Vụ bê bối Clearstream có thể được xem như một vở kịch chính trị ăn khách với các vai chính diện và phản diện là những chính trị gia, chủ thầu quốc phòng, thương gia, thẩm phán, nhân viên kiểm toán tài chính, chuyên gia toán học và nhà báo. Căn nguyên gây ra vụ này là chiếc CD lưu trữ tên tuổi của một số chính khách hàng đầu, được cho là đã nhận tiền lại quả từ thương vụ Pháp bán 6 tàu chiến cho Đài Loan hồi năm 1991. Điều đáng nói là danh sách trong CD bị giả mạo nhằm bôi nhọ tên tuổi của một số chính trị gia sáng giá, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy. Cựu Thủ tướng Dominique de Villepin được cho là người đứng sau âm mưu này. Phiên tòa xét xử vụ Clearstream, được mở ra hôm 21.9, thực ra là cuộc đối đầu giữa chủ nhân Điện Élysée Sarkozy và cựu Thủ tướng Villepin.
Villepin - kẻ chủ mưu?
Ông Villepin nguyên là Thủ tướng trong những năm 2005 - 2007 và trước đó, khoảng thời gian từ 2004 - 2005, ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Vở kịch Clearstream xảy ra trong giai đoạn ông nắm Bộ Nội vụ. Cụ thể vào năm 2004, ông Villepin đã yêu cầu tướng tình báo Philippe Rondot điều tra danh sách các chính trị gia bị cáo buộc là có tài khoản mật tại tổ chức tài chính Clearstream ở Luxembourg. Những tài khoản này được cho là liên quan tới các khoản lại quả từ thương vụ bán tàu kể trên. Trong danh sách này có tên ông Sarkozy, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính và là một gương mặt sáng giá cho chiếc ghế tổng thống khi ông Jacques Chirac hết nhiệm kỳ. Ông Villepin khi ấy cũng đang nhắm tới chiếc ghế này. Tổng thống Chirac muốn ông Villepin kế nhiệm mình, trong khi ông Sarkozy được đảng Liên minh Vì phong trào nhân dân (UMP) cầm quyền ủng hộ. Trong vụ Clearstream, ông Villepin bị buộc tội dùng danh sách trên trong một âm mưu bôi nhọ ông Sarkozy nhằm phá hỏng cơ hội của đối thủ chính trong cuộc đua vào Điện Élysée. Tuy nhiên, ông Villepin đã phủ nhận mọi dính líu.
Theo kênh truyền hình France24, ở vai trò bị cáo trong vụ Clearstream còn có nhân viên kế toán Florian Bourges. Cựu thực tập viên tại Công ty kế toán Arthur Andersen này (có trụ sở chính tại Mỹ) bị buộc tội ăn cắp danh sách tài khoản từ Clearstream và chuyển nó cho nhà báo điều tra Denis Robert. Chính Robert là người đầu tiên công bố câu chuyện Clearstream. Thông qua Bourges, Robert đã có được danh sách gốc về những người bị nghi có tài khoản mật ở Clearstream. Chính Robert đã trao danh sách kiểm toán gốc cho Imad Lahoud, cựu quan chức tập đoàn công nghiệp không gian Pháp - Đức EADS, để người này làm giả danh sách bao gồm cả tên ông Sarkozy trong đó. Trong bản tuyên thệ hồi đầu năm nay, Lahoud thừa nhận đã làm giả danh sách theo lệnh của lãnh đạo EADS là Jean-Louis Gergorin. Gergorin là đồng minh thân cận của ông Villepin. Chính Gergorin cũng thừa nhận mình đã “để lộ” danh sách giả của vụ Clearstream cho các nhà điều tra vào năm 2004.
