Hàng trộm cắp đầy rẫy! - Bài 1: Nạn “bẻ kính, móc đèn” và những khu chợ đáng ngờ

07/10/2009 00:35 GMT+7

Có lẽ ít ở đâu như ở ta, hàng trộm cắp được mua bán một cách hết sức dễ dàng.

Lâu nay kính chiếu hậu là mặt hàng dễ tiêu thụ nhất trong “thị trường hàng gian”. Vì vậy bọn trộm cắp đã táo tợn tới mức bám theo xe đang lưu thông trên đường để bẻ kính, trước sự bất lực của tài xế.

Anh T. vừa đậu chiếc xe Mercedes trên đường Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP.HCM), ngồi uống cà phê chờ “sếp” thì 2 thanh niên tấp vào và trong vòng chưa đầy 1 phút đã “thổi” phăng cặp kính chiếu hậu trị giá gần 50 triệu đồng. Rất may, Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Công an Q.7 đã theo dõi nên rượt đuổi và bắt cả 2 cùng tang vật giao cho công an phường lập hồ sơ xử lý. Trong lúc đó, anh T. vẫn vô tư không hay biết gì cho đến khi được công an phường báo tin.

Trường hợp của anh N.V.M (cán bộ của một ngân hàng lớn ở Q.1) càng... tức hơn. Đầu tháng 8.2009, anh M. lái chiếc BMW mới mua trên đường Nguyễn Tất Thành (Q.4). Khi đến gần giao lộ Nguyễn Tất Thành - Hoàng Diệu, xe cộ đông đúc, phải nhích từng chút một nên anh M. cho xe chạy chậm lại. Bất ngờ một thanh niên từ xe gắn máy nhảy xuống ngang nhiên bẻ kính chiếu hậu trị giá 600 USD lên xe tẩu thoát. “Tức lắm. Nó bẻ trước mặt nhưng tôi không làm được gì. Hành vi đó là cướp chứ không phải là trộm nữa. Lúc đó, tôi không thể dừng xe lại để rượt theo bắt hắn vì sợ thắng đột ngột thì xe phía sau đụng đuôi xe hoặc gây kẹt xe” - anh M. bức xúc.

Dạo cuối năm 2008 đầu 2009, trên địa bàn Q.1, Q.4, Q.7 rộ lên nạn mất kính chiếu hậu. Sau đó, Công an Q.7 vào cuộc điều tra bắt được một băng chuyên “ăn hàng” kính chiếu hậu xe hơi và bọn chúng khai nhận thực hiện hàng chục vụ.

Những khu chợ đáng ngờ

“Phải kiên quyết xử lý nghiêm các chủ tiệm vàng, tiệm cầm đồ, cửa hàng ĐTDĐ, cửa hàng phụ tùng xe mua tài sản trộm cướp. Nếu chặt đứt các đầu mối tiêu thụ này chắc chắn án trộm cướp sẽ giảm”.

Đại tá Phan Anh Minh,
Phó giám đốc Công an TP.HCM

Do kính chiếu hậu, đèn xe ô tô bị tháo trộm nhiều nên các công ty bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm trộm cắp cho các phụ tùng trên. Một giám đốc bảo hiểm ở Q.1 tiết lộ: “Trước đây công ty có bán bảo hiểm một số phụ tùng ô tô bị mất trộm trong xe nhưng thua lỗ cho nên thôi. Tôi nhớ có lần ô tô của một người nước ngoài bị tháo trộm đèn. Chúng tôi đến các nơi bán phụ tùng chính hãng mua nhưng vì xe mới nhập nên chưa có phụ tùng. Tôi đề nghị chủ xe ra nước ngoài mua về, công ty sẽ thanh toán lại nhưng cũng không được. Sau đó nghe người ta giới thiệu, tôi xuống dọc đường Hùng Vương đặt mua thì chỉ 3 - 4 ngày sau đã có hàng”. Đa phần tài sản trộm cắp này được các đầu nậu  - chuyên tiêu thụ đồ gian, thu mua; sau đó đưa cho “cò” bám trụ trước cổng chợ Dân Sinh (Q.1), dọc đường Hùng Vương (Q.5) tìm mối tiêu thụ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ lâu trên địa bàn TP.HCM đã tồn tại nhiều khu chợ chuyên mua bán đồ trôi nổi, không hóa đơn chứng từ và nơi đây không loại trừ khả năng tiêu thụ đồ gian. Gần khu vực chợ Dân Sinh (Q.1) thì chuyên bán phụ tùng ô tô cũ, dọc đường Hùng Vương (Q.5) thì chuyên về kính chiếu hậu, đèn ô tô cũ; chợ Tân Thành (Q.11), cầu Sắt (Q.1) thì chuyên về phụ tùng xe gắn máy...

Ngoài ra, còn hàng chục “chợ trời” mọc lên ở vỉa hè dành cho người đi bộ ở các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Chí Thanh, Đinh Tiên Hoàng.

“Các đối tượng tháo trộm phụ tùng ô tô rồi đưa đến các chợ trên tiêu thụ là có, nhưng số liệu cụ thể bao nhiêu thì không thể thống kê được” – một cán bộ của Đội 4 (phòng chống trộm), Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14), Công an TP.HCM cho biết.

