Họ đến đây bằng nhiều con đường và trong những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều là những con người năng động, có nhiều đóng góp cho quê hương mới trong khi trái tim vẫn không ngừng hướng về cố hương.
Giữa Copenhagen xa lạ, tôi đã có dịp gặp lại người quen. Đó là những người bạn thời đại học. Mười năm chỉ liên lạc với nhau qua internet, thi thoảng có điện thoại, giờ họ đã là người Đan Mạch thực thụ, với tư duy rất phương Tây, nhưng tâm hồn vẫn thuần Việt.
Tình yêu đã kéo Lê Thị Hiền khỏi phố cổ Hội An để đến xứ lạnh Copenhagen. Sau 7 năm sống trên đất khách, Hiền giờ đây đã là một người mẹ của hai đứa trẻ, sống trong một căn hộ với anh chồng kỹ sư địa chất - anh Gert. Hiền cho biết cuộc sống nơi đây khá thoải mái, với chế độ phúc lợi tốt. Mỗi năm cô có một tháng nghỉ phép hưởng lương cùng khoản tiền đi du lịch. Thời gian nghỉ hậu sản trung bình là một năm. Chữa bệnh thì không mất tiền. Lỡ có thất nghiệp cũng có trợ cấp. Chế độ phúc lợi này đã giúp Đan Mạch dẫn đầu thế giới trong các bảng xếp hạng về bình đẳng thu nhập. Cuộc sống thoải mái, nhưng nỗi lòng thì vẫn luôn nhớ về quê hương.
“Hồi mới sang bạn có nhớ Việt Nam không?”, tôi hỏi. “Nhớ chứ. Nhớ tái tê”, Hiền trả lời. “Bây giờ cũng còn nhớ nữa. Có khi nằm mà nhớ hương vị ngào ngạt của nồi bún bò trước ngõ. Thèm đến chảy nước miếng”. Nhớ, nên Hiền thường làm các món ăn Việt Nam như mì Quảng, bún bò Huế, bò kho để sưởi ấm lòng mình nơi xứ lạnh. Hôm chúng tôi đến Copenhagen, Hiền đã mời cả đoàn nhà báo Việt Nam đến nhà ăn một bữa tối đậm đà hương vị quê hương, với nem rán, bún, bò kho và thật nhiều rau.
Tình yêu cũng là cục nam châm hút Lê Quyên Nhi khỏi xứ Huế mộng mơ để đến thành phố Roskilde kế cận Copenhagen. Giờ đây, hai vợ chồng Nhi đều làm công tác nghiên cứu và quản lý tại các trường đại học danh tiếng ở Copenhagen. “Nước Đan Mạch tuyệt vời quá”, tôi nói. “Ừ, ở đây môi trường tuyệt vời. Các vấn đề như giáo dục, phúc lợi đều tuyệt. Nhưng có những cái mình cũng khó quen”, Nhi nói. Cô giải thích thêm rằng ở Việt Nam, bạn bè, đồng nghiệp thường quan tâm tới cuộc sống riêng tư của nhau, còn ở Đan Mạch, người nào biết việc người nấy. “Nên đôi lúc mình thấy tình cảm nó nhàn nhạt thế nào ấy”, Nhi nói thêm. Và dường như cô muốn làm một cuộc cách mạng văn hóa thì phải. “Ở đây con cái ít có thói quen thăm cha mẹ già thường xuyên. Thật lâu lắm mới có một dịp. Sau khi sang đây, mình luôn giục ông xã về thăm cha mẹ. Và anh ấy cũng dần quen với điều này”, Nhi nói.
|
Có một số “xung đột” nơi miền đất mới, mà giờ đã là quê hương, những người Việt ở Đan Mạch đôi khi cũng “xung đột văn hóa” với chính cố hương mình. Chẳng hạn, cả Hiền và Nhi đều cảm thấy rất khó giải thích cho người ở quê hiểu vì sao họ chỉ đi lại bằng xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng. Ở Đan Mạch khá lâu, ở họ đã hình thành “tư duy xe đạp”. Mục tiêu cuộc sống của họ không phải là nâng cấp từ xe đạp lên xe gắn máy rồi chuyển qua xế hộp như ở Việt Nam mà là một cuộc sống chất lượng, chan hòa với môi trường, hấp thu một nền giáo dục tốt... Hiền và Nhi là lớp người mới sang Đan Mạch trong những năm gần đây. Lớp người này thực ra chiếm tỷ lệ rất ít, đa phần người Việt Nam ở xứ sở nàng tiên cá hiện đều đã tới định cư từ cuối thập niên 1970 và thập niên 1980.
Ở Copenhagen, Lê Lê Nhà Hàng là một địa chỉ khá nổi tiếng về ẩm thực Việt Nam. Trong bản hướng dẫn gửi cho chúng tôi, Bộ Ngoại giao Đan Mạch có ghi cả địa chỉ của nhà hàng này để chúng tôi có thể ghé tới khi rảnh rỗi. Báo chí Đan Mạch cũng thường xuyên giới thiệu về Lê Lê Nhà Hàng. Chủ nhà hàng thuộc lớp những người đến châu u đã lâu. Vượt qua những tháng ngày đầu đầy gian khó nơi đất khách, họ xây dựng được cuộc sống chất lượng nơi miền đất lạ. Lê Lê Nhà Hàng có đủ các món ăn mà đọc tên lên người ta dễ tưởng rằng mình đã trở về Việt Nam để thưởng thức một bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các món đều đã được “cải biên” rất nhiều.
Cộng đồng người Việt ở Đan Mạch, dù đến đây trong hoàn cảnh và vào thời điểm nào, vẫn luôn quan tâm theo dõi tình hình ở quê nhà với tấm lòng luôn hướng về quê hương. Hồi tháng 9, Việt kiều Đan Mạch đã thông qua Ủy ban Người Việt ở nước ngoài ủng hộ cho đồng bào bị lũ lụt ở quê nhà 7.000 USD. Thạc sĩ Lê Quyên Nhi, cán bộ phụ trách dự án hợp tác nghiên cứu của Đại học Công nghệ thông tin Copenhagen, cho biết trường của cô đang đẩy mạnh các chương trình hợp tác với các nước. “Hiện trường đã hợp tác với một trường đại học ở Trung Quốc nhưng chưa có đối tác nào của Việt Nam. Tôi rất mong muốn xây dựng quan hệ với các trường đại học, trung tâm phần mềm của nước mình. Tôi đang tìm hiểu năng lực của một số đối tác”, cô nói.
Và tôi biết, trong mong muốn hợp tác của Nhi, có tấm lòng luôn hướng về quê hương của một người Việt xa xứ.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)