Sài Gòn, thập niên 60-70, dưới tác động mạnh mẽ của chiến sự và những diễn biến của thời cuộc, số phận của phụ nữ, nhất là những cô gái quê khác nào những cánh hoa dại bị dập vùi trong sương gió. Thoa và Lựu cũng không thoát khỏi số phận đắng cay này.
Từ một cô thợ may nhà nghèo, ở Sa Đéc, luôn mang khát vọng đổi đời, Thoa bị chủ ve vãn, suýt bị cưỡng hiếp, cho đến khi số mệnh run rủi cho cô gặp Keller, một lính Mỹ. Sau bao nhiêu sóng gió, họ đến được với nhau, nhưng một lần nữa, định mệnh lại bắt Thoa phải xa Keller trong khi cô bụng mang dạ chửa. Cuộc đời Thoa lại tiếp tục trôi nổi chốn thị thành.
Cùng là bạn hàng xóm với Thoa, số phận Lựu còn thê thảm hơn, vì cô mắc bệnh tâm thần, hết bị trai làng, lính da đen, đến chủ Sở rác hãm hiếp… Rồi đứa con oan nghiệt của cô với tên lính da đen cũng mở mắt chào đời trong sự khốn khó.
Chiến sự tăng dần. Bệnh thần kinh của Lựu tái phát nặng. Cô được đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị còn đứa con thì gửi cho cô nhi viện nuôi.
Thông tin thêm Biên kịch: Khưu Ngọc |
Thoa bị chết, bỏ mạng cùng bào thai trong bụng. Cho đến khi nhắm mắt lìa đời, cô vẫn là một kiếp hoa dại hẩm hiu…
Tài đỡ đòn của Xuân Hương
Ai làm việc với nghệ sĩ Xuân Hương đều rất thán phục tinh thần nghề nghiệp của chị, giờ giấc nghiêm túc, chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu đến từng chi tiết, ngay cả diễn viên Nguyễn Hậu cũng nể phục kỹ năng diễn xuất quá nhà nghề của chị. Trong phim, Nguyễn Hậu đóng vai Lạp Chạp, chồng của Xuân Hương, một ông chồng sáng say chiều xỉn, lại còn keo kiệt, hay đánh vợ. Ở những đoạn Lạp Chạp giở thói vũ phu, sợ Nguyễn Hậu chùn tay, không nỡ đánh mạnh, Xuân Hương động viên “Ông cứ thẳng tay đi, trông mới ép phê! Tui có cách của tui!”.
Khán giả xem phim sẽ thấy Xuân Hương bị đánh đập tơi bời, cú nào cú nấy như trời giáng, nhưng thực tế, chị đã sử dụng tài tình nghệ thuật diễn hình thể, trông rất thật, mà không hề bị đau tí nào.
Nguyễn hậu trấn an “nạn nhân”
Tuy đã đóng được vài phim như Chàng trai cầu Ông Me, Vó ngựa trời Nam… nhưng trong Hoa dại, lần đầu tiên Bích Lộc mới vào vai Lựu-cô gái khùng bị cưỡng hiếp. Trong phim có cảnh Lạp Chạp nổi lòng tà, hãm hiếp Lựu. Để trấn an “lính mới”, Nguyễn Hậu làm "công tác tư tưởng" với Bích Lộc trước. Xem phim, khán giả sẽ thấy “thằng cha” chủ Sở rác người Hoa dê xồm này đè Lựu xuống, mò mẫm cô, nhưng trong thực tế, khi luồn tay vào ngực áo của Bích Lộc, Nguyễn Hậu cố ý dí sát bàn tay vào phần vải áo phía trên, chứ không đụng chạm gì tới “nạn nhân”. Nhờ có sự trao đổi bàn bạc trước, nên cảnh này chỉ quay 1 lần là "OK" luôn.
Thanh Trúc bị áp lực tâm lý
Nếu Bích Lộc hơi bị khớp khi vào những cảnh “tế nhị”, thì Thanh Trúc lại sợ những pha hành động, nhất là cảnh Thoa bán bar và cảnh trong tù. Bơ vơ ở Sài Gòn, Thoa buộc lòng phải thích nghi dần với thế giới của những cô gái bán phấn buôn hương. Do có mâu thuẫn với Thoa, Liễu, một cô gái bán bar đem luật giang hồ ra hành xử với Thoa. Để dạy cho Liễu một bài học, Thoa nắm đầu Liễu và đập bể chai bia. Vì chưa quen với những cử chỉ bạo lực, nên Thanh Trúc phải đập 2 lần, chai bia mới chịu bể, mà lại chỉ còn có cái cổ chai, khiến mọi người cười rũ rượi.
Vì bắn chết một tên lưu manh miệt vườn, Thoa bị bắt, chờ ngày nhận án cố sát. Trong tù, Thoa lại rơi vào tình cảnh bị ma cũ ăn hiếp ma mới. Bản năng sinh tồn buộc cô phải phản ứng, đánh trả lại bọn đầu gấu. Biết mình tay yếu chân mềm, nên Thanh Trúc đã tập trước, phải đánh sao cho ấn tượng. Vậy mà lúc quay thật, đến lần thứ hai Trúc mới đập trúng đối phương!
Gian nan làm phim chiến tranh
Ai cũng biết, đối với một bộ phim có màu sắc thời chiến, trong những điều kiện hạn chế về kinh phí, bối cảnh và trang thiết bị, thì không riêng gì những nhà sản xuất mà cả ê-kíp thực hiện, nếu không có tâm huyết với nghề, sẽ không đủ kiên nhẫn để vượt qua những khó khăn về vật chất và những áp lực về tinh thần.
Chẳng hạn như các diễn viên phim Hoa dại, ngoài những nỗi vất vả khi phải xuống tận Đồng Tháp quay ngày quay đêm, họ còn chịu ít nhiều rủi ro (cháy tóc, xém da, xây xát…) từ ảnh hưởng của những cảnh cháy nổ, súng đạn trong phim…
Minh Tuyền
Bình luận (0)