Trong những ngày qua, lượng bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện (BV) Mắt TPHCM do đau mắt đỏ gia tăng. Bình quân mỗi ngày, trong tổng số gần 2.000 bệnh nhân đến khám tại đây thì lượng bệnh đau mắt đỏ chiếm đến 30%, trong đó đa số là học sinh.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc BV Mắt TPHCM, cảnh báo nếu không thận trọng thì bệnh đau mắt đỏ có thể phát triển thành dịch vì đây là một bệnh phổ biến, dễ lây lan.
Bệnh dễ lây do viêm siêu vi
Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc, trong đó, mắt đỏ là một lý do thường khiến cho bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế. Theo bác sĩ Lê Thị Thanh Xuyên, Phó Giám đốc BV Mắt, có những bệnh nhân đau mắt đỏ bị những biến chứng, di chứng tuy hiếm gặp nhưng đôi khi rất nặng nề.
Viêm kết mạc có thể do nhiễm khuẩn, do gió bụi, ánh sáng, sức nóng, chất hóa học hay do dị ứng như thuốc, lao, côn trùng, theo mùa...
Tuy nhiên, viêm kết mạc gây thành dịch thường do yếu tố siêu vi trùng gây nên (chủ yếu là Adenovirus), rất dễ lây lan với những triệu chứng phát triển nhanh và rầm rộ, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc của người bệnh. Đó là những trường hợp thường kèm theo tổn thương giác mạc.
Thường bệnh sẽ lui sau 1 - 2 tuần không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không biết chăm sóc hoặc không được quan tâm đúng mức, bệnh sẽ kéo dài kèm theo những biến chứng gây giảm thị lực.
Tại BV Nhi Đồng 1 TPHCM, trong số bệnh nhi đến khám do đau mắt đỏ thì 90% là viêm kết mạc, trong đó 50% là viêm kết mạc cấp tính.
Theo bác sĩ Trần Châu Thái, BV Nhi Đồng 1, nguyên nhân bệnh thường gặp là siêu vi trùng. Ban đầu, bệnh có biểu hiện: ngứa, đỏ mắt, chảy nước mắt hoặc dịch nhầy. Sau đó, bội nhiễm thêm vi trùng nên mắt có nhiều ghèn hoặc mủ.
Nên cách ly người bệnh
Bác sĩ Lê Thị Thanh Xuyên cho biết bệnh xuất hiện thường đột ngột cấp tính đau một mắt hoặc hai mắt cùng lúc. Lúc đầu, mắt thường không đau hoặc chỉ thấy khó chịu, cảm giác cộm, xốn như có dị vật trong mắt.
Thị lực không giảm và thường nổi hạch trước tai. Vài ngày sau, mí mắt có thể sưng húp, có nhiều ghèn. Khi có cảm giác đau nhức mắt kèm theo tình trạng nhìn thấy hơi mờ như qua màn sương là đã có tổn thương giác mạc, những biến chứng bắt đầu xuất hiện.
Việc điều trị chủ yếu là cách ly người bệnh như nghỉ làm việc, nghỉ học, tránh tham gia sinh hoạt nơi đông người nhằm hạn chế lây lan cho người khác, dùng thuốc nhỏ mắt riêng. Ngoài ra, nên vệ sinh mắt, cần phải rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc mắt, vệ sinh mắt sạch sẽ, không để ghèn bám dính nhiều ở bờ mi mắt, không xả giấy lau ghèn mắt bừa bãi...
Viêm kết mạc có tính chất lây lan rất nhanh, đặc biệt là nơi tập trung đông người như trường học, ký túc xá... thông qua tay (bắt tay...), dùng chung thuốc nhỏ mắt, qua đường hô hấp... Do đó, cần chú trọng việc phòng ngừa, mỗi người phải ý thức tự bảo vệ cho mình và cho cộng đồng.
Tuyệt đối không tự điều trị theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn khi có dấu hiệu biến chứng. Tuyệt đối không tự điều trị bằng những loại thuốc nhỏ mắt có chứa hoạt chất corticosteroid khi không có ý kiến của bác sĩ.
Những loại thuốc nhỏ mắt thông dụng trên thị trường có chứa corticosteroid như: Dexacol, Neodex... có thể gây hại cho mắt nếu như không được thầy thuốc nhãn khoa điều trị.
Nhiều trẻ bị đau mắt đỏ K.Hương |
Nhất Phương
Bình luận (0)