Tính đến quý 3 vừa rồi, khi tín hiệu giảm giá trên thị trường bất động sản bắt đầu chững lại thì riêng ở mảng căn hộ dịch vụ, giá thuê vẫn tiếp tục mức giảm khá mạnh, trung bình khoảng 4,3% ở tất cả các hạng mục. Trong đó, giảm mạnh nhất vẫn là phân khúc căn hộ dịch vụ hạng A, giảm tới 10%, chỉ còn 29,1 USD/m2/tháng.
Giá giảm nhưng lượng khách thuê ở các khu hạng A cũng giảm mạnh, tỷ lệ diện tích trống đã tăng lên 26% trong quý vừa rồi do khách hàng dời đến các căn hộ dịch vụ rẻ hơn hoặc đến các căn hộ mua cho thuê. Chủ một cao ốc hạng A tại Q.1 (TP.HCM) cho biết, đối tượng khách hàng chính của cao ốc này là du khách người Nhật, Hàn… Những khách du lịch này thích không khí gia đình khi đi du lịch nên thay vì ở khách sạn, họ thích ở các căn hộ dịch vụ để có thể tự đi chợ, nấu các món ăn theo ý thích của mình và giá thuê cũng mềm hơn so với ở khách sạn.
Tuy nhiên, lượng khách hằng ngày càng giảm xuống và số ngày thuê căn hộ cũng giảm khá mạnh. “Suy thoái kinh tế, đi du lịch họ cũng tiết kiệm tiền ở. Thay vì ở căn hộ hạng A, họ chuyển sang căn hộ hạng B, hạng C. Đó là chưa kể đến chuyện các cao ốc căn hộ dịch vụ chuyên nghiệp đang phải cạnh tranh quyết liệt với căn hộ mua cho thuê ở rải rác khắp nơi. Thuê các căn hộ kiểu này, chỉ vài trăm USD/tháng và cũng đầy đủ tiện nghi”, vị chủ đầu tư này nói.
Theo một chuyên gia bất động sản tại TP.HCM, các chủ đầu tư căn hộ dịch vụ tại TP.HCM đang nỗ lực hết mình trong việc tìm kiếm khách hàng. Họ đã linh hoạt hơn trong thời gian cho thuê, cung cấp các hợp đồng cho thuê ngắn hạn theo tuần, thậm chí theo ngày để tăng doanh thu. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt đang tăng lên từ sự phục hồi của căn hộ bán với nhiều căn hộ mới được cung cấp từ các dự án mới. Điển hình như dự án Intercontinental Asiana Saigon Residences vừa mới đưa vào sử dụng đầu tháng 9 vừa qua với 260 căn hộ hạng A từ 1- 3 phòng ngủ. Dự án này khiến tỷ lệ căn hộ trống trên thị trường tăng cao.
Không quá nhiều nhưng thị trường căn hộ dịch vụ (tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung) lại đối mặt với việc ế khách và mất giá trầm trọng. Vấn đề đặt ra là, thị phần này kỳ vọng vào điều gì? Chủ cao ốc trên cho biết, điểm mạnh của cao ốc dịch vụ là linh hoạt về thời gian trong khi các căn hộ mua cho thuê của các nhà đầu tư cá nhân không “chuộng” kiểu cho thuê ngắn ngày. Ưu điểm thứ 2 là các cao ốc dịch vụ được xây dựng với mục đích cho thuê ngay từ đầu nên có các dịch vụ tiện ích cho khách thuê. Ưu điểm thứ 3 là tại các cao ốc dịch vụ thì dân cư đều là khách hàng nên ít có sự va chạm về lối sống, về sinh hoạt hay bất đồng về văn hóa, nếp sống… Trong khi đó căn hộ mua cho thuê tại các cao ốc khác thì phức tạp hơn khiến người nước ngoài có tâm lý “ngại”. Với các ưu điểm ấy, hầu hết các cao ốc dịch vụ đều đang kỳ vọng vào sự gia tăng số lượng khách từ các hợp đồng lao động ngắn hạn giữa các công ty với các chuyên gia nước ngoài thay vì khai thác khách du lịch thuần túy như hiện nay.
Với kỳ vọng trên, các chủ đầu tư Việt Nam có tầm nhìn dài hạn đang nhắm đến thị trường căn hộ dịch vụ hạng A, B. Thị phần từ trước đến nay vẫn thuộc về các công ty nước ngoài hoặc liên doanh giữa nước ngoài và đối tác Việt Nam.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)