Ca sĩ phòng trà: Vinh Hiển và nghề “tay trái”

30/09/2009 23:55 GMT+7

Nếu như có một cuộc họp mặt các nam ca sĩ thì chắc chắn Vinh Hiển sẽ... nổi bật hơn hết, bởi anh cao đến 1,83 mét, nặng trên 90 kg. Nhiều người vẫn nhớ đến Vinh Hiển không chỉ ở vóc dáng cao to mà còn ở tính tình rất dễ thương và một giọng hát trầm ấm, nồng nàn...

Sinh năm 1967 tại Trảng Bàng (Tây Ninh), ngay từ thuở nhỏ Vinh Hiển đã đam mê ca hát và là một thành viên tích cực trong các chương trình văn nghệ nhà trường. Thuở ấy, thần tượng của Vinh Hiển chính là ông anh họ, con của bà cô ruột: ca sĩ Cao Minh, đang theo học ở Nhạc viện TP.HCM. Mỗi lần Cao Minh về quê là Vinh Hiển bám theo hỏi chuyện ca hát. Được ông anh động viên, khuyến khích, Vinh Hiển cũng nuôi mộng trở thành ca sĩ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Vinh Hiển khăn gói xuống Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình đến với nghiệp cầm ca. Tuy nhiên, ông anh Cao Minh bàn rằng “Bây giờ học ở Nhạc viện cũng nhiêu khê lắm! Vả lại giọng hát của em vẫn còn non, sợ thi không trúng tuyển”. Vậy là, Vinh Hiển chấp nhận “đi đường vòng” bằng cách thi vào trường Trung cấp Ngân hàng, để rồi ngày học ngành ngân hàng, tối theo chân ca sĩ Cao Minh học thanh nhạc. Ông anh dạy ở đâu, thằng em học ở đó (lúc ấy Cao Minh chuyên dạy thanh nhạc ở các nhà văn hóa cấp quận)...

Cho đến một hôm thằng em hỏi ông anh: “Chất giọng của em bây giờ thi vào Nhạc viện được chưa?”. Ông anh gật đầu: “Ô kê!”. Vậy là Vinh Hiển trúng tuyển vào Khoa Thanh nhạc – hệ Trung cấp, Nhạc viện TP.HCM khóa 1985-1986. Vừa học vừa hành (đi hát tại các tụ điểm), chỉ 2 năm sau, Vinh Hiển đã gặt hái được giải thưởng âm nhạc đầu đời: Giải ba cuộc thi Giọng hát hay 1988 do Hội m nhạc phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM tổ chức. Năm ấy Vinh Hiển mới vừa 21 tuổi.

Vinh Hiển tâm sự: “Ca hát với tôi là ước mơ. Đạt được rồi thì cố gắng hoàn thiện và duy trì để lưu lại trong lòng khán giả một chút gì đó lắng đọng. Bản thân tôi dù không phải là một ca sĩ có tên tuổi lẫy lừng như các đồng nghiệp khác, nhưng cũng được nhiều khán giả biết tới và thương yêu, đó cũng là một niềm hạnh phúc trong cuộc đời của mình”.

Thành quả ban đầu này đã kích thích ý chí phấn đấu và khiến Vinh Hiển càng thêm tự tin trên con đường dấn thân vào nghệ thuật biểu diễn âm nhạc. Anh được mời hát thường xuyên ở các nhà văn hóa đồng thời đầu quân vào Đoàn kịch Trẻ TP.HCM (hát phụ diễn). Sau khi tốt nghiệp (1990), Vinh Hiển trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của Đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám. Những ca khúc gắn liền với tên tuổi anh dạo đó là: Đất nước (Phạm Minh Tuấn - Tạ Hữu Yên), Ngẫu hứng sông Hồng, Ngẫu hứng lý qua cầu (Trần Tiến) xen kẽ những ca khúc trữ tình: Đường xa ướt mưa, Và tôi cũng yêu em (Đức Huy), Gặp nhau làm ngơ (Trần Thiện Thanh)...

Cũng trong thời điểm này, Vinh Hiển cùng cô bạn gái vốn là bạn học trường Nhạc là ca sĩ Kiều Thanh, lập nên một đôi song ca được nhiều người ví von như các cặp Lê Uyên Phương, Từ Dung -  Công Phụng ngày xưa. Tiếng hát của cặp Vinh Hiển - Kiều Thanh quấn quít, tung hứng trong những Tình khúc cho em, Lời gọi chân mây, Vũng lầy của chúng ta, Uống nước bên bờ suối, Cho lần cuối... (Lê Uyên Phương) hoặc Lời của gió (Duy Thái), Tình khúc chiều mưa (Nguyễn Ánh 9), Thương nhau ngày mưa (Nguyễn Trung Cang)...

Đầu năm 1991, Vinh Hiển - Kiều Thanh trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Đoàn ca nhạc nhẹ Tháng Tám đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, nhiều ca sĩ bỏ đoàn đi, đoàn hát dạt về các tỉnh sống lây lất. Hát không đủ sống, Vinh Hiển phải đi làm người mẫu cho Legamex. Rồi đôi vợ chồng trẻ dắt díu nhau về mở quán cà phê karaoke ở Bà Quẹo. Dạo đó loại hình karaoke mới du nhập vào Việt Nam nên chuyện kinh doanh của vợ chồng Vinh Hiển phải nói là “đại thịnh” (chữ dùng của Vinh Hiển). Tuy vậy, nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu cứ mãi âm ỉ, thôi thúc khiến Vinh Hiển chịu không nổi nên anh ghi danh tham dự cuộc thi Tiếng hát Truyền hình 1992. Kết quả thật... khiêm tốn: giải khuyến khích! Không nản lòng, cuộc thi Tiếng hát Truyền hình 1993 lại có mặt Vinh Hiển. Và với hai ca khúc Tình ca (Hoàng Việt) và Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng)... trời đã không phụ lòng người kiên nhẫn. Lần này anh đoạt giải nhì, đủ cho anh có những chỗ đứng nhất định ở các quán cà phê ca nhạc như Nhạc Sĩ, Nghệ Sĩ, Văn Nghệ, công viên Đầm Sen, nhà hàng Cathay, M&Tôi, Phiêu Linh...

Để thích ứng với không gian ở các điểm hát này, Vinh Hiển chọn thể hiện các ca khúc trữ tình của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Vũ Thành An hoặc các ca khúc lẻ như Trở về bến mơ (Ngọc Bích), Tôi bán đường tơ (Thẩm Oánh), Ai về sông Tương (Thông Đạt)...

Đến bây giờ Vinh Hiển vẫn hát thường xuyên ở n Nam (góc Trương Định, Võ Thị Sáu, Q.3), Quán Trịnh (đường u Cơ, Q.11). Nhưng anh vẫn buồn buồn cho biết: “Thực ra để có nhà, có đất, có những phương tiện khác thì tôi phải nhờ vào những nghề khác như mua bán xe cổ hoặc chơi đồ cổ chứ nghiệp ca hát chỉ làâ để thỏa mãn sự đam mê của riêng mình, nhưng thú thực tôi vẫn thấy chưa bằng lòng lắm với chính mình...”.  

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.