Tổ tiên xa xôi nhất của loài người

03/10/2009 21:44 GMT+7

Kết quả nghiên cứu mới về bộ xương của một sinh vật giống người sống cách đây 4,4 triệu năm, được đặt tên là Ardi, thuộc giống người vượn Ardipithecus Ramidus, cho thấy loài người không phải tiến hóa từ tổ tiên giống loài tinh tinh, theo hãng tin Reuters.

Thay vào đó, phát hiện này cung cấp chứng cứ cho thấy loài tinh tinh và loài người tiến hóa đồng thời từ một tổ tiên cổ xưa hơn, cách đây 6 hoặc 7 triệu năm. Mỗi loài đã phát triển và thay đổi khác nhau trong suốt quãng đường sau đó. Công trình nghiên cứu Ardi - vẫn đang tiếp tục diễn ra kể từ khi những mẩu xương đầu tiên được tìm thấy tại Ethiopia vào năm 1994 - đã chứng tỏ giống loài của Ardi sinh sống nơi rừng rú và có thể leo trèo bằng 4 chân, theo nhóm chuyên gia của Đại học California (Mỹ). Tuy nhiên, sự phát triển của tay và chân đã chỉ ra Ardi không sống nhiều trên cây. Theo cấu trúc xương chậu, Ardi, cao 1,2m, cũng có thể đi thẳng bằng 2 chân và có xương răng giống với loài người hơn linh trưởng.

Trước khi tìm thấy Ardi, giai đoạn tiến hóa sớm nhất của loài người được xác định vào thời của loài người vượn Australopithecus, với sự phát hiện bộ xương hóa thạch cách đây 3,2 triệu năm được đặt tên là Lucy. Lucy được xem là “mẹ của loài người” và là mối liên lạc đứt đoạn giữa loài người và loài tinh tinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.