Trong bài viết này xin được trao đổi ý kiến băn khoăn trước 2 quy định ở Điều 6: (1d) về việc phạt nếu “không viện dẫn nguồn tin khi đăng phát trên báo chí” và (1g), (3đ) về việc “thông tin không khách quan về một sự việc, sự kiện, vấn đề gây ảnh hưởng xấu/ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Thế nào là “khách quan”?
Trong hoạt động báo chí, tính khách quan là lý tưởng, là giá trị mà nhà báo phải nỗ lực để đạt tới.
Không thể có một tác phẩm báo chí thực sự khách quan vì hiện thực bao giờ cũng được phản ánh qua lăng kính chủ quan của nhà báo, của tòa soạn, của cơ quan chủ quản, qua định hướng của cơ quan quản lý báo chí. Ngay cả một thể loại truyền hình như phóng sự không lời bình, phỏng vấn dư luận với nội dung chỉ là những hình ảnh, âm thanh được máy ghi hình thu “khách quan”, không áp dụng bất kỳ một kỹ xảo, hiệu ứng nào vẫn không thể có sự khách quan hoàn toàn. Vì sao? Chính việc lựa chọn, sắp xếp các chi tiết, diễn biến trong một chuỗi các chi tiết, diễn biến của sự kiện, hiện tượng... để đưa vào tác phẩm thể hiện rõ nét quan điểm chủ quan của người thực hiện. Và một tác phẩm báo chí có khi được xem là khách quan ở thời điểm đăng phát, nhưng sau đó, khi có thêm các yếu tố mới phát sinh, nó có thể bị xem là vi phạm tính khách quan.
Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. (Trích Điều 7, Chương III, Luật Báo chí) |
Đánh giá tính khách quan trong báo chí là việc không hề đơn giản.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ chế và quy định đánh giá tác phẩm báo chí khách quan hay không và sự thiếu khách quan gây ảnh hưởng xấu/nghiêm trọng hay không thông qua hai kênh: (1) khiếu nại - cải chính; (2) kiện ra tòa - bồi thường và xin lỗi.
Ngoài ra, Hội Nhà báo Việt Nam cũng có Quy định về đạo đức nghề nghiệp (sắp tới sẽ xây dựng bộ cẩm nang để hướng dẫn các cơ quan báo chí tự xây dựng bộ quy tắc đạo đức cho cơ quan báo chí mình), nhiều cơ quan báo chí cũng có bộ quy tắc đạo đức riêng để góp phần điều chỉnh chuyện hành xử của nhà báo trong tác nghiệp.
Nếu một tác phẩm báo chí thông tin sai sự thật, những người bị ảnh hưởng xấu/nghiêm trọng không khiếu nại, kiện ra tòa, thì còn có cơ quan báo chí, tổ chức hội nhà báo, dư luận xã hội, lương tâm người làm báo “xử lý” về phương diện đạo đức.
Khi tác giả, cơ quan báo chí nào có tác phẩm báo chí bị buộc phải cải chính, bồi thường thiệt hại và xin lỗi đối tượng bị ảnh hưởng, xin lỗi công chúng... họ không chỉ bị pháp luật điều chỉnh mà còn bị hình phạt nặng nề của “tòa án” dư luận, “tòa án” lương tâm.
Cơ chế xử lý lâu nay như thế là phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu có thêm quy định xử phạt hành chính giao cho các cơ quan quản lý nào đó quyền xử phạt thì vấn đề vừa phức tạp vừa không khả thi. Vì như đã nói, tiêu chí nhận diện vi phạm (“không khách quan” hay “ảnh hưởng nghiêm trọng”) và thẩm quyền đánh giá tính khách quan, sự ảnh hưởng tiêu cực của thông tin sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề phức tạp trong thực tiễn quản lý.
“Viện dẫn” và “bảo vệ” nguồn tin
Không sát thực tiễn "Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản buộc phải “dẫn nguồn tin” - là không sát thực tiễn, nhiều trường hợp viết về tiêu cực, tham nhũng buộc phóng viên phải bảo vệ nguồn tin thì làm sao dẫn nguồn người cung cấp. Nếu dẫn nguồn, chắc chắn người cung cấp rất dễ bị cơ quan mình xử lý và chính vì thế ai dám cung cấp thông tin cho báo chí. Như thế sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo trong hoạt động các nhà báo... Nhìn tổng thể, có cảm giác dự thảo chỉ chú trọng đến việc: làm thế nào để dễ “quản” được báo chí, chứ chưa thấy dự thảo sẽ là đòn bẩy cho sự sáng tạo của các nhà báo, trong vai trò phản biện, thúc đẩy sự phát triển của xã hội" - luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người nghèo) Hoàng Tuấn (ghi) |
Nhưng không phải bất cứ thông tin nào cũng phải dẫn nguồn vì việc bảo vệ nguồn tin là nguyên tắc phổ biến được tất cả các nền báo chí lớn trên thế giới xác lập từ lâu. Luật Báo chí của chúng ta cũng quy định nhà báo phải chịu trách nhiệm về nguồn tin nhưng cũng có nghĩa vụ giữ bí mật nguồn tin.
