Cơ cực thầy trò vùng lũ

09/10/2009 11:01 GMT+7

Chúng tôi đến hai xã vùng tây huyện Đại Lộc (Quảng Nam) là Đại Lãnh và Đại Hưng ngay sau khi đường DT 609 thông xe. Cảnh tượng ở đây vượt xa những gì chúng tôi có thể hình dung...

Bốn ngày sau trận lũ, cô giáo Trần Thị Kim Liên, dạy Anh văn ở trường THCS Nguyễn Huệ và chồng cô là anh Phạm Đình Thảo vẫn chỉ mặc trên người bộ quần áo duy nhất còn lại. Căn nhà nhỏ của họ ở thị trấn Hà Tân làm bằng gỗ từ sự tích góp sau hơn mười năm dạy học ở đây, hầu như chẳng còn gì sau hai ngày ngập trong lũ lớn. Cả chiếc máy tính dành dụm mua được, dù cẩn thận treo lên sát mái vẫn bị cuốn trôi khi nhà sập. May mà hai con nhỏ đã được gửi về quê Điện Bàn trước khi nước lên, và cũng may là đúng vào lúc hai vợ chồng đang kiệt sức giữa dòng nước trong đêm 29.9 kinh hoàng ấy, một sợi dây của bà con hàng xóm kịp thời thả xuống...

Hai thầy cô Nguyễn Quốc Cường và Võ Thị Hai lên đây dạy học đã 7 năm, dành dụm mua được cái tivi và bộ máy tính cũng bị nước ngấm hư hỏng cả. Cô Hai nói mà như tự an ủi mình, may mà họ còn cháu bé Bảo Trâm 2 tuổi vẫn bình yên. Cả 5 đôi vợ chồng thầy cô giáo ở nhà công vụ trường Nguyễn Huệ đều một cảnh như thế, nhưng khi chúng tôi đến đã chứng kiến họ gác hết việc nhà để đi phơi từng trang sách giáo khoa, từng cuốn học bạ và tài liệu giảng dạy của nhà trường. Nhìn cảnh hàng ngàn cuốn sách vở ngấm nước úa vàng, những chiếc máy vi tính, bàn phím, máy in phơi đầy sân trường mà thương cho gần 1.000 học sinh ở đây, sau một tuần nước rút vẫn chưa thể đến trường.

Cách đó không xa, trường Tiểu học Ngô Quang Tám càng thê thảm hơn. Đến chiều hôm qua, cả con đường vào trường và sân vẫn còn bùn ngập dày. Cả 40 giáo viên và hơn 10 người thuê bên ngoài vẫn chỉ mới dọn được số bùn trong các phòng học. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Cơ cho biết, trường có 450 học sinh, đều là con em các gia đình vùng “rốn lũ” nên giờ đây cũng chẳng còn sách vở gì.

Trường Ngô Quang Tám, cụm mẫu giáo thôn Hà Dục Đông với hơn 10 phòng học đến hôm qua vẫn còn ngập sâu trong bùn, bàn ghế lẫn với bùn đất nằm nghiêng ngả bên vệ đường. Một vài cô giáo đang dọn dẹp ở bên trong với lớp bùn dày đến tận gối...

Theo UBND xã Đại Lãnh, ngoài các trang thiết bị giảng dạy bị hư hại, còn có hơn 300 bộ bàn ghế của học sinh và giáo viên bị cuốn trôi. Tại xã Đại Hưng, 10 phòng học cũng bị hư hỏng nặng, gần 150 bộ bàn ghế và toàn bộ thiết bị dạy học hư hại. “Với khó khăn chồng chất, công tác dạy và học của các xã vùng cao dọc sông Vu Gia vượt ra khỏi khả năng của địa phương...”, một lãnh đạo xã Đại Hưng ngậm ngùi nói.

