểu.

Quyết tâm của ông Obama cũng đã được thể hiện bằng các cuộc đàm phán với Nga về việc thông qua hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới.

C.M.L

Kho vũ khí hạt nhân của thế giới

Sự kiện Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945 đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu. Kết quả là tiếp theo sau Mỹ, Liên Xô và Anh, Pháp đã gia nhập nhóm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân vào năm 1960. Năm 1964, Trung Quốc thực hiện vụ thử có sức công phá 22 kiloton (tương đương 22.000 tấn TNT) ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Đúng 10 năm sau đó, Ấn Độ đã thực hiện vụ nổ hạt nhân thử nghiệm đầu tiên của mình. Năm 1998, Pakistan “trả lời” Ấn Độ bằng một vụ thử khiến thế giới lo ngại.

Mỹ ném quả bom nguyên tử biệt danh “Gã mập” xuống Nagasaki vào năm 1945 - Ảnh: Archive.gov

Israel cũng được cho là đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân dù chính phủ nước này chưa bao giờ công bố chính thức. Theo BBC ngày 26.5.2008, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nói rằng nhà nước Do Thái có ít nhất 150 đầu đạn hạt nhân. Các tài liệu phổ biến của Mỹ và phương Tây ước lượng Israel có từ 75 đến 200 đầu đạn. CHDCND Triều Tiên cũng đã thực hiện một vụ nổ hạt nhân thử nghiệm vào năm 2006, ba năm sau khi nước này rút khỏi NPT. Hồi tháng 5.2009, Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ nổ hạt nhân nữa.

Theo các tài liệu quốc tế, hiện thế giới có khoảng 23.300 đầu đạn hạt nhân, giảm từ con số 65.000 đầu đạn của năm 1985. Trong đó, Nga có khoảng 13.000 đầu đạn; Mỹ có chừng 9.400; Pháp khoảng 300; Trung Quốc khoảng 230; Anh có 185; Ấn Độ, Pakistan, Israel mỗi nước khoảng 80 và CHDCND Triều Tiên khoảng 10 đầu đạn.

Vũ khí hạt nhân đã gây ra nhiều thảm họa cho nhân loại. Ngoài con số khoảng 220.000 người chết trong hai vụ ném bom xuống Nhật Bản vào năm 1945, hàng ngàn người khác đã bị ảnh hưởng trong các vụ thử của các quốc gia hạt nhân.

C.M.L

Một số loại vũ khí khủng khiếp

Ảnh: RU-WK

- Tên lửa LGM-30 Minuteman của Mỹ có tầm bắn khoảng 13.000 km, có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân loại W62, W78, W87 với sức nổ của mỗi đầu đạn từ 170 kiloton tới 500 kiloton.

- RT-2PM Topol của Nga (ảnh), có tầm bắn khoảng 10.500 km, có thể mang đầu đạn khoảng 550 kiloton.

- Tên lửa Trident D5 phóng từ tàu ngầm do Mỹ sản xuất, được hải quân Anh và Mỹ sử dụng, có tầm bắn 11.000 km. Mỗi tên lửa có thể mang 8 đầu đạn hạt nhân.

- Tên lửa M45 của Pháp, phóng từ tàu ngầm, có tầm bắn chừng 6.000 km, có thể mang 6 đầu đạn hạt nhân.

- DF-31A (Đông Phong 31A) của Trung Quốc, tầm bắn khoảng 10.000 km, mang tới 3 đầu đạn hạt nhân.

- Tên lửa Agni-III của Ấn Độ có tầm bắn khoảng 5.500 km, mang đầu đạn hạt nhân khoảng 250 kiloton.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.