Nguyễn Quang Thiều - Người đi qua cơn khát của sa mạc thơ

17/10/2009 17:55 GMT+7

(TNTS) Trong một lần nói chuyện với nhau về thi ca đương đại, tôi ví nhà thơ Nguyễn Quang Thiều như một con lạc đà thơ, đang cõng cơn khát thơ trên lưng, đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn có tên là sa mạc thơ. Anh vui vẻ cười và đồng ý.

Hướng về “miền đất thánh”

Nhà Nguyễn Quang Thiều ở thị xã Hà Đông, nằm sâu tận phía trong khu tập thể của Ty Văn hóa Hà Tây cũ. Hôm tôi vào chơi, thấy nhà anh treo đầy những bức tranh sơn dầu khổ lớn vừa mới vẽ. Khoảng chừng sáu, bảy năm trở lại đây, Thiều lên cơn “sốt vẽ”. Nhà lúc nào cũng bề bộn như một xưởng tranh, toan và màu vẽ vứt khắp nơi. Hóa ra trong nghệ thuật, tài năng con người không chịu đi theo một lối mòn định trước nào cả. Dẫu biết thi ca và hội họa từ ngàn xưa đến nay là “cặp bạn” song hành trong nghệ thuật, nhưng tôi vẫn thấy ngạc nhiên trước sức sáng tạo của Thiều. Anh vẽ miên man, vẽ như để giải thoát chính mình khỏi sự chật hẹp của ngôn từ mà có những lúc thi ca không chuyển tải được. Điều khác biệt với những “tay chơi” ồn ào khác, Thiều đến với hội họa bằng một bản lĩnh nghệ thuật đích thực, lặng lẽ, không khoa trương và coi hội họa như một cuộc chơi nghiêm túc. Bởi vậy, tôi cũng không bất ngờ khi có nhiều người thích thú khi xem tranh của Thiều và đặt mua với giá khá cao.

 
Vẽ chán một hồi rồi bỏ đi làm báo. Làng báo phía Bắc từng nhiều phen nức nở trước những “độc chiêu” của Thiều khi anh cùng Hữu Ước dựng tờ An ninh thế giới cuối tháng và gần đây nhất là tờ Cảnh sát toàn cầu. Mới đây, Thiều rỉ tai “bật mí” cho tôi biết, anh và cộng sự làm tờ Cảnh sát toàn cầu đang có trong tay gần chục cân micro phim, chụp các tài liệu từng được các tướng lĩnh cao cấp của Mỹ coi là “tuyệt mật” về cuộc chiến tranh VN hơn 30 năm trước đây.

Làm báo, vẽ tranh, làm thơ, viết truyện, viết kịch bản phim... ở lĩnh vực nào, Thiều cũng gây được ấn tượng độc đáo. Nhưng tôi biết, trong sâu thẳm bản ngã sáng tạo nghệ thuật của mình, Nguyễn Quang Thiều vẫn coi thơ là “miền đất thánh” và anh luôn luôn hướng đến những tìm tòi nhằm cách tân thơ Việt. Theo tôi, bản chất của sự cách tân, đổi mới thơ không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật, cấu trúc của ngôn ngữ thơ, mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ.

Trong rất nhiều thế kỷ qua, các trường phái thơ lớn trên thế giới qua mỗi thời kỳ đều hướng tới sự tìm tòi và cách tân thơ. Điều khác biệt (và khu biệt nhất) để có thể nhận ra được các nhà thơ cách tân của mỗi thời đại có gương  mặt thơ khác nhau như thế nào chính là ở nội dung đời sống trong thơ họ ở thời đại ấy đã được phản ánh, khắc họa trong một trường thẩm mỹ nào. Theo tôi, Nguyễn Quang Thiều và một số nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 đã hướng đến những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại.

 

Những bức tranh của Nguyễn Quang Thiều - Ảnh chụp lại

Thơ của họ vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và, trong trường thẩm mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái rất tầm thường, nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hằng ngày.

Gợi mở không gian đa chiều

Biết nhau đã nhiều năm và quý mến nhau, tuy ít khi gặp gỡ, nhưng mỗi lần ngồi trò chuyện với Nguyễn Quang Thiều về thi ca, tôi vẫn có một cảm giác lạ, hình như con người thơ trước mặt đang tích tụ trong mình một năng lượng sáng tạo khá lớn. Nó có thể truyền dẫn, tỏa sóng sang bạn thơ (người đối thoại) một khát khao đổi mới thi ca và đánh thức trong ta một tiềm thức hoặc một cái gì đấy đang ngủ quên.