Cũng trong vụ Clearstream này, hai quan chức lớn trong ngành tình báo và tư pháp của Pháp đã trở thành nhân chứng bất đắc dĩ. Đó là tướng Philippe Rondot và thẩm phán Renaud Van Ruymbeke. Vào thời điểm bắt đầu vụ Clearstream, tướng Rondot đang công tác tại Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm điều phối lực lượng tình báo Pháp với các chiến dịch đặc biệt ở nước ngoài. Tháng 5.2004, ông nhận lệnh của ông Villepin điều tra các chính trị gia có tên trong danh sách Clearstream. Vào năm 2005, một số cuốn sổ tay mà tướng Rondot dùng để ghi lại các cuộc hội thoại cũng như suy nghĩ cá nhân về vụ Clearstream rơi vào tay quan tòa. Ghi chép của ông Rondot trực tiếp ám chỉ ông Villepin và Tổng thống Chirac đã đứng sau vụ bê bối trên. Còn ông Ruymbeke chính là thẩm phán đảm trách vụ điều tra những khoản lại quả từ thương vụ bán tàu chiến cho Đài Loan. Sự việc được phơi bày vào năm 2004 khi ông nhận được các lá thư nặc danh và một CD có chứa danh sách các tài khoản mật được cho là liên quan đến Clearstream. Sau vài tháng điều tra, ông Ruymbeke đã phát hiện rằng bản danh sách ông nhận được là giả mạo.
Phía sau phiên tòa “bom tấn”
Về phía nguyên đơn trong phiên tòa “bom tấn” này, có tới 41 người đứng đơn kiện với đương kim Tổng thống Sarkozy đứng đầu danh sách. Một số nhân vật chóp bu khác gồm cựu Thủ tướng Laurent Fabius thuộc đảng Xã hội và ông Dominique Strauss-Kahn, hiện là Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Sở dĩ ông Kahn cũng bị đưa vào trong danh sách “đen” giả là vì ông này cũng có tham vọng tranh cử tổng thống. Hồi năm 2005, ông Kahn từng tuyên bố sẽ tranh cử trong nội bộ đảng Xã hội để giành suất đại diện đảng này chạy đua vào Điện Élysée. Vào thời điểm trước năm 2007, ông Kahn được đánh giá là ứng viên tổng thống sáng giá đại diện đảng Xã hội. Phải chăng vì có tham vọng như vậy nên ông Kahn đã bị chơi xấu. Hiện ông vẫn được xem là ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế tổng thống Pháp vào năm 2012.
Trở lại “phiên tòa của thập niên” mà thực chất là vụ đối đầu giữa Villepin và Sarkozy, cựu Thủ tướng Pháp cáo buộc Tổng thống Sarkozy tiến hành khởi kiện vụ án nhằm phục vụ cho ý đồ chính trị của mình, theo hãng tin AFP. “Tôi có mặt ở đây (tòa án) theo mong muốn của một người. Tôi có mặt ở đây do quyết tâm của một người, đó là Nicolas Sarkozy”, ông Villepin phát biểu trước giới báo chí hôm 21.9. Theo đánh giá của giới chuyên môn, ông Villepin là một trong những gương mặt sáng giá cho chiếc ghế tổng thống trong 3 năm tới. Phải chăng, ông Sarkozy đưa vụ này ra xét xử nhằm loại bớt một đối thủ đáng gờm trong kỳ bầu cử tổng thống sắp tới? Câu trả lời hiện vẫn còn nằm ở phía trước.
Trước phản ứng mạnh mẽ của ông Villepin, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định ông chỉ muốn phơi bày sự thật. Ông Sarkozy nói: “Tôi luôn nói rằng tôi muốn biết ai đưa tên mình vào danh sách đó và tại sao họ phải làm vậy”. Kênh truyền hình France24 đưa tin, 4 luật sư của ông Villepin hồi đầu tuần rồi cũng đã đề nghị tòa án loại bỏ tên ông Sarkozy khỏi danh sách nguyên đơn dân sự vì cho rằng với vị trí đứng đầu nước Pháp, đương kim tổng thống sẽ tác động tới kết quả xét xử, và như vậy sẽ khó có một phiên tòa công bằng. Thật ra thì phiên tòa này hiện có lợi cho ông Sarkozy nhiều hơn do ông có thể chi phối mạnh ngành tư pháp. Vụ xử được người Pháp gọi là “phiên tòa của thập niên” sẽ kéo dài trong hơn một tháng. Trong trường hợp bị kết tội, theo AFP, ông Villepin sẽ ngồi tù 5 năm và nộp phạt 45.000 euro (khoảng 1,2 tỉ đồng VN). Nhưng điều đáng tiếc nhất đối với cựu Thủ tướng Villepin trong trường hợp này có lẽ là giấc mơ tranh cử tổng thống vào năm 2012 sẽ tan thành mây khói.
Châu Yên
Bình luận (0)