Sở dĩ được gọi là bán nhân bản bởi Holly không hoàn toàn được tạo ra từ 100% tế bào gốc. Ba nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã biến đổi tế bào phôi gốc thành tế bào đơn bội, tương tự như tinh trùng. Tế bào này sau đó được kết hợp với một tế bào trứng bình thường và phát triển thành phôi bán nhân bản. Holly được báo cáo hiện vẫn sống khỏe mạnh và sinh sản bình thường.
Tính đột phá của công trình chính là tạo thành công tế bào chỉ mang một nhiễm sắc thể duy nhất từ tế bào gốc. Khác với phương pháp nhân bản trước đây, như cừu Dolly, bán nhân bản cho ra thế hệ sau không hoàn toàn giống như thế hệ được nhân bản. “Chúng ta thậm chí không thể đoán được kết quả sẽ là con đực hay cái” - trưởng nhóm nghiên cứu Hong Yunhan khẳng định.
Khả năng ứng dụng mở rộng của kết quả này là rất cao, đặc biệt trong điều trị vô sinh ở người. Cụ thể như đối với một cặp hiếm muộn do người chồng có vấn đề về tinh trùng, các bác sĩ có thể nhân bản tế bào gốc từ các cơ quan khác của người chồng và cho kết hợp với trứng của người vợ.
Tuy nhiên, cần thêm ít nhất 10 năm để hoàn thiện trước khi kỹ thuật này có thể áp dụng trên người. Công trình kéo dài năm năm của nhóm nhà khoa học Singapore tiêu tốn hơn 1 triệu USD và dự kiến cần hơn 7 triệu USD nữa để phát triển.
Theo Trần Phương / Tuổi Trẻ
(Nguồn: CNA)
Bình luận (0)