Đôi khi gặp nhau, Thiều thường đọc cho tôi nghe những sáng tác mới nhất của anh, phần lớn là thơ dài. Một giọng thơ trầm ấm cất lên giữa bốn vách tường bề bộn sách vở. Một giọng thơ lực lưỡng trên cánh đồng chữ nghĩa. Có cảm tưởng, khi đọc thơ, Thiều giống như một nhà truyền giáo. Bộ ria rậm rạp, ánh nhìn nóng rực, chất chứa. Lúc ấy, những câu thơ chuyển động trong con người anh, luôn tỏa ra một khát khao sáng tạo không bờ bến để vượt qua bóng tối, cái bóng tối hữu hình và vô hình đang định nuốt chửng những câu thơ như trong bài thơ sau đây của anh: Bóng tối nuốt chửng dòng chảy mọi con sông/Tôi sợ hãi bởi ý nghĩa này/Chúng ta mang cảm giác bị xóa mất khỏi thế gian trong sự lãng quên/Nhưng không phải lãng quên mà sự lặng im/Chúng ta từng hoảng loạn và bỏ chạy/Từ nơi chốn cuối cùng ngước lên và thấy những cái cây vút thẳng, câm lặng ý chí vĩnh hằng/Với những bước chân trong nghi lễ trọng đại/Tôi bước tới cái cây đời sống/Mọc vượt qua bóng tối/Tán lá vĩ đại tỏa sáng/Chúng ta ngỡ bóng tối chứa đầy vũ trụ/Thực ra chỉ mỏng như màng mắt người mù/Và chỉ cần bước thêm một bước/Chúng ta sẽ sáng lên sau những hãi hùng.

Sinh năm 1957 ở Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Tây, làm báo tại Hà Nội, viết văn xuôi và thơ, Nguyễn Quang Thiều từng được trao nhiều giải thưởng văn chương. Những năm 1990, thơ VN đương đại bắt đầu có sự chuyển đổi lớn về mặt thi pháp và có thể nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đầu tiên, bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, đã xác lập một giọng điệu mới trong thơ Việt. Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn VN năm 1993 trao cho tập thơ Sự mất ngủ của lửa chính là sự ghi nhận những tìm tòi, đổi mới thơ của anh cho nền văn học hiện đại. Đến nay, anh đã xuất bản 7 tập thơ, 15 tập văn xuôi và 3 tập sách dịch. Tập thơ mới nhất của anh, Cây ánh sáng (NXB Hội Nhà văn 2009) đang thu hút sự chú ý của dư luận và giới phê bình.

Những câu thơ hiện đại như thế có sức hàm chứa và mở ra nhiều hướng tiếp cận tùy theo sự liên tưởng đồng cảm của mỗi một độc giả thơ. Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, ta có cảm giác vừa đi qua một cánh rừng thi ca rậm đặc, trong bóng đêm ẩm ướt của những câu thơ đang tuôn trào như một sự hối thúc ám ảnh. Thơ của anh như một bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, ý tưởng và suy ngẫm cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Nguyễn Quang Thiều đã âm thầm khắc họa bằng cảm xúc, bằng những liên tưởng thơ để tìm ra cách nói riêng bằng ngôn ngữ hình ảnh đặc thù mà chỉ thơ mới có được.

Khá nhiều bài thơ của anh đều phát xuất, khơi gợi và mở đầu bằng những hình ảnh. Qua sự mô tả ấy, anh đi tới lối khái quát tư duy bằng hình tượng để gợi mở không gian đa chiều của thơ qua ngôn ngữ hình ảnh mà đoạn thơ dưới đây là một biểu đạt: Không thể nào tìm được người quen trong đêm nay/Tôi bò qua bậc cửa nhà mình/Con gián xòe cánh bay/Chuyến vận hành mung lung mang theo ổ trứng/ Vệt chói sáng ghê rợn và kỳ thú/Càng xa... càng gắt... càng tê liệt/Những rễ cây đang ân ái dưới đất nâu/Sự ân ái phì nhiêu và rụng lá/ Nhân loại bày ra trong giấc ngủ mộng mị/Càng mơ càng cuống bước chân/ Không có bậc cửa nào cho tôi bò qua/Những con sâu những vệt sáng ngần chảy từ gốc lên cành/Chúng ngoan ngoãn liếm trăng trên những chiếc thìa lá mạ bạc/Lũ trẻ còng queo ngủ/Những dãy số đánh lừa và phản bội chúng/Trong mơ chúng có liếm trăng trên vòm lá kia không?/Sự cấu tạo trăng, sự cấu tạo côn trùng, sự cấu tạo người/ Sự cấu tạo nào nhiều máu hơn, sự cấu tạo nào nhiều bóng tối hơn/Tội ác khe khẽ bế từ thiện ngủ mệt mỏi sang giường người khác/Cơn mơ bàn chân trần tướp máu/Đi trên những mảnh chuông vàng thánh thót/Ngân trong cái lưỡi trăng chói sáng và sắc lẻm/Lách vào hư vô nhựa chảy ròng ròng”.

Có lần ngồi nói chuyện với nhau ở Báo Văn Nghệ, tôi bảo Nguyễn Quang Thiều rằng: “Trông anh giống như một con lạc-đà-thơ, đang cõng một cơn khát thơ trên lưng, để đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn có tên là sa mạc thơ. Khi ấy, Nguyễn Quang Thiều có rất vẻ tâm đắc và nói với tôi: “Mỗi người thơ chúng ta đều là một con lạc đà thơ vĩ đại đi tìm mỗi hạt cát thi ca trên cái sa mạc âm u toàn thơ và cát bỏng, chúng ta sẽ chìm dưới cát trước khi chúng ta vượt lên trên cát bằng cơn khát thi ca ấy”.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.