Bí mật nguồn tin để bảo vệ an ninh hoặc tránh nguy cơ, rủi ro cho người cung cấp thông tin không chỉ là quy định trong ngành truyền thông mà cả các ngành bảo vệ pháp luật. Nếu không bí mật nguồn tin thì chẳng ai dám cung cấp thông tin, nhất là những thông tin trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tội phạm cho báo chí. Mà không có nguồn tin thì làm sao báo chí hoạt động được?
Nếu cho rằng để bảo vệ nguồn tin, chỉ cần hình thức dẫn mơ hồ như “theo một nguồn tin riêng”, “theo một nguồn tin giấu tên”, “theo tìm hiểu của chúng tôi”..., báo chí có thể lợi dụng để... lách quy định. Xin trao đổi như sau:
Một tác phẩm báo chí được hình thành từ hàng chục, hàng trăm nguồn tin, nếu cứ quy định phải viện dẫn nguồn một cách máy móc, thì tần suất xuất hiện những cụm từ như “Theo Bộ X”, “theo UBND tỉnh Y”, “theo thông báo của cơ quan Z”, “theo ông/bà/đồng chí...” sẽ dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Và nếu quy định không dẫn nguồn sẽ bị phạt thì các cơ quan hành chính sẽ phải mất rất nhiều công sức để chứng minh một nội dung nào đó có phải là nguồn tin riêng của nhà báo, tòa soạn hay không.
Mặt khác, có những nguồn tin được mặc nhiên thừa nhận như các số đo, thống kê có tính bền vững tương đối được cộng đồng đã biết, liệu có phải dẫn nguồn không? Nếu không dẫn nguồn có bị phạt không?
Viện dẫn nguồn tin là nguyên tắc tác nghiệp. Nhưng không thể đề ra quy định thiếu tính khả thi là phạt tiền nếu không dẫn nguồn.
Pháp luật thì phải có chế tài để có sức răn đe, từ phạt tiền đến phạt tù. Nhưng chế tài phải đi kèm với hành vi cụ thể. Không thể xử phạt cho một giả định mơ hồ được. Và thực tế cho thấy không phải cái gì, hành vi nào luật pháp cũng điều chỉnh được. Có những vấn đề chỉ có thể điều chỉnh bằng các quy phạm đạo đức.
Mặt khác, nếu không thận trọng, nghị định sẽ "đá" luật.
Ranh giới giữa việc bảo vệ nguồn tin và lợi dụng quyền bí mật nguồn tin, đôi lúc, cũng khó phân biệt và đây cũng là hiện trạng phổ biến trong đời sống báo chí thế giới. Nhưng không nên vì thực trạng này mà đặt ra một quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế. Trên góc độ khoa học, báo chí là hoạt động xã hội mang đặc thù nhân loại. Nền báo chí Việt Nam trong quá trình hội nhập phải chấp nhận sân chơi toàn cầu, trong đó có việc chấp nhận những thông lệ chung đã trở thành giá trị kinh điển.
Phan Văn Tú
(Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN tỉnh Đồng Nai)
“Muốn xây dựng nghị định xử phạt báo chí đầu tiên phải dựa vào luật “gốc” là Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, pháp lệnh hiện hành chỉ mới quy định xử phạt trong lĩnh vực xuất bản. Cho nên muốn xây dựng một nghị định xử phạt về báo chí, thì cần phải sửa Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo của nghị định cho phép rất nhiều cơ quan xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí - xuất bản như thanh tra chuyên ngành, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường... muốn vậy thì cũng phải sửa pháp lệnh để phù hợp. Và việc sửa pháp lệnh phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Theo tôi, hiện nay, chúng ta đã có Nghị định 56 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính hoạt động văn hóa - thông tin, trong đó có hẳn một chương xử lý sai phạm của báo chí. Nếu cần thiết chỉ nên sửa đổi bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện nay, chứ không nên xây dựng thêm một nghị định dành riêng cho báo chí - xuất bản”. Luật sư Nguyễn Văn Hậu |
Bình luận (0)