Khởi công đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

02/10/2009 23:07 GMT+7

Hôm nay 3.10 tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ chính thức phát lệnh khởi công dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Nghe đọc bài

Theo quy hoạch của Chính phủ, đến năm 2020, mạng lưới đường cao tốc tại Việt Nam có tổng chiều dài khoảng 7.100 km. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là dự án đặc biệt quan trọng thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam và trong tương lai sẽ là điểm đầu của đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt và Dầu Giây - Phan Thiết (đoạn tiếp theo của đường cao tốc Bắc - Nam).

TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến đường cao tốc thứ 2 ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, sau tuyến TP.HCM - Trung Lương (theo kế hoạch sẽ thông xe vào cuối năm nay). Trong tương lai, 2 tuyến đường khác nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Long Thành (Đồng Nai), đó là tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến Bến Lức (Long An) - Long Thành. 

Bà Nguyễn Thị Minh - Phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.9 - cho biết trên địa phận TP.HCM, dự án đi qua 4 phường thuộc Q.9 gồm Phú Hữu, Long Trường, Trường Thạnh và Long Phước. Tổng diện tích đất bị thu hồi 39,14 ha, trong đó 5,83 ha là đất đường - rạch, còn lại trên 33 ha đất thuộc sở hữu của người dân, doanh nghiệp. Tổng số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là 216. Đến nay đã có 89 hộ bàn giao mặt bằng. (Đình Mười)
Theo Bộ GTVT, dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua địa phận Q.2, Q.9 thuộc TP.HCM và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Tuyến dự án có chiều dài 55 km gồm 4 làn xe (giai đoạn 1) với điểm đầu tuyến (Km 0+000) là nút giao An Phú, thuộc Q.2, TP.HCM và điểm cuối (Km 54+983) tại nút giao với QL1A tại Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai (khoảng lý trình Km 1829+800 quốc lộ 1A), thuộc trục giao thông Bắc - Nam. Dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác năm 2012. 

Theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tuyến đường được thiết kế với tốc độ 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành, tốc độ thiết kế là 100 km/giờ. Toàn tuyến được chia thành 2 đoạn: Nút giao An Phú - Long Thành, được tài trợ bởi nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) của JICA (Nhật Bản), có chiều dài 23,9 km, đi qua Q.2, Q.9 (TP.HCM) và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Đoạn này, giai đoạn I có bề rộng nền đường 27,5m gồm 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách, dải an toàn và lề trồng cỏ; giai đoạn II bề rộng nền đường 42,5m gồm 8 làn xe. Đoạn Long Thành - Dầu Giây được tài trợ bởi vốn vay OCR (vốn vay theo lãi suất thị trường) của ADB, có chiều dài 31,1 km, đi qua các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất thuộc tỉnh Đồng Nai. Đoạn này, trong giai đoạn I bề rộng nền đường 27,5m gồm 4 làn xe, 2 làn dừng xe khẩn cấp, dải phân cách, dải an toàn và lề trồng cỏ; giai đoạn II có bề rộng nền đường 35m gồm 6 làn xe. Trên tuyến đường cao tốc có 20 chiếc cầu cỡ vừa và nhỏ và 1 chiếc cầu lớn (cầu Long Thành), với chiều dài khoảng 1.700m.

Dự án được chia thành 6 gói thầu xây lắp là 1A, 1B, 2, 3, 5 và 6. Gói thầu 1A nằm trên địa bàn Q.9 (TP.HCM) với tổng chiều dài 3,5 km, trong đó đoạn từ Km 4+000 - Km 4+514 thuộc đường đô thị, tốc độ thiết kế 100 Km/giờ và đoạn km 4+514 - Km 7+500 thuộc đường cao tốc, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. China Road & Bridge Corporation (CRBC) trúng thầu xây dựng gói thầu này, với giá trị hợp đồng 1.381,9 tỉ đồng, thực hiện trong 32 tháng.

Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp nhà nước được giao làm chủ đầu tư dự án này. Toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng dự án do VEC vay lại từ các nguồn vốn ODA, vốn tín dụng thông thường (OCR) và vốn do VEC tự huy động. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 932,4 triệu USD, trong đó phần vốn vay ODA của JICA là 516,5 triệu USD; vốn vay OCR của ADB là 410,2 triệu USD và vốn đối ứng do VEC tự huy động là 5,7 triệu USD. Thời gian dự kiến hoàn vốn sau 20 năm khai thác thu phí.  

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.