Ngộp thở!
Trong bài viết Vì sao học sinh bỏ học? (Thanh Niên số ra ngày 12.9.2009), chúng tôi phản ánh ước mơ đơn sơ mà đáng suy ngẫm của một số nữ sinh xã An Thới Đông, H.Cần Giờ, TP.HCM. Trong đó, một em bộc bạch: “Em rất thích đi xe đạp đến trường nhưng đường sình lầy, bùn đất văng đầy áo trắng. Đi xe đưa rước HS thì hay chen lấn, đứng rất mỏi chân!”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Toàn - Hiệu trưởng trường Tiểu học Doi Lầu (H.Cần Giờ) cho biết: Tổng số HS của trường là 237 em, trong đó có từ 180 - 200 HS đăng ký đi học bằng xe đưa rước. Toàn trường chỉ có 2 chiếc xe loại 25 chỗ ngồi nên trung bình mỗi ngày 2 xe này phải chạy tới chạy lui đến 12 lượt mới có thể chở hết HS. Tình trạng chen lấn thường xuyên diễn ra do HS cứ tranh giành nhau để được về trước. “HS được trợ giá hoàn toàn, tại sao còn phải đóng 10 ngàn đồng/em/học kỳ để mua thẻ xe? Số tiền này dùng để làm gì?” - chúng tôi thắc mắc. Ông Nguyễn Văn Toàn giải thích: “Mua thẻ là để xác định số HS đi xe để nhà xe có trách nhiệm quản lý HS trên xe; rồi chi phí đi lại, bàn bạc với nhà trường... Theo nguyên tắc, nhà xe nhận toàn bộ số tiền này. Nhưng trên thực tế, bên đó cũng trích lại 50% cho nhà trường làm chi phí hoạt động”.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng - Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng dự kiến số HS đăng ký đi xe đưa rước trong năm học này tương đương năm ngoái, tức có ít nhất 147 trường tham gia với 30.279 HS (khu vực ngoại thành khoảng 10.506 HS), khoảng 442 xe. |
Cảnh tan học ở trước cổng trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè) cũng khá lộn xộn do khu vực này có 2 trường cạnh nhau, giờ tan học chỉ cách nhau 15 phút. Đó là trường THPT Long Thới và trường THCS Hai Bà Trưng. Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh HS chen lấn nhau để được lên xe. Mấy chiếc xe 30 chỗ ngồi trong chốc lát đặc kín, HS đứng chen chúc, thậm chí có HS do ngộp quá phải thò đầu ra cửa sổ để... thở. Theo ghi nhận của chúng tôi, do nhiều xe không có phụ xe nên HS cứ mặc sức chen lấn. Ông Nguyễn Xuân Khoái, Hiệu trưởng trường THPT Long Thới cho biết: “Năm học này, có 556 HS đăng ký đi xe đưa rước, tùy vào tuyến đường xa hay gần mà HS đóng từ 10 ngàn - 40 ngàn đồng/em/học kỳ. Do 2 trường gần nhau, số lượng HS quá đông lại đi chung xe (do hợp đồng chung một doanh nghiệp) nên chúng tôi cũng không nắm được số lượng xe của trường. Mặt khác, có HS không đăng ký cũng lên được xe nên không thể quản lý được!”.
Khó đảm bảo an toàn
Vẫn biết có tình trạng lộn xộn, quá tải trên xe đưa rước HS vào giờ tan trường nhưng ban giám hiệu trường THPT Long Thới gần như bất lực do... không đủ nhân lực. Ông Nguyễn Xuân Khoái - Hiệu trưởng trường THPT Long Thới thừa nhận: “Với tình trạng quá tải như hiện nay rất khó đảm bảo an toàn cho HS khi đi xe đưa rước. Biết là vậy, nhưng trường không đủ người để giám sát!”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Doi Lầu - Cần Giờ thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi thấy xe còn chật, chưa như ý mình, các xe thường chở quá quy định”. Theo ông Toàn, để việc đưa rước đảm bảo an toàn, đạt yêu cầu về chỗ ngồi, nhà trường cần thêm từ 1 - 2 chiếc xe nữa.
Trả lời Thanh Niên về những tồn tại nói trên, ông Phạm Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM nói: “Trong năm học 2008 - 2009, trung tâm có nhận được phản ảnh về vấn đề này của các trường trên địa bàn H.Cần Giờ. Trung tâm đã làm việc với các trường và doanh nghiệp có liên quan để có biện pháp chấn chỉnh. Khi các doanh nghiệp để xảy ra tình trạng nêu trên, đề nghị các trường có thể yêu cầu trực tiếp doanh nghiệp xử lý hoặc thông báo kịp thời về trung tâm”. Ông Đức cũng khẳng định, trong năm học 2009-2010, trung tâm tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp lưu ý đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
Phi Loan - Như Lịch
Bình luận (0)