Mua lại tài sản bị trộm

Một ngày đầu tháng 10.2009, chúng tôi đã đến cửa hàng phụ tùng ô tô (nằm góc giao lộ Trần Bình Trọng - Hùng Vương, Q.5) hỏi mua cặp kính chiếu hậu Mercedes S350, màu đen. Nhân viên tên B. hô giá 5 triệu đồng/cái. Hỏi hàng này có mới 100% không, người bán nói đồ cũ mua lại làm gì có mới, muốn mới tới hãng mà tìm. Nếu vào hãng thì cũng phải đặt trước mới có hàng, với giá gần 2.000 USD/cái.

“Cò” Minh đang gọi điện thoại hỏi giá cặp kính chiếu hậu Mercedes S350

Chúng tôi cũng xuống chợ Tân Thành trong vai khách hàng hỏi mua nguyên bộ máy xe SH. Nhiều chủ cửa hàng nói có, nhưng không trưng bày hàng tại đây, khi khách hàng đồng ý giá, sẽ cho người mang hàng đến giao.

Tiếp tục trong vai người đi mua cặp kính chiếu hậu của xe Mercedes S350 đời 2009 bị bẻ trộm, chúng tôi đến nhiều cửa hàng lớn nhưng không có vì hàng chưa nhập về. Tuy nhiên, khi đến gần chợ Dân Sinh lập tức được một “cò” tên Minh gật đầu nói có. Anh này điện thoại một lúc rồi tuyên bố chắc nịch:

- “Cặp kính đó phải về làm lại phần đuôi vì đây là hàng trộm cắp, không còn nguyên vẹn”.

- “Giá bao nhiêu”?, chúng tôi hỏi.

- “14 triệu, không bớt. Nếu đồng ý mua thì chạy xe ra đây hoặc tháo bộ phận gắn kính chiếu hậu của xe mang ra đây đưa cho tôi đi làm lại, chừng một buổi thì xong”. 

- “Cho xem được không”?

- “Hàng không có ở đây, để chỗ khác, phải cất giấu chứ”...

Trên thực tế sau khi bị “bẻ kính, móc đèn”, nhiều lái xe đã phải truy tìm ra các “chợ đáng ngờ” nói trên. Và khi nạn nhân đến gặp “cò” chợ Dân Sinh hỏi mua thì đều được đưa đến một cửa hàng gần đó của bà H.N.A (ngụ Q.4) - một trong những cửa hàng “trùm” mua đồ trôi nổi. Tại đây, họ phát hiện tài sản của mình nhưng không làm gì được, buộc phải bỏ tiền ra mua. Các tài xế đã đến trình báo cho PC14. Sau đó, PC14 phải mất nhiều tháng điều tra mới triệt phá được đường dây tiêu thụ đồ trộm cắp do bà A. điều hành. Khám xét kho hàng của bà A. ở Q.4, cơ quan công an thu giữ 30 bao tải lớn gồm: mặt nạ ô tô, cản, kính, đèn, giàn tableau... trị giá nhiều tỉ đồng. Bà A. khai đã tiêu thụ hàng gian của nhiều nhóm tội phạm.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi còn phát hiện nhiều cửa hàng trưng bày công khai các ĐTDĐ cũ; thiết bị phụ tùng ô tô, xe gắn máy cũ nhưng khi hỏi mua thì không có hóa đơn chứng từ, xuất xứ nguồn gốc. Ai dám chắc phụ tùng trưng bày này không phải là đồ gian?

Công an cũng... bức xúc!

Đại tá Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, trong nhiều cuộc tiếp xúc với báo chí từng nhận định: “Phải kiên quyết xử lý nghiêm các chủ tiệm vàng, tiệm cầm đồ, cửa hàng ĐTDĐ, cửa hàng phụ tùng xe mua tài sản trộm, cướp. Nếu chặt đứt các đầu mối tiêu thụ này chắc chắn án trộm cướp sẽ giảm”.

Nhận định đó hoàn toàn chính xác nhưng công tác xử lý các cửa hàng nói trên đang gặp phải nhiều khó khăn. Cuối tháng 8.2009, Ban giám đốc Công an TP đã kiên quyết chỉ đạo Đội trọng án (PC14) khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Tấn Thành (40 tuổi, chủ tiệm vàng Kim Hưng ở chợ Phạm Thế Hiển, Q.8), do liên quan đến việc tiêu thụ nữ trang của bọn cướp tiệm vàng ở H.Nhà Bè. Tuy nhiên, việc bắt giữ người tiêu thụ đồ gian như vậy, trên thực tế chỉ tính trên đầu ngón tay. Có thể kể ra hàng trăm, hàng ngàn vụ án, người “lỡ” mua đồ phạm pháp chỉ cần một lời khai: “... khi mua không biết tài sản đó có nguồn gốc trộm cướp” thì phần lớn được vô can.

Trung tá Trịnh Kim Sơn, Phó đội 4 (PC14), bức xúc: “Các đối tượng trộm cắp bị bắt khai nhận ra địa điểm tiêu thụ, nhưng khi công an đến khám xét thì tài sản đó thường là vàng nữ trang, ĐTDĐ, phụ tùng ô tô đã được tẩu tán, không thu hồi được... Giả sử như nếu thu hồi được tang vật thì người mua thường khai không biết đó là đồ trộm cắp nên mua. Để chứng minh họ biết đồ trộm cắp mà vẫn cố tình mua, cơ quan công an phải hết sức khó khăn...”. (Còn tiếp)

Đàm Huy - Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.