Nghĩa tình máu hiếm
Chị Trần Thị Quốc Hương nhớ lại vào tối 24 Tết Nguyên đán năm 2008 chị đau bụng và có dấu hiệu sinh, người nhà cấp tốc đưa vào Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Trải qua hơn hai ngày theo dõi sát của các y bác sĩ cùng với những cơn đau quặn thắt người, đến ngày thứ ba, sau khi hội chẩn các bác sĩ thông báo chị phải sinh mổ. Thế nhưng, ngặt một nỗi chị Hương lại mang nhóm máu cực hiếm O (Rh-). Tất cả người nhà của chị Hương được điều động đến bệnh viện để thử máu nhưng không ai có cùng nhóm máu (Rh-) như chị. Nguồn máu trong bệnh viện cũng không có loại máu tương thích.
Thật là tiến thoái lưỡng nan, trong khi chưa có nguồn máu tương thích với bệnh nhân nên các bác sĩ không thể đưa chị Hương lên bàn mổ. Ban giám đốc Bệnh viện Nhân Dân Gia Định gọi điện và fax văn bản cầu cứu cấp tốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM nhờ hỗ trợ nguồn máu hiếm. Nhưng lại đúng vào ngày 28 tết nên nguồn máu khó tìm. Những thành viên trong Câu lạc bộ Máu hiếm TP.HCM đã tản mác về quê, nghỉ tết.
Người thân của chị Hương như ngồi trên đống lửa. Nguồn máu hiếm biết tìm đâu đây? Và cuối cùng may mắn cũng đến, bệnh viện đã liên hệ điện thoại được với một chị trong ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm. Mọi người mong ngóng sự phản hồi, trải qua một đêm dài với bao thao thức. Thế rồi hai thành viên trong Câu lạc bộ Máu hiếm nhà ở TP.HCM có cùng nhóm máu O (Rh-) sau khi nhận được điện thoại đã cấp tốc lên đường hiến máu cho chị Hương. Cuối cùng ca sinh mổ của chị Hương cũng thành công, thật may mắn mẹ tròn con vuông và không phải truyền máu như dự kiến.
“Trong lúc mình gặp khó khăn họ đã đến với mình. Lại ngay thời điểm cận tết, việc làm của họ là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng biết bao” - chị Hương xúc động nhớ lại. Chị cũng cho biết sau này nhiều lần chị tìm hiểu ai đã hiến máu cho mình nhưng chưa tìm ra, chưa gửi được lời cảm ơn đến ân nhân nên chị Hương vẫn áy náy trong lòng. Người làm ơn cho đi không cần trả ơn, nhưng người nhận luôn biết hàm ơn.
Và như là một việc làm trả nghĩa, sau này chị Hương đã tự nguyện tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm để có cơ hội giúp đỡ những bệnh nhân khác. “Khi nào có bệnh nhân cần tôi luôn sẵn sàng đi hiến máu. Đó cũng là một cách trả ơn những người đã giúp mình. Giúp người rồi khi mình cần sẽ có người khác giúp lại thôi” - chị Hương bộc bạch.
"Trong lúc mình gặp khó khăn, họ đã đến với mình. Lại ngay thời điểm cận tết, việc làm của họ là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng biết bao" - Chị Trần Thị Quốc Hương |
Hai mẹ con máu hiếm
Tình cờ một lần đến nhà người bạn tại quận Gò Vấp, TP.HCM chơi và được rủ đi hiến máu nhân đạo, chị Lưu Ngọc Dung mới biết mình có nhóm máu AB (Rh-). Hiến nhiều rồi thành quen, mỗi khi có bệnh nhân cần chị Dung lại quày quả nhờ con chở đi hiến tặng máu cứu người. “Mình chẳng có của cải gì để giúp người bệnh, thôi thì có chút máu hiếm trời ban hiến tặng cứu người làm phúc. Sau mỗi lần hiến máu, trên đường về trong người lại thấy phơi phới đầy sức sống. Niềm vui ban tặng lạ lắm, nó ngân dài hàng tháng trời. Đó cũng là việc làm để các con mình hiểu lẽ sống” - chị Dung chia sẻ.
Với quán nước nhỏ trên đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM, chị Dung xoay xở kiếm tiền nuôi mẹ già, chồng nghỉ việc mất sức và hai người con đang tuổi ăn học. Cuộc sống chẳng dư dả gì nhưng chị lại rất giàu lòng nhân ái, chỉ cần Câu lạc bộ Máu hiếm điện thoại cho biết có bệnh nhân cần máu hiếm chị lại lên đường. Kể từ ngày tham gia câu lạc bộ, chị Dung đã hiến máu 15 lần với gần 5 lít máu.
“Nghe mẹ kể về một số trường hợp bệnh nhân cần máu đáng thương như thế nào và qua những lần chở mẹ đi hiến máu nhân đạo, em nghĩ mình cũng nên làm như mẹ để giúp người” - Võ Phúc Thy, con gái chị Dung, tâm niệm. Ngày còn học phổ thông Thy mong mình mau đủ 18 tuổi để được đi hiến máu. Thy nghĩ giống như mẹ mình: “Hiến máu giúp nhiều người qua cơn bệnh tật, họ khỏe thì lòng mình cũng vui lây”.
Thế rồi, đúng sinh nhật của tuổi 18 vào năm 2006, không như các bạn cùng trang lứa tổ chức tiệc tùng, Thy chọn đi hiến hai đơn vị máu nhân đạo để kỷ niệm ngày sinh của mình. Và một tuần sau, thật bất ngờ, Trung tâm Hiến máu nhân đạo gọi điện thông báo Thy cũng có nhóm máu hiếm A (Rh-), một trong những loại máu hiếm như mẹ. Thế rồi từ đó Thy tích cực tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm và đã hiến máu liên tục chín lần, cho đi 2,6 lít máu.
Thy kể có lần em được điều đến thẳng Bệnh viện Nhi Đồng 2 để hiến 1,5 đơn vị máu gấp cho một em bé mổ tim. “Em đang ngồi đợi lấy máu thì có một người đàn ông dáng vẻ nông dân dẫn một cô bé trạc 10-12 tuổi đi tới trước mặt. Bác ấy bảo cô bé: Đây là người cho con máu đó, con khoanh tay cảm ơn cô đi! Cô bé lễ phép, khoanh tay, cúi đầu: Con mang ơn cô! Lúc đó em xúc động, nghĩ rằng mình sống mà được chia sẻ, cho đi thì lòng luôn cảm thấy thanh thản. Và chỉ vậy thôi là đủ rồi chứ không nghĩ mình phải được trả ơn”.
Trước khi nói lời cảm ơn, chúc Thy mạnh khỏe, bác nông dân còn nói với con gái: “Con ráng mau lành bệnh, chịu khó ăn, lớn nhanh để đi hiến máu làm phước như cô nghen!”. Và cô bé dạ một câu thật to. Niềm vui ấy khiến Thy và mẹ như có thêm lời động viên trên con đường hiến máu nhân đạo mang lại cuộc sống và niềm vui cho người khác.
Theo NGUYỄN ĐỨC TUYÊN/Tuổi Trẻ
--------------------
Bác sĩ Quân nhận được ba cuộc điện thoại cùng bản fax của các bệnh viện xin được hỗ trợ 7 đơn vị máu hiếm các loại. Bác sĩ Quân bật máy vi tính dò danh sách và nhấc điện thoại gọi. May quá, có đủ người cho máu các bệnh nhân rồi!
Kỳ tới: Ngân hàng máu hiếm
Bình luận (0)