Ngày 8.10, ông Đỗ Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Việt Mỹ (TP.HCM) đã mang đến Tòa soạn Báo Thanh Niên những tấm hình thể hiện rõ sản phẩm phân bón của mình đã bị làm giả trắng trợn. Theo trình bày của ông Hùng, vài tháng gần đây thị trường các tỉnh Tây Nguyên xuất hiện khá nhiều phân bón giả nhãn hiệu của Việt Mỹ, gần như sao chép mẫu mã, màu sắc, và tên gọi chỉ đảo ngược một chút: Việt Mỹ thành Mỹ Việt.
“Nông dân và cả các đại lý phân phối đều không thể phân biệt rõ ràng những trường hợp làm giả như trên, vì vậy dù là phân bón giả nhưng vẫn tiêu thụ được, từ đó gây thiệt hại cho nông dân và ảnh hưởng đến thương hiệu của những doanh nghiệp (DN) chân chính”, ông Hùng bức xúc.
Phân bón Việt Mỹ (bên trái) và phân bón Mỹ Việt |
Cuốc, xẻng và... máy trộn bê tông
Vừa qua, Đội Quản lý thị trường huyện Củ Chi (TP.HCM) đã kiểm tra việc sản xuất phân bón của Công ty Mỹ Việt. Theo biên bản làm việc, các cán bộ kiểm tra không hề thấy có bất cứ một dầy chuyền, máy móc hiện đại nào, ngoài duy nhất một cái máy trộn bê tông bỏ không. Lúc ấy, trong xưởng đang có vài công nhân sản xuất phân bón nhưng với những dụng cụ rất thô sơ là cuốc và xẻng. Những hành vi lập lờ trong việc ghi nhãn mác, quảng cáo quá sự thật này đã bị UBND huyện Củ Chi xử phạt tổng cộng 78 triệu đồng. Những bao phân vi phạm nhãn hiệu hàng hóa bị bắt quả tang phải khắc phục về nhãn hàng hóa hoặc chế biến lại cho phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở công bố và ghi nhãn hàng hóa trước khi được lưu thông trở lại. Mỹ Việt đã bị đình chỉ sản xuất phân bón tại chi nhánh (số 510 đường hẻm Nguyễn Thị Rành, Q. 12), đình chỉ sản xuất và kinh doanh 2 loại phân vi lượng 94 và 99. Ngoài ra còn bị buộc tháo dỡ, xóa bỏ các hình ảnh, chữ in trên bao bì gây hiểu nhầm, không đúng với thực tế hàng hóa.
Thế nhưng, điều khiến ông Tổng giám đốc Công ty CP phân bón Việt Mỹ bức xúc là đơn vị vi phạm chẳng những không “chừa”, mà vẫn tiếp tục chuyển sang hoạt động ở một địa điểm khác và vẫn tiếp tục đưa đưa ra thị trường sản phẩm phân bón Mỹ Việt, nhái nhãn hiệu của Việt Mỹ.
Bao giờ cho hết phân giả?
Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, kiểu làm giả phân bón theo cách thức trên ngoài mục đích ăn theo các sản phẩm đã có thương hiệu, đây còn là hành vi gian lận nhằm bán giá cao hơn giá thực của sản phẩm. Cụ thể, nếu giá bán phân hữu cơ truyền thống chỉ khoảng 1.500-1.600 đồng/kg thì khi sửa nhãn hiệu thành phân vi lượng hay phân cá, giá bán sẽ được đẩy lên hơn 1.000 đồng/kg, trong khi chất lượng bên trong không có gì khác.
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, cả nước hiện có hơn 200 cơ sở sản xuất, nhưng số DN uy tín, có thương hiệu đầu tư nhà máy để có sản phẩm chất lượng không nhiều, trong khi đó, phân bón chất lượng thấp thường xuất phát từ các DN quy mô sản xuất nhỏ, phương tiện đơn giản (máy trộn với cuốc, xẻng). Phần lớn số này kinh doanh theo kiểu chụp giật, hoạt động thời gian rất ngắn, làm ra hàng giả, kém chất lượng sau đó giải thể rồi lại thành lập DN mới để tiếp tục làm giả.
Theo Bộ NN-PTNT, kết quả thanh tra, kiểm tra 270 sản phẩm phân bón tại 9 tỉnh khu vực ĐBSCL trong 6 tháng đầu năm 2009 đã có tới 110 sản phẩm không đạt chất lượng (40,7%). Bên cạnh đó, trên thị trường còn lưu thông cả phân bón không nằm trong danh mục cho phép lưu hành. Các vi phạm chủ yếu là sản xuất hoặc kinh doanh phân bón có chất lượng thấp hơn mức đã công bố, kinh doanh phân bón kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa, không niêm yết giá bán, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vấn nạn này cần có sự phối hợp của nhiều bộ ngành, trong đó công an, quản lý thị trường phải thường xuyên kiểm tra, xử lý để giảm thiệt hại cho nông dân.
Quang Thuần
Bình luận (0)