- Trả lời: Khi trong túi mật hoặc đường dẫn mật có sỏi gọi là bệnh sỏi mật. Nguyên nhân dẫn đến sỏi mật có liên quan đến việc ăn uống; thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể; ứ đọng dịch mật; giun chui ống mật; nhiễm khuẩn…
Sỏi mật có 2 thể chính gồm: sỏi cholesterol, tương đối cứng, tạo thành viên, thường nằm trong túi mật, và sỏi sắc tố mật, mềm, không hình thành viên, phần lớn nằm ở ống mật. Người có sỏi mật thường có biểu hiện: kém ăn, đau phần bụng trên, sau khi ăn no có cảm giác chướng bụng. Một số người có thể đau quặn mật, thường xảy ra sau khi ăn no hoặc dùng thức ăn có nhiều chất béo.
Người bị sỏi mật làm cho mật bị ứ đọng không lưu thông nên ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, chuyển hóa và hấp thu chất béo. Nếu cuống mật bị tắc do sỏi sẽ dẫn đến vàng da (hoàng đản), nước tiểu màu vàng đậm, khi tắc hoàn toàn phân biến thành màu xám tro. Nếu viêm nhiễm sẽ phát sốt và tăng tế bào bạch cầu.
Đông và Tây y đều có thuốc để điều trị sỏi mật. Riêng Tây y trong trường hợp đường kính sỏi lớn, hình dạng túi mật không bình thường có thể phẫu thuật để cắt bỏ túi mật bằng phương pháp nội soi khoang bụng hoặc phẫu thuật ngoại khoa. Còn theo y học cổ truyền, sỏi mật có các thể khác nhau, với mỗi thể có những chứng trạng và bài thuốc điều trị riêng. Chẳng hạn: thể sỏi mật khí trệ - vùng bụng trên đau cắn dẫn sang vai, tâm phiền, dễ giận dữ, miệng đắng, ăn ít, buồn nôn, rêu lưỡi vàng, có thể dùng bài thuốc gồm: nhân trần 20g, thạch vi 15g, hoàng cầm 12g, cam thảo 12g, sinh khương 12g, kim tiền thảo 20g, bán hạ 25g, sài hồ 32g, nhân sâm 12g, đại táo 12 quả. Sắc uống ngày 1 thang. Với thể thấp nhiệt chưng đốt - bụng trên đầy, đau lan ra qua vai, phát sốt rét, miệng đắng, họng khô, toàn thân phát vàng, rêu lưỡi vàng dày, thì dùng bài thuốc gồm: kim tiền thảo 20g, chi tử 8g, nhân trần 20g, hải kim sa 15g, đại hoàng 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Người bị sỏi mật phải hạn chế những thức ăn có chứa nhiều cholesterol (như: mỡ, óc và nội tạng của động vật; trứng cá; lòng đỏ trứng gà, vịt), tăng cường ăn đậu phụ, rau, quả và ăn nhạt. Một số món ăn hỗ trợ điều trị sỏi mật, có tác dụng làm tan sỏi như: râu ngô 100g (tươi) hoặc 50g (khô) nấu lấy nước uống hằng ngày thay nước trà; dây dưa chuột 100g nấu uống hằng ngày…
Thân chào!
Lương y Quốc Trung
Bình luận (0)