Nhật Bản viện trợ khắc phục bão cho VN. Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cung cấp khoản viện trợ khẩn cấp trị giá 20 triệu yen (bao gồm lều bạt, chăn...) cho VN nhằm khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra tại miền Trung VN, thông tin từ Đại sứ quán Nhật Bản tại VN hôm qua cho hay. (H.D)

C15B đi cứu trợ. Đoàn cứu trợ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C15B), do đại tá Phạm Hùng Chiến - Cục phó C15 dẫn đầu hôm qua đã lên đường đến huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, để trao quà cho người dân. Đoàn mang theo 4 tấn gạo, 100 phần quà, 271 thùng mì gói và 95 triệu đồng do cán bộ chiến sĩ của C15B và các doanh nghiệp như Công ty xăng dầu khu vực II, Công ty CP tư vấn xây dựng thiết kế thủy lợi II, Tổng công ty Seaprodex, Công ty kinh doanh lương thực TP.HCM, Công ty CP bảo hiểm bưu điện, Công ty du lịch Phương Trang... đóng góp. (Bảo Thiên)

Đến với thầy trò vùng lũ. Ông Phạm Thanh, Giám đốc Công ty thương mại Gia Khánh, bác sĩ Kim Hiền và đại diện các doanh nghiệp trẻ tại TP Đà Nẵng đã đến thăm thầy cô các trường học và gia đình tại hai xã Đại Lãnh, Đại Hưng (H.Đại Lộc, Quảng Nam). Các doanh nghiệp đã trao tặng 17 triệu đồng cho 3 gia đình có nhà sập và người chết trong lũ; tặng 5 triệu đồng cho 5 gia đình giáo viên trường PTCS Nguyễn Huệ, 2 triệu đồng cho tập thể giáo viên trường Ngô Quang Tám. (Anh Trương)

Nhiều xã vùng bão lũ vẫn chưa có điện. Tính đến hôm qua, Điện lực Quảng Ngãi đã khôi phục được hơn 1.300 trạm/1.600 trạm biến áp, cung cấp điện 92% địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên tại huyện Bình Sơn còn 7 xã; hai huyện Trà Bồng và Tây Trà còn 5 xã vẫn chưa có điện. Tình trạng sạt lở núi, cây cối ngã đổ do bão lũ từ ngày 28.9 làm hư hỏng nhiều công trình điện trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mãi đến hôm qua hệ thống lưới điện ở các huyện: Tu Mơ Rông, Đắk Glei, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Kon Plông và Đắk Tô tuy mới được khắc phục, nhưng điện sinh hoạt ở các xã vùng sâu thì còn phải lâu mới được cung cấp trở lại vì đường dây bị hư hỏng nhiều nơi. (Hiển Cừ - Nguyên Lộc)

Bão lũ gây thiệt hại ở cửa khẩu Lao Bảo. Trận lũ vừa qua, theo những người dân sống tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), là trận lũ lịch sử xảy ra nơi đây. Trong lũ, nhiều nhà dân, siêu thị, khu buôn bán bị nhấn chìm; thiệt hại về nông nghiệp không đáng kể nhưng thiệt hại về hàng hóa, cơ sở sản xuất của nhiều công ty ở khu thương mại đặc biệt (giáp ranh với nước bạn Lào) lên đến cả trăm tỉ đồng... Ông Nguyễn Vũ Ái, Chánh văn phòng Ban quản lý Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp nằm trong khu vực đều bị thiệt hại. Có doanh nghiệp thiệt hại đến 80% hàng hóa, cơ sở vật chất. Một phần là do tâm lý chủ quan vì lũ nhiều năm qua chưa hề làm ngập nặng như năm nay...”. (Nguyễn Phúc)

Hiểm họa từ việc đãi vàng nơi đỉnh lũ. Những ngày này, khi nước vẫn đang cuồn cuộn đổ về xuôi thì ngay trên thượng nguồn sông A Vương - nơi hợp lưu của cả trăm con suối, hàng trăm người dân ở hai thôn A Grồng và A Ching (xã A Tiêng, H.Tây Giang, Quảng Nam) bất chấp sinh mạng ùa nhau xuống sông đãi vàng sa khoáng. Đáng nói hơn, không chỉ người dân ở hai thôn nói trên, kể cả một vài cán bộ xã, thôn cũng lặn ngụp trong dòng nước đục ngầu để đãi quặng tìm vàng... (Hồ Trọng)

Anh Trương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.