Hai kịch bản gay cấn ở Phú Mỹ Hưng

18/10/2009 11:35 GMT+7

(TNTT>) Ngày 12-10, lãnh đạo UBND TP.HCM đã đồng ý với đề xuất của các ban ngành là cho phép Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng (PMH) đóng tiền sử dụng đất (TSDĐ) tại thời điểm ký hợp đồng mua nhà. Song, dù người mua nhà hay Công ty PMH đóng khoản tiền này, vẫn có hai kịch bản gay cấn xảy ra.

Kịch bản 1

Bà Nguyễn Hồng Hải,  Trưởng ban đại diện cư dân PMH, cho rằng dù UBND TP.HCM cho phép đóng TSDĐ tại thời điểm ký hợp đồng, nhưng khoản tiền này nhất thiết Công ty PMH phải đóng chứ không phải người mua nhà. “Các cư dân PMH vẫn hiểu đây là vấn đề giao dịch dân sự giữa người mua sản phẩm nhà đất tại khu đô thị này với chủ đầu tư là Công ty PMH. Do vậy, vấn đề không phải là đóng tiền vào thời điểm nào, mà vấn đề là ai phải đóng khoản tiền này”, bà Hải nhấn mạnh.

Nhiều cư dân PMH cho biết, họ mua nhà đã 5 năm qua, nhưng bây giờ Công ty PMH mới thông báo nộp hồ sơ đăng ký để được cấp chủ quyền nhà. Thông báo ghi rõ hạn chót nộp hồ sơ là ngày 15-10-2009, nếu ai không nộp hồ sơ thì sau này phải tự làm thủ tục cấp giấy. Trước khi được cấp giấy, Công ty PMH yêu cầu các cư dân chuẩn bị tiền để nộp TSDĐ. Chủ các căn hộ Sky Garden, Mỹ Khang, Mỹ Viên… nộp ít nhất là 400 triệu đồng/căn; các khu biệt thự hầu hết đều phải nộp từ 1-2 tỉ đồng; cá biệt, nhiều ngôi biệt thự tọa lạc trên các khu đất rộng, có thể phải nộp trên 2 tỉ đồng.

Khiếu nại của cư dân PMH bước đầu đã có kết quả, nhưng dù người mua nhà có đồng ý nộp khoản tiền này ở thời điểm ký hợp đồng thì một vấn đề vô cùng rắc rối sẽ xảy ra. Đó là rất nhiều trường hợp người dân ngụ tại khu đô thị này mua nhà lại từ nhiều người mua trước đó. Như trường hợp căn hộ khu phố Mỹ Viên của luật sư Phan Anh Dũng đã “chuyền tay” đến 5 người trước khi ông Dũng mua để ở. Ông Dũng cho biết, trong các trường hợp sang tên hợp đồng này, người mua cuối cùng không hề có bản hợp đồng của người mua đầu tiên, mà chỉ biết được người mua kế cận trước mình. “Tôi là khách hàng F, các khách hàng trước là A, B, C, D, E. Không biết nhà nước sẽ tính thuế tại thời điểm F ký hợp đồng hay là A ký hợp đồng. Nếu cho phép tính tại thời điểm A ký thì bây giờ tôi cũng không biết ông A ký hợp đồng với PMH lúc nào để tính TSDĐ”, Ông Dũng nói.

Ông Phạm Văn Võ, Phó trưởng khoa Luật thương mại, ĐH Luật TP.HCM: Phải bảo đảm sự công bằng

Chúng ta phải đặt trường hợp của PMH với những trường hợp tương tự khác, phải có cái nhìn mang tính toàn cục. Tôi có một người chị, vào năm 2007 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lúc đó, chị ấy đã chọn phương án nợ tiền sử dụng đất. Nay chuyển nhượng, đã phải nộp tiền theo giá đất của năm 2009. Khi nộp tiền, chị cứ tiếc mà nói rằng: Biết thế hợp thức hóa ngay thì tiền phải nộp chỉ bằng ½. Trường hợp của PMH cũng vậy thôi, muốn nộp tiền theo giá thấp thì tại sao không nộp sớm.

Theo SGTT

Kịch bản này còn khiến cho một vấn đề rắc rối khác xảy ra, đó là những người đã nộp TSDĐ theo thông báo của ngành thuế liệu có được thoái trả hay không? Và cho dù nhiều khách hàng không ký hợp đồng trong năm 2009 (là năm có giá đất cao nhất, từ khoảng 8-12 triệu đồng/m2) thì giá đất các năm trước cũng khá cao. Chẳng hạn như hầu hết người mua căn hộ Sky Garden 2 và 3 (khoảng 1.500 căn) đều ký hợp đồng trong năm 2008, lúc này giá đất cũng đã 5- 6 triệu đồng/m2. Liệu các cư dân mua nhà trong các năm gần đây có chịu nộp khoản tiền này hay vẫn cứ khiếu kiện dai dẳng để được có chủ quyền nhà?

Kịch bản 2

Là Công ty PMH phải nộp TSDĐ nếu như lập luận và sự đấu tranh về pháp lý của cư dân PMH thắng. Nếu việc này xảy ra, Công ty PMH phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong chiến lược kinh doanh của mình. Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty PMH, trình bày trong các văn bản gửi UBND TP.HCM vào ngày 6-10 vừa qua : “Hiện nay, có sự chênh lệch giá đất (theo bảng giá đất của UBND TP ban hành) rất lớn giữa khu đô thị PMH và các khu vực kế cận. Hầu hết các con đường nội bộ trong khu đô thị PMH đều có giá đất trung bình cao hơn từ 50-100% so với các tuyến đường khác tại quận 7”.

Ông Dũng dẫn ra ví dụ: Đường Huỳnh Tấn Phát - một trục đường huyết mạch của quận 7- có giá 8 triệu đồng/m2, trong khi các tuyến đường nội bộ Nguyễn Đức Cảnh, Bùi Bằng Đoàn ở khu PMH không liên thông với các địa bàn khác lại được “ấn” giá 12,1 triệu đồng/m2. Hoặc ở khu dân cư Vạn Phát Hưng, cách PMH một cây cầu dài 20m, giá đất chỉ 3,7 triệu đồng/m2, trong khi đó bên này cầu, tại đường 22 thuộc PMH giá đất lại được quy định là 9,9 triệu đồng/m2

Ông Bùi Thanh Sơn, một phó tổng giám đốc khác của Công ty PMH, thừa nhận: “Giá đất quy định quá cao đã ảnh hưởng khá nhiều đến chiến lược kinh doanh của Công ty PMH. Nếu UBND TP.HCM không xem xét ổn định lại giá đất thì với các dự án sau này, dù người mua nhà hay Công ty PMH trả TSDĐ đều khiến cho giá nhà đất ở PMH tăng quá cao, gây bất lợi về tính cạnh tranh của PMH trên thị trường”.

Bình luận về chuyện tăng giá đất ở PMH, ông Nguyễn Lam Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Niềm Tin Việt (Vinatrust) cho rằng, giá nhà đất tại PMH bây giờ đã cao, nếu sau này cộng thêm hơn 10 triệu đồng/m2 TSDĐ nữa thì người mua nhà sẽ rất ngán ngại khi đến với các sản phẩm của PMH.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.