Nam bị nhiều hơn nữ
Có 3 loại rận sống ký sinh trên cơ thể người, chúng được gọi tên theo vị trí sinh sống và gây bệnh, đó là rận đầu hay là chí (chấy); rận thân và rận mu (còn gọi là rận cua, do hình dáng giống con cua). Rận mu là loại gây bệnh phổ biến, gặp mọi nơi trên thế giới, nam nhiều hơn nữ, đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục; ngủ chung giường; sử dụng chung khăn hoặc đồ lót với người bệnh. Rận mu cũng có thể được tìm thấy ở những vùng có lông khác trên cơ thể như nách, lông mày, lông mi, râu. Do rận có kích thước nhỏ (1 - 2 mm) và có màu sắc thay đổi, gần tiệp màu da, bằng mắt thường khó nhìn ra.
Phải trị cho cả bạn tình
Biểu hiện là ngứa vùng bẹn, mức độ thay đổi tùy từng người. Khi ngứa nhiều, việc cào gãi tạo ra các vết xước là cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập. Lúc này, vùng bệnh trở nên sưng nề và có thể kèm nổi hạch bẹn. Ở vùng da bệnh, xuất hiện các đốm đỏ như mề đay, là chỗ rận hút máu (đặc biệt là quanh rốn), có thể có các bóng nước, mảng da dày nếu bị ngứa lâu làm bệnh nhân gãi nhiều, các mảng da hơi xám, xanh xám hoặc thâm, kích thước từ 0,5 - 1 cm.
Bố mẹ bị rận mu có thể lây rận sang con cái, trẻ bị rận ở lông mi hoặc lông mày. Điều này gây cho các cháu cảm giác rát bỏng ở mắt và vùng mi có thể bị đỏ lên.
Về điều trị, bệnh rận mu được xem là một trong những bệnh lây qua đường sinh dục, do đó nhất thiết phải trị liệu cùng lúc cho người bạn tình và cần được tầm soát các bệnh lây qua đường sinh dục khác như giang mai, lậu... (vì có khả năng bị nhiễm đồng thời). Trị rận mu tương tự như trị ghẻ, bằng cách bôi các thuốc diệt côn trùng lên các vùng có lông như bẹn, nách (nhưng không được cho vào trực tràng hoặc âm đạo), hay dùng dầu gội giống như dầu gội trị chí, sau đó rửa sạch lại. Người bệnh không nhất thiết phải cạo lông ở các vùng này. Bên cạnh đó, quần áo, khăn, drap giường của người bệnh dùng 3 ngày trước đó cần được luộc nước sôi hoặc giặt ủi, sấy nóng.
BS Võ Thị Bạch Sương
Bình luận (0)