Thuế Carbon bước tiến mới vì một hành tinh xanh

22/10/2009 13:37 GMT+7

(TNTT>) Thời gian gần đây, thuế carbon là một chủ đề được bàn luận sôi nổi ở các nước châu u. Pháp sẽ chính thức áp dụng thuế này từ năm 2010, Đức dự trù cho năm 2012, một số nước Bắc u đã áp dụng từ năm 1990

Thuế carbon đang được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng trái đất nóng dần lên. Thuế carbon ra đời nhằm hướng người dân cùng các thành phần kinh tế tới thói quen tiết kiệm và hạn chế các loại năng lượng có nguồn gốc từ những mỏ thiên nhiên (dầu hỏa, khí đốt, than đá…). Sử dụng các loại năng lượng này sẽ làm thải ra khí CO2, một trong những nhân tố chính làm tăng hiệu ứng nhà kính. Các nhà chuyên môn cho rằng những phí tổn về môi trường do những loại năng lượng này gây ra cần được tính vào giá trị thương mại của chúng trên thị trường qua một loại thuế cụ thể.

Ứng viên sáng giá thời hậu Kyoto

Thuế carbon có thể xem là “hậu sinh” của nghị định Montreal (hạn chế các chất hóa học làm nguy hại đến tầng ozon) và nghị định thư Kyoto (hiệp ước quốc tế gia giảm các khí thải nhà kính). 20 năm trước đây, nếu không có nghị định Montreal khiến các chất hóa học như chlorofuorocarbones (CFC, thường được sử dụng để chế tạo tủ lạnh) dần bị loại bỏ thì định mức của các chất ấy trong bầu khí quyển vào năm 2050 sẽ cao gấp 10 lần, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe (20 triệu người có nguy cơ bị ung thư da, phát sinh nhiều bệnh về mắt và hệ miễn dịch…).

Thông tin thêm

• Người Mỹ phung phí năng lượng nhất với lượng khí CO2 trên đầu người là 19,1 tấn/năm, kế đến là Canada với 17,3 tấn/năm, Nga 11,2 tấn/năm, Trung Quốc tuy chỉ 4,57 tấn/năm nhưng với dân số đông nhất thế giới, Trung Quốc hiện là “mảng đen” về môi trường.

• Một số biện pháp tiết kiệm năng lượng đơn giản: khi lái xe, chạy chậm nếu có thể, tránh tăng tốc bất ngờ và thường xuyên; nếu khoảng cách không xa, nên đi bộ thay cho đi xe máy.

Nghị định thư Kyoto năm 1997 cũng đã cho nhiều kết quả tích cực tuy Mỹ, đất nước có lượng khí thải CO2/ đầu người cao nhất thế giới đã rút lui năm 2001. Những hiệp ước ký kết tại Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, hiện thuế carbon là một trong những ứng viên sáng giá cho việc bảo vệ môi trường thời hậu Kyoto.

Định mức nào cho thuế Carbon?

Mức thuế carbone ở các nước châu u hiện dao động quanh mức 20 euro/tấn CO2. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa ra quyết định từ năm sau sẽ áp dụng mức thuế 17 euro/tấn CO2. Để cho dễ hình dung, người Pháp sắp tới khi đổ xăng đầy một bình 40 lít sẽ phải tốn thêm 1,96 euro, hóa đơn khí đốt mỗi tháng sẽ tăng khoảng 7%… Với mục tiêu vào năm 2050, lượng CO2 sẽ giảm đi 4 lần so với năm 1990, các nước trong Liên minh châu u đang bàn thảo về thuế carbon chung cho cả EU.

Vấn đề này hiện đang được đẩy mạnh hơn tại các cuộc họp ở Nghị viện châu u khi nước đương nhiệm quyền chủ tịch là Thụy Điển đã áp dụng thuế carbon rất sớm, từ năm 1990 và hiện nay lượng khí thải CO2 của họ đã giảm được 9%.

Nhân loại đang nỗ lực để giữ cho địa cầu không nóng thêm hơn mức 2°C vì nếu vượt qua ngưỡng này, những hậu quả về môi trường sẽ vô cùng nghiêm trọng, đến mức không thể vãn hồi. Thuế carbon nếu được áp dụng chung cho EU sẽ bắt buộc người dân châu u phải tập thói quen tiết kiệm năng lượng khi quyền lợi kinh tế của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Nhưng không chỉ “đánh” vào hầu bao của dân chúng, chính phủ của các nước EU còn ra nhiều biện pháp ưu đãi cho những sản phẩm sử dụng năng lượng sạch, đồng thời đẩy mạnh những chương trình giáo dục về môi trường tại các trường học.

Tương lai của hành tinh xanh sẽ phụ thuộc vào một thế hệ ưu tiên sử dụng xe đạp và các phương tiện công cộng thay cho ô-tô cá nhân, vì tự giác chứ không do bắt buộc.

Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.