Người phụ nữ 40 năm làm đèn ông sao

01/10/2009 23:42 GMT+7

Năm nay 46 tuổi nhưng chị Nguyễn Thị Tuyến, xóm 14 thôn Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức đã có đến 40 năm gắn bó với nghề làm đèn ông sao.

Những người trong làng Hậu Ái – ngôi làng có truyền thống làm đèn ông sao đã lần lượt bỏ nghề. Cho đến nay, cả làng chỉ còn duy nhất gia đình chị Tuyến là vẫn theo đuổi cái nghề này. Chị Tuyến chưa bao giờ có ý nghĩ từ bỏ, một phần cũng vì tổ tiên chị đã có 4 đời gắn bó với đèn ông sao.

Những chiếc đèn của gia đình chị Tuyến làm được buộc bằng các loại dây thép nhỏ nên rất chắc chắn và có thể để được nhiều năm. Đèn do gia đình chị làm, chơi xong Trung thu năm nay cất đi đến sang năm nếu giấy bị nhạt màu chỉ cần mang ra dán lại là vẫn chơi được tiếp. Đèn ông sao của gia đình chị Tuyến cũng không nhiều màu sắc như các loại đèn ông sao được bán ngoài thị trường mà rất đơn giản chỉ có một màu đỏ, được trang trí các loại hoa văn màu vàng trên các cánh sao.

Chị Tuyến kể: “Cụ thân sinh ra tôi dạy, màu đỏ là màu tượng trưng cho màu cờ sắc áo của Việt Nam nên không được thay giấy bằng màu khác. Hơn nữa, màu đỏ bền màu chứ không dễ bay màu như các màu xanh, vàng... khi thắp nến cũng sẽ có ánh sáng đẹp hơn.”

Theo chị Tuyến, để có một chiếc đèn ông sao phải trải qua nhiều công đoạn rất công phu, kỹ lưỡng, từ chọn nứa cho đến cắt dán. Nan dùng làm đèn ông sao phải được chẻ bằng loại nứa bánh tẻ, đốt dài thì mới có độ dẻo để uốn khung đèn. Các bước tiếp theo cũng công phu không kém. Khi chọn nứa xong, chị chặt nứa thành nhiều đoạn rồi ngâm trong nước vôi trong để chống mối mọt nên có thể để được nhiều năm không hỏng. Sau khi ngâm xong thì đem phơi nắng rồi mới chẻ thành nan. Chẻ ra rồi lại phải phân loại xem những phần nào để làm nan, phần nào dùng để làm cờ...

Vì vẫn lưu giữ được những nét truyền thống của chiếc đèn ông sao nên từ năm 2003 năm nào chị Tuyến cũng được Bảo tàng dân tộc học và Ban quản lý Ngôi nhà di sản ở phố cổ Mã Mây mời về giao lưu, hướng dẫn các em nhỏ làm những đồ chơi mang đậm truyền thống văn hóa của người Việt.

Bên cạnh đèn ông sao truyền thống, chị Tuyến còn mày mò sáng tạo thêm các loại đèn hình con giống và các loại đồ chơi có kiểu dáng hấp dẫn hơn để đáp ứng được thị hiếu của các khách hàng nhí.

Chị Tuyến cũng cho biết, để làm được những chiếc đèn ông sao tỷ mỷ, công phu với nhiều công đoạn như thế, điều cần thiết nhất là sự kiên nhẫn. Kiên nhẫn đối với từng chi tiết nhỏ nhất của chiếc đèn hoặc những đồ chơi đó, nếu không sẽ chỉ cho "ra lò" những sản phẩm tạm bợ, có tính thị trường mà thôi. Cũng vì vậy, mỗi ngày làm liên tục chị cũng chỉ hoàn thành được khoảng 5 đến 6 sản phẩm. Cả gia đình chị Tuyến gồm 6 người lao động cật lực trong những ngày này cũng chỉ làm được khoảng 15 chiếc đèn ông sao một ngày.

Mất công sức là thế mà mỗi chiếc đèn cũng chỉ bán với giá 12 nghìn đồng, thu nhập chẳng được là bao nên ở làng chẳng ai muốn theo nghề nữa.

Chị tâm sự:  “Năm nào cũng thế, mỗi dịp Trung thu đến gần lại thấy háo hức, xốn xang như là một đứa trẻ đón Tết vậy. Lúc ấy lại thích được nhìn thấy những chiếc đèn của nhà mình được các cháu thiếu nhi thích thú cầm trong tay. Thế là cứ làm cho đỡ nhớ nghề”. Đây có lẽ là lý do chị  không thể bỏ được cái nghề “đau lưng, đau vai” và  đòi hỏi công phu ấy.

Ngọc Tuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.